Đẩy mạnh thực hiện tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm cho lao động
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Nhu cầu về vốn tín dụng ưu đãi của Việt Nam vẫn rất lớn |
Tạo điểm tựa cho người dân
Xuất thân từ một gia đình trung nông, anh Nguyễn Ngọc Phú (chủ cơ sở muối ngào Ngọc Phú, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã phải lao động từ nhỏ với nghề làm hồ, lớn lên anh đi làm ở nhiều nơi. Với khát vọng vươn lên làm giàu, năm 2021 anh đã trở về địa phương và được Đoàn xã Mỹ Quý giới thiệu nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại NHCSXH. Anh mạnh dạn vay 200 triệu với thời hạn vay 48 tháng để mua 1 máy trộn muối, 1 chảo ngào muối và các trang thiết bị khác.
Qua quá trình sản xuất cơ sở đã có lãi, mang về doanh thu 200 triệu đồng/năm. Ngoài việc trả nợ cho ngân hàng đúng theo phân kỳ thỏa thuận, phần lãi dư anh còn mua thêm được 1 máy trộn và 2 chảo ngào muối, tạo thêm được việc làm ổn định cho 4 lao động nhàn rỗi ở địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, sản phẩm của anh cũng đã được bán tại các chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh và một số địa phương khác.
Anh Nguyễn Ngọc Phú (chủ cơ sở muối ngào Ngọc Phú, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh NVCC |
Cũng giống như anh Phú, chị Hồ Thị Hề (sinh năm 1995, dân tộc Ca Dong, cư trú tại xã Trà Vân, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam) cũng từng trải qua thời gian gian khó. Gia cảnh chị Hề rất éo le khi ba mẹ mất sớm, chị phải nghỉ học để đi làm thuê chăm lo cho các em. Gia đình chị thuộc diện hộ nghèo.
Năm 2016, được Đoàn Thanh niên xã Trà Vân tuyên truyền, chị tham gia vào Tổ tiết kiệm vay vốn và được bình xét cho vay với số tiền 15 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để mua 2 con bò giống và trồng 2 ha keo. Năm 2021, sau 5 năm chăm sóc, đàn bò phát triển được 4 con, chị bán 2 con bò để trang trải chi phí và làm nhà ở. Cùng năm, chị Hề bán vườn keo và tiếp tục vay vốn từ NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư trồng cây quế Trà My xen canh cây sắn cao sản.
Đến nay, gia đình chị Hề có hơn 10 ngàn cây quế, 3 ha sắn cao sản và 03 con bò sinh sản. Sau gần 8 năm kiên trì phát triển kinh tế bằng nguồn vốn vay NHCSXH, gia đình chị Hề đã có căn nhà ở tương đối khang trang và thu nhập hằng năm khoảng từ 50 - 70 triệu đồng.
Anh Vũ Đức Anh ở xã Tú Thịnh (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) cũng là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu về khởi nghiệp. Sau thời gian đi làm thuê xa nhà vất vả nhưng thu nhập thấp, cuối năm 2018, anh Đức Anh trở về quê và vay NHCSXH huyện Sơn Dương với số tiền 200 triệu đồng để mua 800 con giống vịt, ngan. Sau 6 tháng chăn thả, các con giống đã đẻ trứng, anh Đức Anh mua lò ấp để bán vịt, ngan giống cho người dân quanh vùng và bán ra thị trường. Ngoài ra, xung quanh hồ anh Đức Anh trồng mía, mít Thái không hạt, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Úc.
Các bạn trẻ thưởng thức muối ngào Ngọc Phú. Ảnh NVCC |
Mô hình kinh tế này đã tạo nguồn doanh thu cho anh Đức Anh 300 triệu đồng/năm, đến nay ngoài việc đã tạo được việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình, anh còn tạo việc làm ổn định cho 4 hộ gia đình tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Đây là 3 trong số rất nhiều thanh niên, hộ gia đình điển hình tiên tiến làm kinh tế vươn lên thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Hoạt động này góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lực lượng đoàn viên, thanh niên tại các địa phương trên toàn quốc, giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công và làm giàu chính đáng.
Tiếp tục đồng hành cùng người lao động
Tại diễn đàn "Chính sách việc làm cho thanh niên" do Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức, diện NHCSXH cho biết: Trong giai đoạn 2016 đến nay, vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư cho đào tạo nghề, phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm cho các đối tượng là thanh niên đạt được nhiều kết quả nổi bật. Doanh số cho vay đạt 179.042 tỷ đồng với 5.190 ngàn lượt thanh niên được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 128.406 tỷ đồng. Dư nợ đạt 92.486 tỷ đồng với 3,1 triệu khách hàng còn dư nợ (chiếm tỷ lệ 32% tổng dư nợ tại NHCSXH)
Trong đó tập trung chủ yếu vào 6chương trình tín dụng lớn như: Chương trình tín dụng hộ nghèo (dư nợ đạt 19.422 tỷ đồng với396 ngàn hộ còn dư nợ); Chương trình tín dụng hộ cận nghèo (dư nợ đạt 12.023 tỷ đồng với 240 ngàn hộ còn dư nợ); Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo (dư nợ đạt 9.248 tỷ đồng với 197ngàn hộ còn dư nợ); Chương trình cho vay giải quyết việc làm (dư nợ đạt 21.272 tỷ đồngvới 409ngàn khách hàng còn dư nợ); Chương trình tín dụng đối với vùng khó khăn (dư nợ đạt 8.978 tỷ đồng với 213 ngàn khách hàng còn dư nợ); Chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (dư nợ đạt 167 tỷ đồng với gần 5 ngàn khách hàng còn dư nợ).
Diễn đàn "Chính sách việc làm cho thanh niên" |
Cùng với 4 tổ chức chính trị- xã hội, gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Trong đó, Đoàn Thanh niên với chức năng là đơn vị nhận ủy thác, có đội ngũ cán bộ Đoàn được đánh giá có trình độ cao, năng động sáng tạo, đã phát huy được vai trò, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động.
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã tích cực chủ động phối hợp cùng NHCSXH trong việc truyền tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, đội ngũ tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) có uy tín, giàu trách nhiệm trong công tác quản lý tổ. Đoàn viên thanh niên hưởng ứng tích cực trong phát triển kinh tế hộ, khởi nghiệp, lập nghiệp, tạo việc làm có thu nhập ổn định với nhiều mô hình sản xuất tiêu biểu, cách làm hay và sáng tạo.
Đến ngày 28/2/2023, tổng dư nợ các chương trình đang thực hiện tại NHCSXH ủy thác qua Đoàn Thanh niên quản lý đạt 41.778 tỷ đồng, chiếm 14,55% tổng dư nợ vốn ủy thác và chiếm 14,47% tổng dư nợ các chương trình với gần 25 ngàn tổ TK&VV và 952 ngàn khách hàng còn dư nợ.
Có thể nói tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nói chung, đối với thanh niên nói riêng đến nay đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, của thanh niên và các đối tượng chính sách khác trong phạm vi cả nước.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại diễn đàn |
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách tại NHCSXH đã giúp cho thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, tạo việc làm, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho thanh niên. Nhiều mô hình sản xuất, doanh nghiệp của thanh niên khởi nghiệp làm kinh tế giỏi không chỉ ở thành thị mà còn có cả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của thanh niên và các đối tượng chính sách. Hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách đối với thanh niên chưa cao, vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế đó là: Nhiều thanh niên khởi nghiệp chưa qua đào tạo nghề, lập nghiệp tự phát, đối với doanh nghiệp của thanh niên khởi nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính thấp, không có tài sản thế chấp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp.
Tại một số nơi,công tác phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức nhà nước, tổ chức đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết,nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...nơi thanh niên khởi nghiệp vay vốn chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, đất đai để chăn nuôi gia súc… dẫn đến một bộ phận thanh niên khởi nghiệp sử dụng vốn vay chưa hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay trên địa bàn; Tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép có hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư ... với họat động tín dụng chính sách.
Tổ chức Đoàn Thanh niên tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thực hiện tốt các nội dung công việc ủy thác, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng họat động tín dụng chính sách, củng cố họat động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn.