Đại biểu Quốc hội: Tỉ lệ phát hiện vi phạm thấp vì thanh tra theo kế hoạch
Tăng cường thanh tra, thu hồi nợ đọng BHXH để bảo vệ quyền lợi người lao động Có nên bỏ thanh tra cấp huyện? Thanh tra đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại TPBank, BAOVIET Bank và nhiều ngân hàng |
Ma trận các hoạt động thanh tra
Đó là ý kiến của đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) tại buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), diễn ra chiều 13/6.
Theo đại biểu Lộc những năm gần đây, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 35, Chỉ thị 20 hay gần đây là Chỉ thị 11 thì công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn bất cập. Vì vậy, việc xóa bỏ sự chồng chéo, trùng lặp và nâng cao chất lượng các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn còn là một vấn đề và chưa được giải quyết tận gốc, vừa gây áp lực đối với cơ quan thanh tra, kiểm tra, lại vừa gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp. Mặt khác, việc chuyển trọng tâm của công tác quản lý và chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm cũng đặt ra thay đổi trong tư duy của công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian tới.
"Trong bối cảnh đó, chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ đã trình ra Quốc hội dự thảo Luật Thanh tra lần này theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp để có thể giảm được sự chồng chéo. Đây là một điểm rất quan trọng và tôi rất hi vọng Quốc hội sẽ thông qua luật này trong kỳ họp sau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp và cũng nâng cao chất lượng công tác của chúng ta trong lĩnh vực này", ông Lộc nói.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) cho biết, Luật Thanh tra đang được sửa đổi toàn diện. Đây là thời điểm để luật hóa các cơ chế, quyết định hành chính của Chính phủ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) |
Theo ông Hiếu, năm 2016, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 có quy định riêng nội dung về thanh tra, kiểm tra, yêu cầu "các cơ quan nhà nước khi tiến hành việc thanh, kiểm tra phải theo hướng lồng ghép, phối hợp và kế thừa kết quả hoạt động giữa các cơ quan. Công khai trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra và kiểm toán doanh nghiệp để tránh trùng lặp, chồng chéo; không thanh tra, kiểm tra khi không có căn cứ theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực về quản lý thuế".
Đại biểu cho rằng đây là các chỉ đạo hành chính, không bền vững, khiến doanh nghiệp không an tâm. Những nội dung này phải được luật hóa. Cho nên, ông đề nghị cần có khung pháp lý riêng cho đối tượng của hoạt động thanh tra là doanh nghiệp.
Theo ông Hiếu, hoạt động của doanh nghiệp là đa ngành, đa địa bàn nên sẽ là đối tượng của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, rủi ro trùng lắp, chồng chéo lớn, nếu không có quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, các nguyên tắc thừa nhận kết quả thanh tra của nhau... Theo báo cáo của Chính phủ, có tới 72 cơ quan chuyên ngành có chức năng thanh tra.
Bên cạnh đó, thanh tra để thúc đẩy doanh nghiệp thực thi pháp luật, chứ không phải vì mục tiêu bắt sai phạm nên cần theo nguyên tắc quản lý rủi ro, phù hợp với tính chất, quy mô kinh doanh và tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Hoạt động thanh tra phải bất ngờ mới phát hiện được sai phạm
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đặt câu hỏi: "Tại sao trong các lĩnh vực có nhiều vi phạm nhưng kết quả báo cáo thanh tra, tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp?".
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan |
Theo bà, đó là vì cách thanh tra theo kế hoạch, thanh tra báo trước, để doanh nghiệp đón tiếp đoàn thanh tra. Hoạt động thanh tra phải bất ngờ, phát hiện các sai phạm, tổng hợp thông tin từ quần chúng, làm được như vậy, hoạt động thanh tra mới hiệu quả.
Cũng theo vị đại biểu này, hiện nay, đội ngũ thanh tra thường tập trung vào vấn đề tiền kiểm, làm sao để thẩm định cấp một giấy phép cho tốt nhưng sau đó trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, lực lượng thanh tra lại không đủ lực lượng để tiến hành.
Vì vậy, nếu chỉ trông cậy vào hoạt động thanh tra theo kế hoạch sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu sợ có tiêu cực trong thanh tra thì cần có cơ chế giám sát, luân chuyển cán bộ và có các biện pháp răn đe.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương, 116 điều, được xây dựng tương đối công phu và có nhiều điểm mới, tập trung vào các quy định về Thanh tra nhà nước, làm rõ hơn các khái niệm pháp lý cơ bản về tổ chức và hoạt động thanh tra, nhận diện và giải quyết được một số bất cập về công tác thanh tra. |