Đẩy mạnh vai trò của phụ nữ trong xây dựng đô thị văn minh
Ngày 27/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025” và Kế hoạch tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại hội nghị |
Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5/8/2022 về tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025.
Với trách nhiệm được giao, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện 3 mô hình điểm: Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu; chợ văn minh, an toàn hiệu quả; danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử kiểu mẫu trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng.
Trong năm 2023, các quận, huyện, thị xã đã triển khai thực hiện được 19 “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”; 20 “Danh lam thắng cảnh/di tích lịch sử kiểu mẫu”; 46 “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”.
Về Đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến năm 2025”, năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai Đề án nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm chất lượng; tập trung chỉ đạo điểm 2 mô hình về “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” và mô hình “Phụ nữ tham gia xử lý rơm rạ sau thu hoạch” đạt kết quả tốt, được cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao.
Sau một năm triển khai mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”, đã có 50.761/66.681 (đạt 76,12%) hộ gia đình hội viên phụ nữ áp dụng thành công phương pháp ủ phân hữu cơ, sản phẩm phân hữu cơ đạt tiêu chuẩn, giúp giảm gần 13 tấn rác thải (khoảng 40%) xả trực tiếp ra môi trường.
Đến nay đã có 18/18 huyện, thị xã triển khai và nhân rộng thêm mô hình tại 237 xã với sự tham gia của 66.681 hộ dân. Cùng với đó, 18/18 huyện, thị xã tiếp tục triển khai mô hình “Sạch đồng ruộng” đến 100% số xã. Bên cạnh đó, các hoạt động giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới được thực hiện tốt…
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai, nhân rộng mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ, xử lý rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn; những thuận lợi và khó khăn trong triển khai thực hiện mô hình “Danh lam thắng cảnh/di tích lịch sử kiểu mẫu”, “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”; giải pháp nâng cao hiệu quả chất lượng mô hình trong thời gian tiếp theo…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động phụ nữ nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông thôn, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên các nền tảng truyền thông của Hội và phương tiện thông tin đại chúng.
Cùng với đó, Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; phối hợp tổ chức các hội chợ giới thiệu sản phẩm an toàn trên toàn thành phố; tổ chức chương trình “Hà Nội kết nối vươn xa” năm 2024.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng thông qua các hoạt động truyền thông, diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề; tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền về quy tắc ứng xử nơi công cộng cho báo cáo viên, tuyên truyền viên.