ĐBQH tỉnh Quảng Bình thảo luận nhiều nội dung quan trọng về các dự án Luật sửa đổi
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tích cực đóng góp xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) ĐBQH đề nghị giảm diện tích đất trồng lúa, tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp |
Ở điểm cầu tỉnh Quảng Bình, các đồng chí: Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Minh Tâm, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì và điều hành phiên thảo luận với sự tham gia của các ĐBQH Nguyễn Tiến Nam, Trần Quang Minh. Tham dự phiên thảo luận có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên thảo luận về các dự án Luật sửa đổi |
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật. Nội dung dự thảo luật bảo đảm phù hợp với mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh, chính sách trong đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ thông qua; Bảo đảm sự phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định: Việc thông qua luật sẽ góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, thể hiện sự quyết tâm trong công tác xây dựng luật pháp, một trong 3 khâu đột phá về thể chế, chính sách, hạ tầng mà Quốc hội XV đặt ra. Luật sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực, giải quyết khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đồng chí Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên họp |
Chính vì thế, việc sửa đổi 8 luật là để xử lý kịp thời các vấn đề thực tế từ nhiều góc độ khác nhau, rất cần thiết và cấp bách.
Nhiều ý kiến tán thành với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các báo cáo được chuẩn bị tốt, ngắn gọn, đánh giá khá toàn diện. Đa số ý kiến đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Nhìn chung, dự án luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong nội tại của từng luật và của hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam bày tỏ sự nhất trí cao về việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều (10 điều của 8 luật): Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự do Chính phủ trình Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Tiến Nam phát biểu tại phiên thảo luận |
Theo ông Nam, việc xây dựng và ban hành Luật này là rất cần thiết, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hiện nay; đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; Khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Các đại biểu cũng đã góp ý về một số nội dung cụ thể tại dự thảo Luật Đầu tư công; Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và dự thảo Luật Điện lực.
Cùng ngày, các đại biểu thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Đại biểu các sở, ngành tham gia thảo luận |
Các ĐBQH đoàn Quảng Bình nhất trí với chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, khẳng định sự cần thiết đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng cùng với 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 - 2020, Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ nối thông toàn tuyến dọc chiều dài đất nước.
Các ý kiến cũng tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan trong việc chuẩn bị tài liệu để đại biểu nghiên cứu, thảo luận hiệu quả.
Về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhất trí với chủ trương xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị đã đề ra.
Nghị quyết sẽ góp phần đưa TP Cần Thơ từ đô thị loại I trực thuộc Trung ương có vị trí trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, trở thành trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông.