Đà Nẵng: Tổng kết mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa
Toàn cảnh hội thảo |
Mô hình trường học xanh nói không với rác nhựa được phát động và triển khai trong 8 tháng vừa qua tại 3 trường tiểu học trên địa bàn quận Cẩm Lệ: trường Tiểu học Tôn Đức Thắng, trường Tiểu học Trần Văn Dư, trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhằm đánh giá sự đóng góp của mô hình này vào Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 23/3/2022 của UBND thành phố Đà Nẵng năm 2022 và Kế hoạch hành động số 122/KH-UBND ngày 24/6/2021 của UBND thành phố Đà Nẵng về quản lý rác nhựa đại dương trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) tổ chức Hội thảo Tổng kết mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa tại các trường tiểu học trong quận.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ thông tin về những kết quả và bài học kinh nghiệm của mô hình thực hiện tại 03 trường Tiểu học quận Cẩm Lệ, đồng thời thảo luận bài học và vai trò của các bên trong duy trì và nhân rộng mô hình trường học xanh nói không với rác nhựa tại các trường trên địa bàn quận Cẩm Lệ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đinh Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết: “Việc lựa chọn tập trung cho ngành giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, tác động đến thế hệ tương lai của quận nhà. Tạo sự lan tỏa ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường trong nhà trường và cộng đồng. Ông Thanh nhấn mạnh, để tiến tới thành phố sạch như các nước khác trong khu vực, cần thời gian 5-10 năm.
Nếu ngay từ bây giờ chúng ta không đầu tư vào trường học, mà chỉ chú trọng vào khu dân cư, hộ gia đình thì 5-10 năm nữa các em học sinh này đây sẽ lớn lên trở thành người lớn sẽ có hàng ngàn gia đình và chúng ta lại phải truyền thông, tập huấn từ đầu. Vì vậy, tôi cho rằng quyết định xây dựng mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa tại quận Cẩm Lệ là rất đúng đắn”.
Ông Đinh Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ phát biểu tại hội thảo |
Sau 8 tháng thực hiện, mô hình trường học xanh nói không với rác nhựa được triển khai đánh giá theo các hạng mục như: Kiểm toán rác tại trường, xây dựng bộ giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa cho trường học từ kết quả kiểm toán, triển khai các hoạt động cụ thể trong mô hình giảm rác nhựa tại trường học, hỗ trợ trường học thành lập nhóm/câu lạc bộ môi trường duy trì thực hiện các hoạt động trong mô hình giảm rác thải nhựa tại trường học, đánh giá mức độ giảm rác thải nhựa và báo cáo bài học kinh nghiệm….
Cụ thể, mô hình đã được các kết quả qua các báo cáo tham luận của 3 trường tham gia thí điểm. Không chỉ thay đổi về kiến thức, có 53 - 100% học sinh mang theo bình nước cá nhân, 20-60% học sinh ăn sáng tại nhà, 20% học sinh mang hộp đựng nhiều lần đi mua đồ ăn, 60% học sinh không bao vở bằng giấy gương…
Do có sự thay đổi từ học một buổi và không bán trú lúc đánh giá rác thải đầu vào đến nay học sinh học hai buổi và có ăn bán trú nên các trường chưa đánh giá được sự thay đổi về rác thải phát sinh. Tuy nhiên với sự thay đổi về thực hành kể trên, chúng tôi tin rằng lượng rác phát sinh sẽ giảm.
Chỉ đạo duy trì và nhân rộng tại các trường tiểu học còn lại, bà Đường Thị Lộc, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ phát biểu: “3 trường Tiểu học thí điểm lần này cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình Trường học xanh nói không với rác nhựa để tiến tới đạt mục tiêu giảm rác nói chung và giảm rác nhựa nói riêng.
Các trường tiểu học còn lại, đang tự thực hiện mô hình trường học xanh nói không với rác nhựa cần có đánh giá đầu vào đầu ra để thấy hiệu quả của hoạt động. Từ đó sẽ xây dựng bài học kinh nghiệm để chia sẻ về cách giảm rác trong trường học.
Bà Lộc cũng đề nghị UBND quận và Phòng Tài nguyên Môi trường nên có những hỗ trợ về kỹ thuật cũng như khen thưởng để khuyến khích các trường có nhiều đóng góp hiệu quả vào kế hoạch giảm rác của quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng. “
Hội thảo đã đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện mô hình trường học nói không với rác nhựa, cũng như xác định rõ vai trò của các bên trong quá trình lên kế hoạch và triển khai và cập nhật về tiêu chí trường học xanh.
Hy vọng, thông qua các bài học kinh nghiệm được chia sẻ trong hội thảo, mô hình trường học nói không với rác thải nhựa sẽ được duy trì và nhân rộng không chỉ trên địa bàn quận Cẩm Lệ mà còn cả thành phố Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.
Các đại biểu dự hội thảo |
Kết thúc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thúy Nga, đại diện Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) tổng kết lại các hoạt động và chia sẻ về hướng nhân rộng của mô hình: "Trong 8 tháng thực hiện, mặc dù áp lực lớn về thời gian và nhiệm vụ của ngành giáo dục nhưng các trường đã nỗ lực và thực hiện được nhiều hoạt động phối hợp để thúc đẩy học sinh thay đổi thực hành tiến tới giảm rác nhựa.
Giảm rác trong trường học là xu hướng tất yếu, các trường đang thực hiện hoặc các trường khác muốn áp dụng mô hình hãy liên lạc với trung tâm CAB hoặc trung tâm GreenHub, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để tất cả chúng ta có một môi trường sống sạch và cũng là bảo vệ cho chính sức khỏe của chúng ta”.
Cách thức tiếp cận của dự ánThúc đẩy tính chủ động địa phương, kết nối mạng lưới cho hành động tập thể trong giảm thiểu rác thải nhựa: Huy động tham gia theo ngành dọc và liên kết của các đối tác dự án và các đối tác địa phương để đồng xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động chung, kết hợp với các mạng lưới và liên minh, doanh nghiệp hiện có tại địa phương, đồng thời hợp tác quốc tế với khu vực ASEAN và các sáng kiến toàn cầu. Nâng cao năng lực của các tổ chức và cá nhân cấp địa phương: Đồng thiết kế chương trình đào tạo với các nhóm cộng đồng hưởng lợi và nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân để thúc đẩy sự lãnh đạo ở địa phương, tạo điều kiện kết nối và sử dụng thông tin để giải quyết các thách thức trong các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, tác động của nó đến sức khỏe cộng đồng. Đồng xây dựng một nền tảng số công cộng nhằm huy động người dân và doanh nghiệp cùng hành động để giảm ô nhiễm rác thải nhựa: Hợp tác với các nhóm cộng đồng mục tiêu, đối tác và công chúng để cùng thiết kế một nền tảng tương tác trực tuyến và lấy người sử dụng làm trung tâm, tăng cường các kỹ năng vận động chính sách dựa trên phân tích thay đổi hành vi, nhu cầu của địa phương, dữ liệu về ô nhiễm rác thải nhựa và nguồn lực của địa phương. Các nhóm hoạt động chính của dự án tại Đà NẵngHỗ trợ xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động Giảm thiểu rác thải nhựa cấp quận; Hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa cấp thành phố; Tài liệu hóa, chia sẻ thông tin và truyền thông kết nối thông qua nền tảng số; Kết nối, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa Dự án triển khai trên địa bàn quận Cẩm Lệ và quận Hải Châu, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Đà Nẵng và các cơ quan/đơn vị liên quan tại địa phương. |