Thời tiết diễn biến phức tạp khiến dịch bệnh trên đàn vật nuôi có nguy cơ bùng phát
Nguy cơ dịch bệnh lây lan rất lớn
Hà Nội là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn. Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội, đàn trâu, bò có hơn 171.000 con. Trong đó, bò sữa 15.000 con, trâu bò sinh sản hơn 88.000 con, sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng 1.000 tấn, sản lượng sữa tươi 3.000 tấn.
Đàn lợn khoảng 1,5 triệu con. Trong đó, lợn sinh sản 176.000 con, sản lượng lợn hơi xuất chuồng 19.000 tấn; Đàn gia cầm hơn 33 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 13.000 tấn; Đàn chó, mèo 462.000 con...
Các địa phương cần chủ động tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi |
Dự báo thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao. Nguyên nhân do diễn biến dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chuyên môn phòng, chống dịch bệnh như: Tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, đặc biệt trong hoạt động kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, nơi có nguy cơ cao về lây nhiễm COVID-19.
Bên cạnh đó, tình hình thời tiết biến đổi bất thường, nhất là dịp cuối năm, mưa phùn kéo dài, nhiều đợt rét đậm, rét hại xảy ra đột ngột; Môi trường bị ô nhiễm nặng, nhất là các khu chăn nuôi lớn, các chợ đầu mối, nơi giết mổ tập trung do điều kiện khí hậu ẩm thấp kèm mưa phùn, mức độ ô nhiễm càng cao. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng động vật và sản phẩm động vật trong giai đoạn này cũng tăng cao (thông thường tăng khoảng 20-30% so với trạng thái bình thường)...
Ngoài ra, hiện nay, một số bệnh chưa có vắc xin, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu như: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm chủng mới (cúm A/H5N8, A/H5N9...); Số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng phương thức chăn nuôi vẫn nhỏ lẻ, tận dụng còn cao (khoảng 55%); Nhiều hộ chăn nuôi khu vực gần nhà ở tại các khu đông dân cư nên mức độ lây nhiễm rất cao.
Các địa phương cần chủ động phương án phòng chống dịch
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, để chủ động phòng, chống dịch bệnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, ngành chăn nuôi, Thú y Hà Nội đã thực hiện một số giải pháp như: Tuyên truyền để người chăn nuôi, chủ các cơ sở kinh doanh thực hiện thành công công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tình hình mới.
Cùng với đó, duy trì tốt hoạt động của chốt kiểm dịch đầu mối giao thông tại các chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín), xã Hải Bối (huyện Đông Anh), xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) để kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm; Kiên quyết xử lý số động vật và sản phẩm động vật không đủ điều kiện về thủ tục hành chính cũng như chất lượng sản phẩm hàng hóa lưu hành trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, cần tích cực tổ chức tổng tẩy uế môi trường toàn thành phố đợt trước và sau Tết Nguyên đán, chú trọng các vùng chăn nuôi tập trung, nơi nguy cơ cao, có ổ dịch cũ, khu vực bãi rác thải nhằm ngăn chặn và hạn chế mầm bệnh lây lan (dự kiến có trên 3 triệu mét vuông diện tích được tiêu độc).
Đối với các địa phương có lễ hội truyền thống, hội làng, ngành Thú y cần phối hợp với Y tế tổ chức khử trùng trên diện rộng, nhất là các nơi tập trung đông người để làm sạch môi trường; Duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh tại 42 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; Kiểm tra hướng dẫn các cơ sở đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh để vừa tăng số lượng cơ sở an toàn, vừa tạo lợi thế trong kiểm dịch vận chuyển lưu thông động vật mang đi bán tại các tỉnh, thành phố khác khi dịch bệnh xảy ra.
Các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch bệnh dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán |
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo các xã giám sát các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, giết mổ, bán gia súc, gia cầm mắc bệnh.
Cùng với đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, không để xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm. Cùng với đó duy trì các chốt kiểm dịch động vật liên ngành của thành phố để kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào địa bàn thành phố.
Đặc biệt, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật, sản phẩm động vật vào thành phố.
Với các biện pháp nêu trên được triển khai đồng bộ, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ đạt hiệu quả tốt, góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững.