Đà Nẵng: Những người lao động không nghỉ lễ 1/5
Quy định cụ thể về tiền lương làm thêm 60 giờ/tháng |
Liên đoàn lao động Hải Phòng lắp 75 máy điều hoà cho công nhân |
Dấu ấn Công đoàn TP HCM: Công nhân ở đâu, Công đoàn ở đó |
Những công nhân “tiền tỷ”… |
Với nhiều người, gánh hàng rong là cả một gia sản, có người nhờ đó mà nuôi được con ăn học thành tài (Ảnh Đ.Minh) |
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5/2022 năm nay kéo dài đến 4 ngày nên nhiều người dân tận dụng thời gian này đi du lịch, nghỉ dưỡng cùng gia đình. Thay vì về quê, nghỉ ngơi, vẫn còn rất nhiều người lao động tự do ở lại thành phố Đà Nẵng lặng lẽ mưu sinh, giữ nhịp làm việc như ngày thường.
Gánh nặng mưu sinh
Lao động tự do (LĐTD) là những người hằng ngày mưu sinh với các công việc như phụ hồ, bán vé số, chạy xe ôm, bốc vác hàng hóa…Đây là nhóm lao động có thu nhập thấp, làm việc không có hợp đồng, nên không có điều kiện tham gia các loại hình bảo hiểm và phải luôn đối diện với những nguy cơ rình rập về tai nạn, bệnh nghề nghiệp…
Làm nghề xe ôm ở ga Đà Nẵng đã được hơn 12 năm, anh T.V.Q (quê Bình Định) hàng ngày luôn túc trực trước cổng vào ra của ga tàu. Chưa bước vào mùa hè nhưng nước da trên khuân mặt của anh đã sạm đen, đôi bàn tay gân guốc cháy nắng… Thường ngày, anh bắt đầu ra bến xe làm từ lúc 5h sáng và ra về khi 23h đêm. “Cái nghề xe ôm lúc được lúc không, ngày nào may mắn thì có công, ngày nào không có khách thì tính nhịn ăn…”, anh Quảng chia sẻ về nghề xe ôm bấp bênh của mình.
“Cái nghề xe ôm cũng còn rình rập nhiều nguy hiểm, suốt ngày phải lưu thông trên đường, chẳng biết tai nạn sẽ ập đến lúc nào, nguy hiểm hơn đó là những chuyến chở khách tới các địa điểm xa và nhạy cảm. Biết là nguy hiểm đấy nhưng vì miếng cơm manh áo thì vẫn cố liều vậy”, anh Q nói trong ngậm ngùi.
Cũng cùng hoàn cảnh xa quê lên thành phố kiếm sống. Cô L.T.H (quê Quảng Trị) cùng chồng thuê một căn phòng tạm bợ gần 15m2, giá thuê không dưới 1,5 triệu đồng/tháng tại kiệt 141 Tiểu La (quận Hải Châu) . Hơn 5 năm nay 2 vợ chồng cô đều sinh hoạt tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng trong căn phòng tạm bợ này, công việc của cô là nhặt rác ở các khu phố, bắt đầu từ 6h cho đến 23h30 đêm.
Những địa điểm cô thường tìm kiếm là đống rác, thùng rác trên phố, nhặt nhạnh từ những thứ nhỏ nhất như túi bóng, miếng nhựa, sợi dây, lon nước, vỏ chai… rơi trên phố. Thu nhập bình quân mỗi ngày của cô H được hơn 100 nghìn đồng.
Chắt chiu từ tiền cô thu được cộng với số tiền của chồng đạp xích lô thồ, trừ chi phí sinh hoạt, 2 vợ chồng cô chú hàng tháng cũng chỉ đủ để gửi tiền về cho ông bà ở quê nuôi các con ăn học. Theo chị H, thông thường những ngày như Quốc tế lao động, ngày Quốc khánh 2/9, có nhiều khách du lịch, các nơi như Công viên Apec, bãi biển Mỹ Khê… sẽ có nhiều vỏ lon nước, chai nhựa thu nhập sẽ khá hơn ngày thường.
Đặc thù lao động tự do là công việc vất vả, thu nhập không ổn định, khó có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội (Ảnh Đ.Minh) |
“Ngày lễ không phải dành cho chúng tôi”
Khi phố xá được trang trí cờ hoa, biểu ngữ thể hiện tinh thần ngày “Quốc tế lao động”, không hào hứng với thời gian nghỉ dài thì nhiều người lao động lại tỏ ra lo lắng về công việc kiếm sống hàng ngày của họ.
Em N.T.H, năm nay 19 tuổi (quê Thừa Thiên - Huế) làm nghề rửa bát, chạy bàn ở quán bia trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Ngũ Hành Sơn) đã được 2 năm. Em cho biết, Do nhà đông anh em, lại nghèo, chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cằn cỗi nên bố em đi làm phụ hồ, còn em học xong lớp 9 rồi nghỉ vào Đà Nẵng tìm việc làm phụ gia đình.
"Lợi thế trẻ trung, ưa nhìn, em vừa được chuyển lên chạy bàn, với thu nhập 5 triệu đồng/tháng, em chỉ đủ ăn và mua sắm những thứ thật cần thiết cho cá nhân. Em hy vọng sau vài năm làm việc em sẽ có cơ hội làm những nghề khác thu nhập cao hơn, ngày Quốc tế lao động, em không dám xin nghỉ về quê, nếu nghỉ sẽ có người khác thế chỗ, sẽ mất việc làm”, N.T.H chia sẻ.
Đối với nghề bán vé số dạo, không rõ từ bao giờ đã trở thành một trong những “cần câu cơm” của không ít người nghèo, hơn nữa còn là một phần của văn hóa thành thị tới nông thôn.
Ông N.Đ.C (76 tuổi) quê Quảng Trị cho biết: “Qua mấy chục năm gắn bó với nghề, bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 22 giờ khuya quanh năm suốt tháng, bán vé số dạo mưu sinh là công việc của phần đông những người yếu thế, ngày lễ không phải dành cho chúng tôi. Công việc này thu nhập bấp bênh, kiếm sống qua ngày và nếu như ngừng bán là đói ăn.Với người bán vé số nếu chào mời khôn khéo tạo được nhiều mối quen thì coi như ấm. Thông thường, một tờ vé số bán ra, người bán dạo kiếm lời chỉ từ 1.100 đồng - 1.200 đồng/tờ”.
Còn cô N.M.H (52 tuổi) cho hay: “Với chúng tôi những lần phải vất vả đạp xe lòng vòng, nhiều khi len lỏi khắp các ngả đường, nhưng sắp tới giờ xổ trên tay vẫn còn hàng chục, có khi cả trăm tờ vé số phải trả lại cho đại lý. Có ngày hên bán hết vé số, còn nửa ngày để làm thêm nhiều công việc khác nhau, như bán trái cây, nhận vệ sinh nhà cửa theo giờ, phụ việc ở các quán cà phê, quán ăn, quán nhậu…để tăng thêm thu nhập”.
Họ là những LĐTD quanh năm không có ngày nghỉ, ngày Quốc tế lao động 1/5 liệu có nghỉ làm không? Khi được đặt câu hỏi chỉ bắt gặp ánh mắt ngạc nhiên như không hiểu gì cùng những điệu cười buồn, rồi họ lại tiếp tục với công việc đang dở dang.
Sống, bươn chải tại Đà thành hàng ngày cùng những khoản tiền chi tiêu để ít ỏi để gửi tiền về quê thì “Quốc tế lao động 1/5” với họ cũng chỉ như bao ngày bình thường khác. Là lao động tự do, công việc nặng nhọc lương được trả theo ngày, với họ chỉ mong có người thuê làm việc để có những khoản tiền trang trải và gửi về cho gia đình đã là những niềm vui sau một ngày làm mệt mỏi.
Với những người lao động tự do, nghỉ lễ cũng giống như điều xa xỉ (Ảnh Đ.Minh) |
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng – Lê Văn Đại, cho biết “Trước những khó khăn mà LĐTD đang gặp phải, những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế toàn dân để tạo điều kiện cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất khi về già, nhưng thực tế số LĐTD tham gia rất ít. Mặt khác, do điều kiện về kinh tế, vật chất của còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định trong khi thời gian tham gia đóng BHXH lại quá dài nên phần lớn họ đều tỏ ra không mặn mà.”.
Rõ ràng, để lao động tự do được bảo vệ và hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội hiện có, rất cần các cơ quan chức năng có liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sử dụng lao động tự do nhằm phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời. LĐTD cũng cần tự bảo vệ mình bằng nhiều hình thức, trong đó đặc biệt quan trọng là hiểu biết về các chính sách, chế độ an sinh xã hội dành cho mình.