Đảm bảo cung cấp đủ thức ăn và phòng chống rét cho đàn vật nuôi
Tăng cường nhiều biện pháp chống rét cho vật nuôi
Từ mấy ngày trước, khi nghe thông tin về đợt rét đậm, rét hại, gia đình chị Trần Thị Thục (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã chủ động che chắn chuồng trại chăn nuôi bò thịt bằng phông bạt. Gia đình chị cũng tích trữ một khối lượng thức ăn tinh và cỏ khô để bổ sung năng lượng, chống rét cho đàn bò.
Chị Thục chia sẻ: “Vào những ngày rét đậm, rét hại, tôi luôn tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Đối với những gia súc gầy, gia súc non tôi đã chuẩn chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét. Cùng với đó, tôi cũng thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh cho gia súc thường mắc trong mùa đông như: cước chân, bệnh đường hô hấp...
Những ngày dưới 12 độ C, vật nuôi phải được nuôi nhốt cho ăn tại chuồng, không chăn thả hoặc bắt gia súc làm việc. Đồng thời, cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiêu 5 kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; Cho gia súc uống nước muối ấm; Bổ sung thức ăn tinh nên nấu cháo, cám cho gia súc ăn, ngoài ra còn bổ sung các loại vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi”.
Người dân đốt lửa sưởi ấm cho đàn gia súc |
Không chỉ hộ nông dân, các chủ trang trại cũng rất cẩn trọng trong việc chống rét cho vật nuôi. Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết: Mặc dù chuồng trại đã được xây dựng khép kín, chắn gió tương đối tốt, tuy nhiên vào những ngày nhiệt độ giảm sâu, cơ sở vẫn phải vận hành hệ thống đèn chiếu sáng 24/24 giờ kết hợp đốt củi trong thùng phuy để giữ ấm chuồng trại, bảo vệ sức khỏe đàn lợn hàng ngàn con.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhìn chung bà con đã có những kinh nghiệm thiết thực và thường chủ động phòng, chống mỗi khi nhiệt độ giảm sâu. Một số biện pháp phổ biến được nông dân áp dụng là không chăn thả vật nuôi ngoài trời khi thời tiết giá rét. Đặc biệt là bổ sung thức ăn tinh (bột ngô, cám, sắn…), vitamin và khoáng chất.
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, cơ quan chức năng các địa phương không nên chủ quan với rét đậm, rét hại. Theo đó, cần thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở hộ chăn nuôi, chủ trang trại thực hiện các biện pháp chống rét để bảo vệ đàn vật nuôi.
Để giảm thiểu nguy cơ thiệt hại từ giá rét cho đàn vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khuyến cáo người dân chủ động gia cố chuồng trại; Giữ nền chuồng luôn khô ráo và cho vật nuôi uống đủ nước (có thể pha thêm muối). Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe đàn vật nuôi để kịp thời báo cho cán bộ thú y cơ sở biết, có biện pháp xử lý, hướng dẫn điều trị nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Không chủ quan, lơ là trong chăm sóc vật nuôi khi rét đậm, rét hại
Từ tháng 12/2021 đến nay, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã xảy ra 3 đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại. Đặc biệt từ ngày 19/2-23/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất kể từ đầu vụ Đông Xuân 2021-2022. Nhiều nơi nhiệt giảm sâu, vùng núi cao xảy ra mưa tuyết và băng giá; Trung du và đồng bằng đưới 10 độ C.
Tính đến nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đã có 160 con gia súc bị chết, gồm: Bắc Kạn 18 con; Sơn La 142 con. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé non ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm qua, việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi được triển khai quyết liệt từ Trung ương đến địa phương và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ vụ Đông Xuân 2007-2008 rét đậm, rét hại xảy ra đã làm chết trên 200.000 gia súc, đến nay, số lượng gia súc chết đói, rét giảm rõ rệt.
Rét buốt, người dân chủ động che chắn chuồng trại để tránh rét cho gia súc |
Rút kinh nghiệm qua các năm, trước khi bước vào mùa đông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Cục Chăn nuôi đã có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; Đồng thời tổ chức các cuộc họp triển khai công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2021- 2022.
Để đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, ngành và các địa phương đã tích cực hướng dẫn người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; Tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho trâu, bò tối thiểu từ 200 kg/con trở lên. Các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn để chế biến cải thiện dinh dưỡng của rơm, rạ và các phụ phẩm nhiều chất xơ...
Về chuồng trại, các hộ chăn nuôi dùng bạt, bao dứa, tấm nylon lớn hoặc các vật liệu khác để che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét. Những hộ còn chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện ngay việc di chuyển đàn gia súc về nuôi nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.
Để đảm bảo phòng chống dịch bệnh, người chăn nuôi cần dọn vệ sinh chuồng nuôi gia súc hàng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo; Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 1 lần/tuần; Xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh. Đặc biệt là không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc.
Ngoài ra, người chăn nuôi cần tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc theo quy định. Phát hiện kịp thời dịch bệnh, khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn chẩn đoán chính xác bệnh. Người dân cần thực hiện “3 không, 3 có” trong chăn nuôi (3 không: Không thả rông, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, không dấu dịch; 3 có: Có chuồng trại, có xử lý chất thải trong chăn nuôi; Có tiêm phòng cho gia súc).
Ông Dương Tất Thắng nhấn mạnh: "Người dân không chủ quan, lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu, bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng chống bùng phát dịch bệnh".