Đau nửa đầu và quanh hốc mắt, cảnh giác rò động mạch cảnh, xoang hang
Theo đó, bệnh nhân nữ N.T.K.D (75 tuổi, địa chỉ ở An Giang) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lúc 10h30 ngày 17/7 với tình trạng đau đầu, chóng mặt kèm đau hốc mắt bên phải hơn 2 tháng nay. Bệnh nhân bị tăng huyết áp nhiều năm và được điều trị liên tục.
Bệnh nhân N.T.K.D đã điều trị nhiều nơi và nhiều chuyên khoa như: Mắt, Răng - hàm - mặt nhưng các triệu chứng không giảm mà ngày càng nặng.
Bệnh nhân được chỉ định chụp MRI 3.0T có cản từ khảo sát vùng hốc mắt nghi ngờ rò động mạch cảnh xoang hang dạng gián tiếp. Các bác sĩ đã tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân nhập viện theo dõi.
Các bác sĩ đang can thiệp cho bệnh nhân N.T.K.D |
Hội chẩn nhiều chuyên khoa, các bác sĩ đã thực hiện chụp động mạch số xóa nền (DSA), kết quả xác định bệnh nhân bị rò động - tĩnh mạch xoang hang bên phải dạng gián tiếp từ động mạch cảnh trong - ngoài bên phải và cảnh trong trái.
Sau đó, các bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh quyết định thực hiện can thiệp điều trị dị dạng thông động - tĩnh mạch bằng phương pháp can thiệp mạch máu số xóa nền (DSA). Thời gian can thiệp thành công để bít được các lỗ rò bằng các vòng xoắn kim loại (coil) trong 5 giờ đồng hồ. Đây được xem là trường hợp khó vì có nhiều lỗ rò rất phức tạp và đường chọn lọc đến vị trí điểm cần can thiệp khó tiếp cận ở cả 2 hướng từ tĩnh mạch cảnh trong bên phải và trái.
Sau can thiệp, tình trạng hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, không yếu liệt chi, các triệu chứng đau đầu giảm rõ (giảm khoảng 80% trong vòng 24 giờ sau can thiệp); Mắt nhìn tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định đang được điều trị, chăm sóc và theo dõi tại khoa Đột quỵ.
Theo BSCK1 Trần Công Khánh - Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Rò động mạch cảnh - xoang hang là sự thông nối bất thường từ động mạch cảnh qua xoang tĩnh mạch hang. Lúc này, người bệnh sẽ có biểu hiện “kinh điển” bằng các dấu hiệu kết mạc mắt đỏ, lồi nhãn cầu và rò động mạch trong nhãn cầu. Khi tình trạng nặng, một số bệnh nhân sẽ có nhìn đôi hay diễn tiến đến mất thị giác.
Bệnh nhân N.T.K.D ổn định sau can thiệp |
Thông thường, rò động mạch cảnh - xoang hang được chia ra làm 2 loại là rò trực tiếp và gián tiếp.
Rò động mạch cảnh - xoang hang trực tiếp chiếm đa số các trường hợp, hay gặp nhất là sau chấn thương đầu do tai nạn giao thông.
Đối với thể gián tiếp, triệu chứng lâm sàng thường ít rầm rộ hơn rò trực tiếp. Triệu chứng hay gặp nhất là đỏ mắt kéo dài, sau đó mắt mờ dần, bệnh nhân thường than phiền nhiều do điều trị nội khoa không cải thiện.
Vì các triệu chứng khá kín nên đa số bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị muộn. Do đó, bệnh nhân thường có các biến chứng lên mắt do ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch như tăng nhãn áp thứ phát do tăng áp lực tĩnh mạch thượng củng mạc; Biến chứng lên đáy mắt: Phù gai thị, teo gai thị, xuất huyết võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
Bệnh nhân bị rò động mạch cảnh - xoang hang gián tiếp, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, đái tháo đường... Ở thể này, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, một số ít khởi phát sau mang thai và sinh con
Trước đây, bệnh lý này thường được điều trị bằng phẫu thuật nhưng hiệu quả rất thấp và nguy cơ tai biến cao. Ngày nay, với sự phát triển của y học, điều trị can thiệp nội mạch là phương pháp được lựa chọn tốt nhất để điều trị bệnh lý này. Thông thường, khi luồng thông đã được bít tắc hoàn toàn thì sẽ hết các triệu chứng lồi mắt, đỏ mắt, thị lực sẽ dần được hồi phục lại.