Đà Nẵng: Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cần đòn bẩy mạnh hơn nữa
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (Ảnh Út Vũ) |
Ngày 4/11, Bộ Công thương phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ - Đà Nẵng 2022, với sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ Bộ Công thương, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước, các doanh nghiệp nước ngoài.
Tại hội nghị có gần 50 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực: Cơ khí, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, bao bì sản phẩm, sản phẩm phục vụ du lịch…
Hạt nhân tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Thành phố Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò hạt nhân quan trọng trong vùng KTTĐ miền Trung, xét về cơ cấu nền kinh tế của Đà Nẵng nhóm ngành công nghiệp xây dựng chiếm 20,72% trong GRDP toàn ngành kinh tế. Với những thế mạnh sẵn có về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thì TP Đà Nẵng còn nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ (CNHT).
Theo số liệu thống kê, Đà Nẵng GRDP (giá hiện hành) trên 4,58 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 3,753 USD; tỷ lệ KCN, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%; đầu tư trực tiếp nước ngoài 915 dự án trị giá 3,866 tỷ USD; Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao.
Để phát triển CNHT thời gian tới, theo Bộ Công Thương, nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ”, đặc biệt hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong việc đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, chi phí gia nhập thị trường thấp, khuyến khích nguồn vốn tư nhân xã hội. Theo đó, rất cần những khung chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường CNHT.
Ngày 22/3/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp Quốc gia và đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; Phát triển công nghiệp chế tạo là bước đột phá và đề ra mục tiêu năm 2030 tỷ trọng công nghiệp tăng GDP đạt trên 40%. Công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng 2022 thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu và 50 doanh nghiệp đăng ký trưng bày, giới thiệu sản phẩm (Ảnh Út Vũ) |
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, một trong những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu trên là tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài.
Vai trò của địa phương cũng ngày càng trở nên rõ nét thông qua việc xây dựng và thực thi các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Ban hành các chính sách ưu dãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các lĩnh cực kinh tế, trong đó có công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT.
Bộ Công thương đánh giá cao vai trò của các địa phương thời gian qua thực thi các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù của địa phương, phân bổ các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo.
Nhiều chính sách ưu đãi thu hút đầu tư
Để ngành công nghiệp của thành phố phát triển theo hướng bền vững, song song với việc tập trung hoàn thiện sở hạ tầng các khu công nghiệp hiện có, Đà Nẵng đang thực hiện chuyển hướng hỗ trợ đầu tư mạnh cho phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, được sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, TP Đà Nẵng đã tổ chức thành công nhiều chương trình kết nối cung cầu, kết nối giao thương trong nhiều lĩnh vực, đem lại những kết quả thiết thực và nhiều cơ hội hợp tác được mở ra.
Đây là dịp kết nối hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước và quốc tế (Ảnh Đ.Minh) |
Bà Thái Thị Nghĩa - Giám đốc kinh doanh khu vực miền trung Tập đoàn Thiên Minh cho rằng, thông qua chương trình kết nối công nghiệp hỗ trợ chúng tôi mang đến các sản phẩm hỗ trợ khách sạn, khu nghỉ dưỡng từ 3 đến 5 sao từ Bắc đến Nam, phù hợp cho tất cả các phân khúc thị trường, đây là dịp kết nối hợp tác cung ứng, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp.
Được biết, ngày 20/7/2022, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định số 1927/QĐ-UBND về việc phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.
Trong đó, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển là các ngành công nghiệp sản xuất, gia công nguyên liệu, vật liệu, sản xuất linh kiện và phụ tùng để tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử…
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh thông tin, TP Đà Nẵng khuyến khích đầu tư các lĩnh vực: sản xuất công nghệ cao, dịch vụ (du lịch, bất động sản, y tế, logistics cảng biển…), các ngành sản xuất phụ trợ, khởi nghiệp và sáng tạo, các dự án phát triển hạ tầng và nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, thành phố đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: Miễn thuế nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất; Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp… Đồng thời xác định đây là một trong những trụ cột để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển của các ngành sản xuất công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao.
Ông Liviu Lese - Tổng giám đốc UAC Việt Nam cho biết, UAC lựa chọn Đà Nẵng là điểm đến đầu tư sau khi thực hiện khảo sát khắp khu vực Đông Nam Á, Đà Nẵng có nhiều lợi thế về cơ sở hạ tầng, người dân thân thiện, các chính sách thu hút đầu tư, nhân lực chất lượng cao, vị trí địa lý gần cảng biển và sân bay quốc tế.
Từ đầu năm đến nay, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 12 dự án, trong đó 3 dự án FDI với vốn đầu tư 65 triệu USD và 9 dự án trong nước với vốn đầu tư 1.478,7 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các KCN đã thu hút 508 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 28.665 tỷ đồng và 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 1.913 triệu USD.