Đắk Lắk: “Thủ phủ" hoa đào Buôn Hồ tất bật vào Tết
Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua chợ "ảo" Hiệu quả cao từ mô hình tuần hoàn trồng ngô sinh khối Trên 600 vận động viên tham gia giải chạy “Bước chân của Rồng” |
Ông Bùi Xuân Xỉu bên vườn mai rộng 1ha của gia đình (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, dọc tuyến đường tránh thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) luôn đông vui, nhộn nhịp. Bởi, đây được ví như “thủ phủ” của hoa đào miền Bắc trên cao nguyên.
Phóng viên có mặt tại vườn đào của ông Bùi Xuân Xỉu và được biết: Vườn đào của gia đình ông rộng khoảng 1ha, khoảng 4.000 gốc cây đào. Với nhu cầu của người chơi, gia đình ông tập trung trồng, chăm sóc đào thế, đào huyền của các giống đào Nhật Tân, đào bích, đào phai...
Hiện tại, vườn của gia đình ông Bùi Xuân Xỉu bán sỉ khoảng 300.000 đồng/cây. Nếu người dân mua lẻ về chơi thì giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/cây. Năm nay kinh tế có phần khó khăn nên sức mua của người dân cũng “cầm chừng”.
Từ khi vườn đảo mở bán, gia đình ông đã bán được khoảng 600 gốc đào cho các thương lái và người dân.
Giống hoa đào miền Bắc được trồng trên Tây Nguyên có cánh hoa to, màu sắc đẹp (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Ông Xỉu cho hay, toàn bộ giống đào được đưa từ Nhật Tân vào đây để trồng. Khí hậu, thổ nhưỡng ở Đắk Lắk rất phù hợp để những cây đào phát triển tốt.
Tuy nhiên, người trồng đào cũng phải tưới nước, bón phân và phòng bệnh cho cây để nụ hoa to, khỏe, cánh dày và có màu sắc đẹp.
Nhà vườn Đại Thắng tất bật những công đoạn cuối cùng để các thương lái vận chuyển ra các chợ Tết, phục vụ người dân mua sắm (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo các chủ vườn, thông thường, với thời tiết ở Tây Nguyên, khoảng rằm tháng 11, các nhà vườn sẽ tiến hành lặt lá để căn thời điểm nụ hoa đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Chị Vũ Thị Hằng (chủ vườn đào Hùng Hằng), tại thị xã Buôn Hồ, chia sẻ: “Vụ mùa năm nay, gia đình trồng khoảng 900 gốc đào.
Tất cả gốc đào trong vườn đều là giống đào của miền Bắc và có giá dao động từ 300.000 - 350.000 đồng/gốc. Hiện tại, thương lái đã đặt cọc, khoảng ngày 18 tháng Chạp họ sẽ đến đào và vận chuyển ra chợ hoa để phục vụ người dân mua sắm, chơi Tết”.
Nhà vườn bó cây hoa đào cho khách để vận chuyển đi xa thuận tiện hơn (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Cách đó không xa, vườn đào Đức Thắng đang tất bật người mua bán. Nhiều khách khi đi qua không thể cưỡng lại được vẻ đẹp của những gốc đào cũng dừng lại vào thăm quan, hỏi mua.
Vừa “chốt” xong cây đào, anh Nguyễn Văn Thành, trú tại TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) chia sẻ, đi qua tuyến đường tránh thị xã Buôn Hồ rất ngỡ ngàng vì các giống đào của miền Bắc lại được các nhà vườn đưa vào Tây Nguyên trồng. So với đào miền Bắc thì đào ở đây cũng không thua kém nhiều về kiểu dáng cây, màu sắc hoa.
“Khi đứng tại các vườn đào ở đây, tôi cảm nhận rất rõ không khí Tết đang về rất gần. Hơn ai hết, tôi nhớ cái Tết ở miền Bắc, nhớ nồi bánh chưng đỏ lửa bên những cành đào, câu đối đỏ của một thời tuổi thơ”, anh Thành bộc bạch.
Những cành hoa đào tại "thủ phủ" Buôn Hồ sẵn sàng phục vụ người dân mua sắm đón Tết cổ truyền (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Theo thống kê, hiện tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, có 36 hộ dân trồng hoa đào trên diện tích khoảng 17ha và các hộ đã liên kết thành lập hợp tác xã.
Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây hoa đào, đây được xem là một hướng đi mới giúp người nông dân ổn định sản xuất, làm giàu trên mảnh đất đại ngàn Tây Nguyên.