Đại biểu Quốc hội lo ngại trước sự gia tăng án mạng vì ghen tuông tình ái
Tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật để ngăn chặn những vụ án mạng đau lòng |
Vụ 3 con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên: Khởi tố tội Giết người |
Các vụ án xảy ra trong gia đình hết sức xót xa
Bức xúc trước hàng loạt vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, gần đây nhất là vụ việc 3 cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) băn khoăn phải chăng những giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là luôn biết ơn "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" hay tình cảm "anh em như thể tay chân" đã không còn được coi trọng; Hay là do các quy định của pháp luật còn chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe để các đối tượng bất chấp luân thường đạo lý, coi thường pháp luật mà phạm tội.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái |
Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho biết, tội phạm giết người thời gian qua đã tăng 13,17%, tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, đặc biệt xảy ra một số vụ giết người mà nạn nhân là người thân tăng 4,83%.
Nhấn mạnh, tội giết người là một trong những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn; Hơn nữa đây còn là các vụ án mà nạn nhân là người thân, mỗi vụ án xảy ra đều quá xót xa, đại biểu cho rằng các cơ quan chức năng và toàn xã hội cần phải có biện pháp hữu hiệu hơn nữa để ngăn chặn loại tội phạm nguy hiểm này.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình để có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa; Đánh giá về chế tài xử phạt đối với đối với tội giết người trong các quy định của pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe loại tội phạm nguy hiểm này hay chưa.
Cùng với đó, Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt, căn cơ, phòng ngừa các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội nói chung và nguyên nhân mâu thuẫn gia đình nói riêng; Phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng Công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở; Có biện pháp thống kê những đối tượng có nguy cơ phạm tội, những vụ việc tranh chấp đã được các tổ chức hòa giải tại cơ sở thực hiện hòa giải nhưng không thành.
Các vụ việc có thể từ những mâu thuẫn âm ỉ trong cuộc sống hằng ngày cho đến những mâu thuẫn bộc phát, đặc biệt là tình trạng lạm dụng rượu, bia, làm giảm khả năng kiểm soát hành vi đã gây ra những vụ án thương tâm để đưa vào danh mục, những vụ việc, những đối tượng thường xuyên theo dõi, kịp thời đấu tranh, phòng ngừa vi phạm ngay từ ban đầu.
Nữ đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, quan tâm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, kịp thời hòa giải ngay từ ban đầu để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Các cơ quan tố tụng tại địa phương cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án giết người, nhất là các vụ án gây bức xúc dư luận, lựa chọn một số vụ án điểm để đưa ra xét xử lưu động, công khai, nhằm tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đặc biệt, theo đại biểu đoàn Lạng Sơn, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa lực lượng Công an Nhân dân và các nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên không chỉ về pháp luật mà còn định hướng về tu dưỡng đạo đức, nhân cách;
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật sâu rộng của người mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình bằng nhiều hình thức, đặc biệt là quan tâm hơn nữa công tác giáo dục con em, thế hệ trẻ coi trọng tình cảm gia đình, phát huy những truyền thống tốt đẹp, đạo đức, chuẩn mực của con người Việt Nam.
Tạo lá chắn vững chắc bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) nhận thấy, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đang có xu hướng gia tăng cao, diễn biến phức tạp và đáng báo động.
Đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây ra thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân |
Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân kiến nghị cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra lá chắn pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại.
Đồng thời đề nghị Chính phủ bổ sung, trong đó cần đánh giá rõ nhiệm vụ, tỷ lệ thụ lý giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em theo nghị quyết của Quốc hội để tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời và hiệu quả hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cũng kiến nghị Bộ Công an, ngành Tư pháp ở Trung ương và cấp tỉnh, hàng năm cần có kế hoạch liên tịch đào tạo, mở lớp tập huấn về kỹ năng lấy lời khai đối với người dưới 16 tuổi cho Điều tra viên, kiểm soát viên, thẩm phán để giải quyết các vụ án tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Cần tổ chức họp liên ngành giữa các cơ quan tố tụng để kịp thời trao đổi, rút kinh nghiệm trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, đồng thời phải phân công cán bộ, công chức có đạo đức, năng lực, có nhiều kinh nghiệm trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến trẻ em.
Ngành Tư pháp cần xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, chủ động phối hợp để xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, điều tra, truy tố, xét xử từ khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, trong đó quy định rõ thủ tục, quy trình và trách nhiệm phòng ngừa, phát hiện, tố giác, trợ giúp và giải quyết các trường hợp trẻ em bị xâm hại của các cơ quan Nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhà trường và gia đình.
Ngoài ra, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần bố trí đủ nguồn lực trong tuyên truyền và thực thi pháp luật về trẻ em, có kế hoạch phân công, giám sát tổ chức, cá nhân và các địa bàn có nguy cơ xâm hại trẻ em cao để có những giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất.