Đảm bảo quyền lợi cán bộ, không gây xáo trộn trong Nhân dân
Đẩy mạnh tuyên truyền, lấy ý kiến cử tri
Hà Nội đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Theo tiêu chí về diện tích và dân số, trong 2 năm tới, Hà Nội có 173 xã, phường, thị trấn thuộc diện phải thực hiện sắp xếp lại. Hiện 30 quận, huyện của TP Hà Nội có tổng số 579 xã, phường. Theo phương án này, sau khi thực hiện việc sắp xếp, TP giữ nguyên 30 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã) và dự kiến giảm 70 đơn vị hành chính cấp xã, chỉ còn 509 đơn vị bao gồm 321 xã, 168 phường, 20 thị trấn.
Các quận, huyện có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập gồm: Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Long Biên, Đan Phượng, Thường Tín, Quốc Oai và Sơn Tây.
Trong đó, quận Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập 7 phường thành 4 phường. Cụ thể, phường Đồng Nhân sáp nhập với phường Đống Mác thành phường mới. Trong khi đó, một phần của phường Cầu Dền sáp nhập vào phường Bách Khoa, phần còn lại sáp nhập vào phường Thanh Nhàn. Phường Quỳnh Lôi sáp nhập vào phường Bạch Mai. Hiện nay, quận Hai Bà Trưng có 18 phường và sau khi sáp nhập sẽ còn 15 phường.
Phường Cầu Dền (quận Hai Bà Trưng) niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp phường |
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Bạch Mai Nguyễn Thùy Dương cho biết, nhờ sự tuyên truyền kịp thời nên đến thời điểm này, người dân trên địa bàn cũng như các cán bộ, công chức đều đồng thuận thực hiện chủ trương sáp nhập trên.
Trong thực tế, trước đây tại quận Hai Bà Trưng đã có các phường: Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm được sắp xếp lại, đến nay các phường mới đều ổn định, phát triển, nên cán bộ và người dân đã hiểu được ý nghĩa, mục đích của việc sắp xếp đơn vị hành chính.
Trưởng phòng Nội vụ, UBND quận Hai Bà Trưng Lê Bích Hằng cho biết: Trong khi các phương án sắp xếp đơn vị hành chính phường đang được TP trình cơ quan chức năng phê duyệt, quận và các phường đang đẩy mạnh tuyên truyền trên cổng giao tiếp điện tử quận, trang thông tin điện tử phường và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến về việc sắp xếp phường, phương án sắp xếp của TP.
“UBND quận đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn lên phương án dự kiến về sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, để khi TP chỉ đạo triển khai thì quận thực hiện được ngay. Trong đó, Ban Thường vụ Quận ủy sẽ phê duyệt phương án cán bộ chủ chốt, UBND quận phê duyệt về cán bộ công chức dôi dư do sắp xếp”, bà Lê Bích Hằng chia sẻ.
Quận Đống Đa có 10 phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính gồm: Khâm Thiên, Trung Phụng, Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Kim Liên, Phương Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Ngã Tư Sở, Thịnh Quang.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 phường Văn Miếu cho biết, qua trao đổi với Nhân dân, nhìn chung, bà con nhất trí việc sáp nhập theo chủ trương của thành phố, không ai có ý kiến gì về vấn đề này. Việc chọn tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập phường Văn Miếu và Quốc Tử Giám cũng dễ vì hai tên gọi Văn Miếu và Quốc Tử Giám rất liên quan đến nhau. “Bà con chỉ có băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan sau sắp xếp. Chúng tôi mong muốn thành phố tạo điều kiện hỗ trợ bà con làm lại giấy tờ một cách nhanh chóng, thuận lợi”, ông Dũng chia sẻ.
Nhập nguyên hiện trạng số cán bộ, công chức
Xác định việc sắp xếp đơn vị hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề liên quan như về sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, Ban Chỉ đạo TP đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy hướng dẫn việc sắp xếp cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có điều chỉnh đơn vị hành chính, đặc biệt là phương án sắp xếp với bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; định hướng sắp xếp cán bộ chủ chốt, cấp trưởng của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các chức danh liên quan.
TP sẽ có phương án tiến hành sắp xếp cán bộ bảo đảm phù hợp |
UBND TP cũng chỉ đạo Sở Tài chính hướng dẫn việc sắp xếp, sử dụng, khai thác hiệu quả tài sản, trụ sở, các thiết chế văn hóa cơ sở, cơ sở vật chất của các địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính.
Sở Nội vụ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Trong đó, lưu ý thực hiện tuyển dụng, bổ nhiệm công chức cấp xã về công tác tại các cơ quan, đơn vị của cấp huyện còn thiếu; điều chuyển cán bộ, công chức ở đơn vị này sang đơn vị khác không chịu tác động của việc sắp xếp; giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ dôi dư gần đến tuổi nghỉ hưu có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi. HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành nghị quyết về chế độ, chính sách hỗ trợ với cán bộ dôi dư sau sắp xếp.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết: Đối với công tác cán bộ do sắp xếp đơn vị chính cấp xã, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 đã nêu rõ: Khi nhập hai bộ máy, ngoài những cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ hưu theo nguyện vọng cá nhân thì sẽ cần sắp xếp, còn lại sẽ nhập nguyên trạng số lượng cán bộ, công chức của hai bên và giải quyết từng bước theo lộ trình sau 5 năm từ khi quyết định hợp nhất có hiệu lực.
Trong đó, với những vị trí cán bộ chuyên trách của các đơn vị cấp xã phải sắp xếp đơn vị hành chính (bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng đoàn thể), TP sẽ có phương án và chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiến hành sắp xếp bảo đảm phù hợp. Các chức danh cấp phó và công chức của 2 đơn vị sáp nhập thì được giữ nguyên, nên những vị trí công việc mà họ đang đảm nhiệm sẽ được tiếp tục, không có gì thay đổi.
Bên cạnh đó, việc giải quyết chuyển đổi giấy tờ thủ tục hành chính do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được TP chỉ đạo Công an TP thực hiện giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (về nhân thân) cho người dân theo cơ chế TP hỗ trợ toàn bộ. Thực tế trước đây trong giai đoạn 1 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại một số địa phương đã hỗ trợ người dân theo hướng Công an TP xuống tận địa bàn thôn, tổ dân phố để làm thủ tục hành chính cho người dân, nên người dân có thể yên tâm về vấn đề này.
"Từ kinh nghiệm đó, trong lần sắp xếp này, đối với toàn bộ giấy tờ thủ tục hành chính để thay đổi địa danh, tên gọi của đơn vị hành chính, Ban Chỉ đạo TP đã có chỉ đạo Công an TP và các cơ quan chuyên môn thành lập các tổ công tác xuống trực tiếp thôn, tổ dân phố để hỗ trợ người dân với mục tiêu nhanh nhất có thể, không bị gián đoạn"- Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết.