Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao các ngành mũi nhọn
Bộ máy hành chính Nhà nước của Hà Nội hiện có trên 7.200 công chức với trình độ đào tạo: Trên 80 Tiến sĩ (1,15%); trên 2.600 Thạc sĩ (35,81%) |
Phát huy hiệu quả
Bộ máy hành chính Nhà nước của Hà Nội hiện có trên 7.200 công chức với trình độ đào tạo: Trên 80 Tiến sĩ (1,15%); Trên 2.600 Thạc sĩ (35,81%); Trên 4.300 Đại học (60,01%)…; Trình độ chính trị: Trên 160 Cử nhân (2,25%); Trên 1.320 Cao cấp (18,19%); trên 2.700 Trung cấp (37,70%)... Theo UBND TP Hà Nội, trước những đòi hỏi thực tiễn của quá trình hội nhập nền kinh tế trí thức, những năm gần đây, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố đã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý, được bố trí, sử dụng phù hợp với chuyên ngành đào tạo, đã và đang thực sự phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ.
Về công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, Hà Nội là địa phương đầu tiên hoàn thành xong toàn bộ vị trí việc làm trong, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, được Trung ương đánh giá cao và triển khai nhân rộng tại Hội nghị toàn quốc (phê duyệt tháng 5/2017).
Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính thuộc thành phố được phê duyệt đã góp phần giúp các cơ quan, đơn vị sắp xếp, bố trí công chức, viên chức, người lao động theo đúng khung năng lực, bản mô tả vị trí việc làm (bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm công tác, khả năng đáp ứng công việc...); Đồng thời, từng bước phát huy được trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và sở trường công tác của công chức.
Trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, thành phố đã tổ chức rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Chính sách trọng dụng nhân tài trong xây dựng, phát triển Thủ đô, để nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi.
Theo đó, các đơn vị đã tiếp nhận vào làm công chức với trên 100 trường hợp, thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ 36 chỉ tiêu; Tổ chức 3 đợt sát hạch tiếp nhận 87 người đủ điều kiện vào làm việc, công nhận kết quả trúng tuyển đối với 73 người; Tổ chức 2 kỳ thi tuyển công chức làm việc tại Sở, cơ quan tương đương sở, UBND quận, huyện, thị xã với trên 2.700 thí sinh tham dự, có 310 thí sinh trúng tuyển.
Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
Trong năm 2022, Hà Nội triển khai Đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 14/1/2022 về việc phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố (Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 01/2022 đến hết năm 2022).
Trên cơ sở tổng hợp đăng ký của các cơ quan, đơn vị, thành phố ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 86 chức danh thí điểm thi tuyển tại 49 cơ quan, đơn vị thuộc Sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và Đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Kết quả triển khai thi tuyển 76 chức danh tại 46 đơn vị đến ngày 10/2/2023 cho thấy, có 67 chức danh hoàn thành thi tuyển, đạt tỉ lệ 88%.
Ngoài ra, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã (Tính đến ngày 31/12/2022, toàn thành phố có trên 9.100 cán bộ, công chức cấp xã; Trong đó, trình độ sau đại học là 944 người; trình độ đại học 7.388 người; trung cấp, cao đẳng: 671 người; trình độ sơ cấp hoặc chưa qua đào tạo 102 người).
Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thành phố đã ban hành quy định số lượng và một số nội dung về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; Quy định tiêu chuẩn, chuyên ngành đào tạo phù hợp với các chức danh công chức cấp xã; Quy chế tuyển dụng công chức xã, thị trấn".
Thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, từ ngày 1/7/2021, mô hình thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội chính thức đi vào hoạt động. Biên chế công chức làm việc tại UBND phường thuộc biên chế UBND quận, huyện, thị xã quản lý, sử dụng". UBND thành phố dã ban hành quy định tạm thời vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm đối với công chức UBND phường thuộc quận, thị xã trên địa bàn Thành phố.
Gắn đào tạo với thực tiễn
Hà Nội cũng xác định du lịch là một ngành có tính đặc thù cao, dòi hỏi sự chuyên nghiệp, nguồn nhân lực phải đáp ứng đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin...
Một trong những yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh cũng như thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững du lịch là phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Từ đó, thành phố đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh đầu tư cho lực lượng lao động trong ngành du lịch, thông qua việc kết nối giữa các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp, công ty du lịch để gắn đào tạo với thực tiễn.
Cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; bồi dưỡng, kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên. Chất lượng nhân lực du lịch Hà Nội được đánh giá tương đối tốt so với các địa phương khác trong cả nước. Lao động trình độ đại học, cao đẳng và khách sạn, nhà hàng (các bộ phận bàn, buồng, bar, bếp, lễ tân) chiếm khoảng 65- 70% tổng số lao động ngành Du lịch.
Theo thống kê của ngành văn hóa thì nhân lực trực tiếp (gồm những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp, sự nghiệp có thu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, gia đình, thể dục thể thao) là hơn 72.000 người và nhân lực gián tiếp ước tính khoảng 150.000 người.
Hiện nay, toàn thành phố có 17 Nghệ sỹ nhân dân, 128 Nghệ sỹ ưu tú. Tầng lớp văn, nghệ sỹ đã có những sáng tác trong các lĩnh vực văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian..., góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới của Thủ đô và đất nước.
Thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt "Đề án tổ chức sắp xếp lại, nâng cao năng lực theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập thuộc Thành phố Hà Nội". Đây là tiền đề quan trọng để các Nhà hát nâng cao chất lượng chương trình, vở diễn; phát huy được hết năng lực của đội ngũ nghệ sĩ diễn viên; Phát huy hiệu quả cơ sở vật chất tại đơn vị sau đầu tư; Đồng thời tăng cường xã hội hóa nhằm thu hút tối đa nguồn lực của xã hội vào phát triển, tăng cường thực hiện tự chủ của các Nhà hát, thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Thủ đô.
Tiếp tục kế thừa những thành tựu quan trọng trong thực hiện Chương trình 04, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”. Chương trình nêu rõ mục tiêu của Thủ đô về phát triển về nguồn nhân lực, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu trên, trong Kế hoạch số 176/KH-UBND ban hành ngày 30/7/2021, về thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy, Thành phố xác định sẽ tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đó là: Giáo dục phổ thông; Giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Song song với các nhóm giải pháp, Hà Nội đặt ra các chỉ tiêu cụ thể. Về giáo dục phổ thông, số trường học công lập (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đạt chuẩn quốc gia là 80-85%; đầu tư xây dựng từ 3 đến 5 trường liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) có diện tích tối thiểu 5ha, có cơ sở vật chất ngang tầm các nước trong khu vực. Về giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 – 80%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 55 – 60%; Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 lượt người. |