Đạo diễn Huy Lio quyết tâm mở Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam với quy mô toàn quốc
Miss Global 2019 đến Việt Nam, diện áo dài lụa đọ sắc vóc yêu kiều với Đoàn Hồng Trang |
Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam sẽ chính thức khởi động vào ngày 11/6 tới đây tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Đây là lần đầu tiên có một sự kiện thời trang “về nguồn”, với tham vọng đưa chiếc áo dài Việt thành biểu tượng kết nối thế hệ, giữ hồn dân tộc Việt. Người khởi xướng kiêm tổng đạo diễn của chương trình là đạo diễn Huy Lio - một gương mặt quen thuộc với các chương trình xã hội dành cho trẻ em.
Đạo diễn Huy Lio |
Mất gần 4 năm chuẩn bị, trong đó có 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh toàn cầu, Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam được ra mắt với rất nhiều nỗ lực và tâm huyết của người sáng lập cũng như các cơ quan của Việt Trì.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với đạo diễn Huy Lio trước thềm chương trình công bố lễ hội và đêm thi đầu tiên của cuộc thi “Đại sứ Áo dài Trẻ em Việt Nam”, một trong những hoạt động đặc biệt của Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam, nhằm tìm kiếm ra những gương mặt phù hợp để tham gia vào các dự án truyền thông, quảng bá tà áo dài việt và hình ảnh của vùng Đất Tổ Vua Hùng linh thiêng.
Truyền lửa tình yêu áo dài đến thế hệ trẻ em
- Đã từng làm rất nhiều sự kiện thời trang cho trẻ em nhưng trở đi trở lại anh vẫn quay về với áo dài. Điều gì khiến anh tâm huyết với chiếc áo dài như vậy?
Đạo diễn Huy Lio: Tôi thuộc tuýp người “ngang bướng”, đã muốn làm gì là phải làm cho tới cùng, cho dù có trầy da tróc vẩy thì vẫn cứ phải làm. Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam là “đứa con” tâm huyết mà tôi đã ấp ủ từ năm 2018 và cho đến cuối năm 2019, đầu 2020 thì tôi mới triển khai được. Không may sau đó đại dịch COVID-19 diễn ra và tôi đã phải hoãn đi hoãn lại chương trình rất nhiều lần. Đó cũng là cơ hội để tôi có thêm thời gian bồi đắp, chuẩn bị cho chương trình một cách chu đáo nhất.
Từ trước tới nay, tôi làm nghệ thuật cũng ít khi bị tác động bởi “trend” lắm. Tôi thích đi theo cách riêng, con đường riêng của mình hay nói đúng ra là tôi tham vọng mình sẽ tạo ra “trend” và vấn đề tôi quan tâm hơn cả là chương trình của mình mang lại giá trị gì cho xã hội và cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Với tôi chiếc áo dài Việt Nam rất đẹp. Tôi đã làm nhiều chương trình về áo dài và cũng chứng kiến nhiều tâm huyết của những người làm thiết kế, tình yêu của các bạn trẻ dành cho áo dài Việt Nam. Khi tôi lên ý tưởng làm chương trình này, mong muốn của tôi là tạo ra một sân chơi nghệ thuật dành cho những người yêu áo dài và truyền lửa tình yêu ấy đến thế hệ trẻ em - thế hệ sẽ gìn giữ hồn Việt, tiếp nối và phổ biến bản sắc Việt ra thế giới.
Đó cũng là lý do mà tôi mang chương trình về Phú Thọ, tôi muốn gửi đi thông điệp “Thời trang về nguồn”. Có lẽ, nếu nói về trend, thì thứ thời trang không bao giờ lỗi mốt chính là thời trang mang tính bản thể sâu sắc.
- 2 năm dịch bệnh với nhiều lần rời lịch, hoãn lịch, ở vai trò tổ chức, anh đã gặp những thiệt hại như thế nào? Làm cách nào anh vẫn thuyết phục được các phụ huynh tin cậy dù trong 2 năm qua mọi hoạt động nghệ thuật nói chung và hoạt động dành cho trẻ em nói riêng đều phải hủy bỏ?
Đạo diễn Huy Lio: Có thể nói 2 năm COVID-19 và vô số lần phải hoãn chương trình đã đưa tôi về lại con số không tròn trĩnh trong kinh doanh. Mọi nguồn vốn, tiền bạc đều cuốn gói đi theo những lần phải hủy - hoãn chương trình, thậm chí mặc dù không muốn nhưng tôi cũng đã phải cho một số nhân viên của mình nghỉ việc, vì không còn đủ sức để nuôi một ekip và chờ đợi đến ngày đại dịch hết để được làm việc và thỏa mãn đam mê.
Tuy nhiên có lẽ tôi vẫn là một người may mắn khi có được sự giúp đỡ của gia đình, của những người thầy, rồi anh em bạn bè, đặc biệt là các phụ huynh đã luôn tin tưởng tôi và chương trình.
Tôi nghĩ sự thuyết phục hữu hiệu nhất đó chính là sự chân thành và chuyên nghiệp. Có rất nhiều phụ huynh ở nhiều tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc hay miền Trung đã nhắn tin cho tôi bảo rằng: Có đôi khi họ bị mất đi niềm tin vào những chương trình dành cho trẻ em nhưng họ vẫn rất tin tưởng tôi và mong tôi thực hiện được chương trình “Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam” ý nghĩa này. Họ bảo họ sẵn sàng đợi tôi và chương trình cho đến khi dịch bệnh thực sự hết hẳn. Đó cũng chính là một nguồn động viên to lớn khiến tôi càng quyết tâm để thực hiện chương trình này.
Mang đến tuổi thơ đầy trải nghiệm cho các em nhỏ
- Quanh chiếc áo dài Việt luôn có rất nhiều tranh cãi về chuyện biến thể, cách tân, trình diễn. Là 1 đạo diễn sân khấu, anh có những quy tắc nào cho việc sáng tạo? Điều gì khiến anh tự tin rằng Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam sẽ được đón nhận bởi đại chúng?
Đạo diễn Huy Lio: Tôi luôn tôn trọng sự sáng tạo của các nghệ sĩ khác song tôi cũng luôn có những quy tắc trong sự sáng tạo của mình. Vì ngoài việc là một đạo diễn thì tôi cũng được đào tạo chính quy về lĩnh vực quản lý văn hóa nghệ thuật, nên tôi quan tâm đến những vấn đề về thuần phong mỹ tục, về tính định hướng thẩm mỹ cho công chúng, cho giới trẻ và cả về những điều chấp hành đúng quy định của pháp luật cho phép.
Nói tôi tự tin “Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam” sẽ được công chúng đón nhận cũng chưa hẳn đúng. Tôi nghĩ nếu mình thực sự làm những điều tốt đẹp cho trẻ em với chính những gì hồn nhiên, đáng yêu nhất của trẻ em thì sẽ được công chúng đón nhận và ủng hộ.
- Việc đưa trẻ em vào các chương trình nghệ thuật lâu nay khá nhạy cảm và có nhiều tranh cãi. Cá nhân anh nhìn nhận gì về vấn đề này? Anh định hướng gì cho các bậc phụ huynh trước sở thích thời trang, nghệ thuật của con cái?
Đạo diễn Huy Lio: Tôi muốn hỏi ngược lại bạn một câu: Như nào là nhạy cảm? Sự nhạy cảm như bạn nói, có phải chăng là do chúng ta đang “quá nhạy cảm” với những vấn đề tưởng như hết sức bình thường, hay là chúng ta đang không theo kịp với sự phát triển của cuộc sống xã hội hiện đại?
Ngoài việc là một nhà sản xuất chương trình, một đạo diễn, tôi cũng là một thầy giáo, là một người cha của 3 đứa con. Tôi đã từng nghe nhiều phụ huynh của tôi tâm sự, trước đây con họ rất nhút nhát, đi học cô giáo gọi hỏi không dám trả lời, không dám giơ tay phát biểu thể hiện ý kiến của mình nhưng từ khi tham gia các hoạt động nghệ thuật, con họ đã mạnh dạn, tự tin lên rất nhiều, dám thể hiện bản thân mình và quan trọng là kết quả học tập của các con đều tiến bộ, tốt lên.
Học trò của tôi rất nhiều con không chỉ tỏa sáng trên sân khấu mà còn tham gia các cuộc thi học sinh giỏi các cấp. Sự hình thành và phát triển nhân cách cho một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Nếu đổ lỗi đó vì lý do các con tiếp xúc với nghệ thuật, với hào quang sân khấu quá sớm thì tội cho nghệ thuật, tội cho những người nghệ sĩ chúng tôi quá.
Nói định hướng cho các phụ huynh thì nó to tát quá, tuy nhiên đứng ở góc độ của một người làm nghệ thuật, một người thầy và cũng là một người cha, tôi chỉ có một lời chia sẻ với các phụ huynh đã đang và sẽ cho con theo nghệ thuật là hãy thoải mái tự nhiên với những trải nghiệm tuổi thơ của các con, hãy để một mầm cây được tích lũy và lớn dần lên cho trái ngọt, chứ đừng thúc ép cái cây phải lớn nhanh, quả phải mau chín. Nếu thực sự mong muốn định hướng cho con theo con đường nghệ thuật, thì nhất định nên và phải tìm cho con một người dẫn đường tốt.
Lễ hội Áo dài Trẻ em Việt Nam 2022 khởi động vào ngày 11/6 tại Phú Thọ với sự kiện chính là Chương trình Công bố các hoạt động của lễ hội và bán kết 1 của cuộc thi “Đại sứ Áo dài Trẻ em Việt Nam”. Chương trình sẽ có hai đêm quảng bá tại Hà Nội và TP HCM trước khi quay trở lại Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tổ chức Gala chính diễn ra từ ngày 2 - 4/9. Sự kiện mang quy mô toàn quốc với kỳ vọng sẽ trở thành một chương trình nghệ thuật thường niên về nguồn, tôn vinh bản sắc văn hóa Việt và giữ hồn dân tộc. Lễ hội Áo dài trẻ em Việt Nam 2022 bao gồm 3 hoạt động chính: Chương trình trình diễn thời trang của các NTK và Thương hiệu tham gia Lễ hội, Chương trình trình diễn và trao giải cuộc thi “Thiết kế Áo dài Trẻ em” với chủ đề “Cội nguồn Dân tộc”, Chương trình biểu diễn Nghệ thuật và Chung kết cuộc thi “Tìm kiếm Đại sứ Áo dài trẻ em Việt Nam”. |