Tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật để ngăn chặn những vụ án mạng đau lòng
Cảnh sát áp giải đối tượng Phan Thanh Hoàng đi lấy lời khai |
Liên tục xảy ra án mạng do người trẻ gây ra
Ngày 30/10, Công an TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh đang điều tra, làm rõ vụ việc nam nhân viên quay vịt đã dùng búa đập vào đầu con gái chủ nhà hàng khiến nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch (vỡ hộp sọ…).
Trước đó, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 26/10 tại quán bia L.C (khu 5B, phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả, cũng là nhà riêng của nạn nhân), P.V.T (SN 1994, quê ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) - nhân viên quay vịt của quán đã trèo lên tầng 2 nơi chị B.T.L.C (SN 1996, con gái chủ quán) đang ngủ.
Tại đây T đã cầm chiếc búa ở cửa phòng và đập vào đầu chị C. Nghe tiếng chị C kêu cứu, người nhà đã ập xuống bắt giữ T giao cho cơ quan công an, đồng thời đưa nạn nhân vào Bệnh viện cấp cứu trong tình trạng vỡ hộp sọ, máu chảy đầm đìa. Rất may do được cứu chữa kịp thời nên chị C đã qua cơn nguy kịch.
Theo thông tin xác minh ban đầu thì trong quá trình làm việc, T nảy sinh tình cảm với chị C nhưng bị từ chối. Có thể do bực tức, T đã gây ra vụ việc trên.
Cũng trong ngày 27/10, Công an TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã tạm giữ đối tượng Trần Quang Thành (SN 2003, trú tại khu phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) để điều tra, làm rõ hành vi cố y gây thương tích. Thành là đối tượng đã dùng dao chém hai người thân của bạn gái trong ngày “ra mắt”.
Trước đó khoảng 9h30’ sáng 24/10, Trần Quang Thành đến nhà bạn gái N.T.T.H (SN 2003, trú tại xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình). Sau đó hai người rủ nhau đi chơi tại TP Thái Bình. Đến khoảng 11 giờ cùng ngày, ông D là bố đẻ chị H gọi điện bảo con gái và Thành về nhà ăn cơm nhưng hai người không chịu về.
Đến 14h15’ chiều cùng ngày, ông D tiếp tục gọi điện cho con gái, quát mắng về việc đi chơi không về và ngăn cấm Thành và chị H yêu nhau. Bị bố ngăn cấm, Thành và H nảy sinh ý định mua một con dao, dọa sẽ tự tử nếu bố vẫn tiếp tục “chia rẽ tình cảm”.
Khoảng 18 giờ cùng ngày, Thành chở H về nhà tại xã Phú Xuân. Tại đây ông D đã tuyên bố cấm Thành và con gái yêu nhau dẫn đến xảy ra cãi vã. Lúc này cậu ruột của H kéo Thành ra chỗ khác thì bị đối tượng dùng dao đã chuẩn bị sẵn, chém vào tay trái nạn nhân. Ngay sau đó, ông D chạy đến, cũng bị Thành dùng dao chém vào bàn tay.
Sau khi nhận tin báo, Công an TP Thái Bình đã nhanh chóng có mặt khống chế, đưa đối tượng về trụ sở để làm việc, lấy lời khai, khám nghiệm hiện trường phục vụ công tác điều tra.
Nghiêm trọng hơn, tối 24/10, do ghen tuông, thù tức người yêu cũ vì những câu nói trong lúc cãi vã, Phan Văn Hoàng (19 tuổi, trú tại xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đã xuống TP Bắc Ninh, dùng dao truy sát người yêu cũ và bạn trai mới của cô gái. Hậu quả một người tử vong tại chỗ, một người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Tại cơ quan công an, đối tượng Hoàng lạnh lùng khai nhận có quan hệ tình cảm với chị B nhưng đã chia tay khoảng 3 tháng nay. Tuy nhiên, 2 người vẫn nảy sinh nhiều mâu thuẫn, trong đó có việc Hoàng vay bạn gái cũ tiền nhưng chậm thanh toán.
Theo lời khai của đối tượng, hắn ta cho rằng bị bạn gái cũ xúc phạm đến cá nhân và gia đình nên nảy sinh ý định trả thù. Hoàng đã lên kế hoạch từ trước và có sự chuẩn bị hung khí, cũng như ý định gây án đến cùng.
Vụ án mạng xảy ra tại tiệm làm tóc ở TP Bắc Ninh |
Cần tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật…
Phân tích về tình trạng tội phạm trẻ hoá, các chuyên gia tâm lý cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giới trẻ phạm tội giết người, cố ý gây thương tích đó là thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình. Nhiều bậc cha, mẹ mải công việc không có thời gian dành cho con cái, không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con nên có những trường hợp con đi chơi qua đêm, nghiện hút hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ không hề hay biết. Chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan Công an thì gia đình mới hay con mình đã phạm tội.
Bên cạnh đó, một số thanh, thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt dẫn đến tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm; Thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập, vui chơi; Thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng. Từ đó, họ thường dễ bị bạn bè xấu lôi kéo tham gia vào những hành vi tiêu cực.
Ngược lại, một số thanh thiếu niên được bố mẹ nuông chiều, luôn được đáp ứng mọi nguyện vọng, hỗ trợ từ người khác mà không biết chia sẻ, giúp đỡ người khác. Những đứa trẻ như vậy có suy nghĩ mình là trung tâm của vũ trụ, mọi người đều phải phục tùng mình, đáp ứng mình vô điều kiện... dần hình thành nhân cách, suy nghĩ lệch lạc. Khi bước vào mối quan hệ yêu đương, xảy ra mâu thuẫn thì rất dễ thực hiện những hành vi tiêu cực khi mình không thỏa mãn được nhu cầu vật chất và cảm xúc.
Để phòng ngừa tình trạng thanh thiếu niên mới lớn phạm tội, một chỉ huy Đội điều tra trọng án Phòng Cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho rằng, cần đẩy mạnh giáo dục gia đình, bởi lẽ, gia đình có ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi cá nhân. Các bậc cha mẹ phải gần gũi, quan tâm chăm sóc, chia sẻ những tâm tư tình cảm của các em, uốn nắn kịp thời những suy nghĩ và hành vi lệch lạc của con trẻ. Một môi trường tốt, thân thiện được hình thành trong gia đình sẽ giúp hạn chế được việc hình thành những hành vi xấu và nhận thức xấu…
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối hợp lấy lời khai của đối tượng truy sát hai người ở tiệm làm tóc |
Cùng trao đổi về các vụ án nêu trên, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định: Trong các mối quan hệ tình cảm thì tình yêu luôn có nhiều cảm xúc, dễ bị kích động, thiếu suy nghĩ, dẫn tới vi phạm pháp luật. Khi đã yêu rồi mà chia tay thì nhiều đối tượng không đành lòng phải sẵn sàng ra tay sát hại bạn tình để trả thù chỉ vì lòng ích kỷ, đố kỵ, thiếu lòng nhân ái.
Vì vậy, để giảm thiểu những vụ án mạng nghiêm trọng như vậy thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng thanh thiếu niên.
Cần phải quan tâm hơn nữa đến nhóm thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng có diễn biến tâm lý bất thường, dễ bị kích động. Các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến con cái, tạo điều kiện cho các con rèn luyện đạo đức, trí tuệ, nghị lực, rèn luyện kỹ năng sống để có thể vượt qua được những tình huống mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống.
Về lâu dài thì cần phải đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống, sự nhân văn, nhân đạo trong mỗi con người. Tính cách con người được hình thành chủ yếu thông qua giáo dục và khả năng tu dưỡng rèn luyện, trong môi trường sống. Khi đạo đức, văn hóa của từng công dân được nâng lên, xã hội có những chuẩn mực đạo đức để người ta dễ nhận diện, dễ làm theo, học theo thì khi đó trật tự xã hội sẽ ổn định hơn, tội phạm sẽ giảm đi.
Còn vấn đề pháp luật sẽ là khuôn mẫu của hành vi, là ranh giới để đánh giá tính hợp pháp hoặc không hợp pháp của hành vi con người. Việc áp dụng chế tài của pháp luật cũng là một trong các biện pháp giáo dục đạo đức, để công dân nhận thức được sai phạm của mình mà khắc phục, sửa chữa.