Đảm bảo nguồn cung và bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trong mùa Covid-19
Bộ Công thương chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường trong mùa dịch Covid-19
Bài liên quan
Những "tấm lòng vàng" của người cao tuổi ủng hộ công tác chống dịch Covid-19
Hà Nội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế quý I
Hà Nội: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I có nhiều chuyển biến tích cực
Sau ngày 22/4, Hà Nội có thể từng bước nới lỏng yêu cầu cách ly
Nhanh chóng ứng phó với các tình huống
Thị trường hàng hóa trong nước từ sau Tết Nguyên đán là giai đoạn bắt đầu bị tác động lớn bởi dịch Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tập trung cao vào các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh... và một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn.
Do nhận định sớm tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 2/2020, Bộ Công thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường, kịp thời triển khai một số hoạt động.
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị trên địa bàn khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Chỉ đạo Sở Công thương các địa phương bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường;
Bộ Công thương yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh |
Các doanh nghiệp phải có phương án dự trữ và cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm kịp thời phục vụ nhu cầu của nhân dân theo từng cấp độ của dịch bệnh, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống, khẩu trang... Căn cứ vào điều kiện cụ thể, nhu cầu thực tế và kinh nghiệm của địa phương để xác định số lượng, chủng loại hàng dự trữ, phương án dự trữ, phương án vận chuyển và phân phối hàng hóa khi có yêu cầu, theo 5 cấp độ cung ứng kịp thời cho các khu vực bị cách ly.
Bộ Công thương cũng chỉ đạo các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đôn đốc, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối hàng nhu yếu phẩm được phép hoạt động trong điều kiện dịch bệnh; tổ chức các điểm bán hàng lưu động để phục vụ người dân trong các khu vực bị cách ly (nếu có).
Bộ cũng hướng dẫn việc tổ chức hoạt động cho các điểm bán hàng nhu yếu phẩm (như chợ và các điểm bán hàng của doanh nghiệp phân phối) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm vừa bảo đảm cung ứng thường xuyên, liên tục các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong các tình huống phát sinh
Việc xây dựng các kịch bản này sẽ giúp cho địa phương chủ động trong việc có phương án huy động nguồn hàng trong trường hợp cần thiết để đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, đến nay tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường gửi về Bộ Công thương. Theo báo cáo của các địa phương và doanh nghiệp, nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho thị trường luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Trong trường hợp vượt ngoài khả năng điều phối của tỉnh, Bộ Công thương cũng đã có phương án để hỗ trợ, điều phối nguồn hàng thiết yếu liên tỉnh khi cần thiết. Nguồn hàng điều phối liên tỉnh tập trung vào 7 nhóm hàng hóa thiết yếu gồm gạo, thịt gia súc, gia cầm, sữa, mỳ gói, xăng dầu, giấy vệ sinh, khẩu trang với số lượng, nguồn hàng cung cấp và phương án cung cấp cụ thể để sẵn sàng ứng phó với các tình huống bất ổn của thị trường.
Bộ Công thương chỉ đạo các địa phương tăng cường các điểm bán hàng, cung cấp thuận lợi hơn cho người dân các nhu yếu phẩm |
Trong giai đoạn thực hiện các biện pháp cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển và cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cho thị trường, Bộ Công thương đã thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp phân phối và Sở Công thương các địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Đơn cử như việc các địa phương có cách hiểu khác nhau trong việc thực hiện kiểm soát và hạn chế đi lại của người dân nên một số địa phương đã ngăn chặn không cho xe chở hàng hóa thực phẩm lưu thông từ vùng sản xuất về các thành phố lớn (như tại Hải Phòng, Sơn La, Đà Nẵng, Lào Cai, Hải Dương, Đồng Nai...), Bộ Công thương đã liên hệ với địa phương để kịp thời xử lý bảo đảm cho hàng hóa lưu thông thông suốt.
Bộ Công thương cũng thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị Big C, BRG retail, Co.op mart, MM Mega martket, Vincomerce... để cung cấp thông tin về cung cầu thị trường tại một số địa bàn nhằm hỗ trợ và phối hợp với doanh nghiệp để điều phối hàng bình ổn thị trường.
Bên cạnh đó, để tăng cường các điểm bán hàng, cung cấp thuận lợi hơn cho người dân các nhu yếu phẩm, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Sở Công thương các địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các Sở ban ngành trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp mở các điểm bán hàng tạm, dã chiến trong giai đoạn dịch bệnh để bảo đảm giãn cách xã hội khi các điểm bán hàng thường xuyên tập trung quá đông người mua hoặc để xử lý cho tình huống điểm bán hàng của các siêu thị phải phong tỏa cách ly khi có người được công bố mắc bệnh đã từng làm việc trong khu vực của siêu thị.
Để bảo đảm nguồn cung khẩu trang vải cho người dân, Bộ Công thương cũng đã triển khai các chương trình kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại các địa phương để hỗ trợ đưa nguồn hàng đến mọi miền đất nước. Bộ cũng đã thường xuyên cập nhật thông tin các điểm bán hàng khẩu trang trên trang thông tin điện tử của Bộ để thông tin đến người dân bảo đảm đáp ứng nhu cầu khẩu trang của người dân trong thời gian vừa qua.
Hiện tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tương đối ổn định, nguồn cung hàng hóa cơ bản luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Nguồn cung cả nước năm 2019 ước tính khoảng 26 triệu tấn gạo (nhu cầu khoảng 19-20 triệu tấn); thịt khoảng 5,5 triệu tấn (chưa kể thủy hải sản khoảng 8,2 triệu tấn); giấy vệ sinh khoảng 200 nghìn tấn; khẩu trang vải năng lực sản xuất 40-50 triệu chiếc/tháng... hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của 100 triệu dân.
Việc cầu tăng đột biến trong một vài thời điểm tại một số địa phương như tại Vĩnh Phúc khi phát hiện ca mắc đầu tiên (cuối tháng 1/2020); tại Hà Nội khi phát hiện ca nhiễm số 17 vào đầu tháng 3 (ngày 7-8 tháng 3) và ngày 1/4/2020 khi Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc... người dân có hiện tượng đổ xô đến các siêu thị, chợ mua hàng tích trữ nhưng do các doanh nghiệp, địa phương đã chủ động nguồn cung và có sự phối hối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo điều hành cùng với sự đồng hành kịp thời của các cơ quan báo chí trong việc thông tin thị trường nên các hiện tượng trên đã nhanh chóng được xử lý.
Đặc biệt, giá hàng hóa thực phẩm có biến động tăng tại các chợ trong những giai đoạn cầu tăng mạnh nhưng sau đó đã giảm trở lại. Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa đầy đủ và giá được giữ ổn định hơn ngoài thị trường tự do.