Để bảo hiểm thất nghiệp thật sự là điểm tựa cho người lao động...
Bù đắp thu nhập, hỗ trợ học nghề
Sau hơn chục năm thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đến nay, cả nước có trên 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Đáng nói, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là điểm tựa cho người thất nghiệp với trên 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, 97% người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đã có trên 230 nghìn người được hỗ trợ học nghề.
Những ngành nghề người lao động đăng ký học chủ yếu là: Lái xe ô tô, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật pha chế thức uống, tin học văn phòng, vận hành xe nâng hàng, phiên dịch, trang điểm chuyên nghiệp, may mặc, da giày…
Để hỗ trợ việc làm cho người lao động thất nghiệp, hiện nay một số trung tâm dịch vụ việc làm của các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên tổ chức phiên giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm trực tuyến đối với người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang...
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) |
Theo các chuyên gia, chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng phát huy được vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội.
Chính sách này là công cụ quản trị thị trường lao động hữu hiệu, gắn bó chặt chẽ với các chính sách việc làm, thị trường lao động chủ động, chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, chính sách tín dụng vay vốn tạo việc làm, dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động...
Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hỗ trợ người lao động bảo vệ vị trí việc làm, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp.
Trong trường hợp gặp rủi ro về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp với các biện pháp bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp; hỗ trợ họ tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng, hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới. Người thất nghiệp còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp |
Nâng cao hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành điểm tựa cho người lao động và doanh nghiệp, có sự chia sẻ lớn giữa người lao động và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp khi cho lao động nghỉ việc.
Đặc biệt kể từ khi có Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn với những quy định rõ ràng, chặt chẽ đã tạo thuận lợi cho việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp được mở rộng đã giúp người lao động và người sử dụng lao động có nhiều quyền và lợi ích trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo được tính công bằng cho người lao động khi tham gia và thụ hưởng.
Số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước |
Việc bỏ quy định thủ tục đăng ký thất nghiệp đã tạo thuận lợi hơn cho người lao động trong việc đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp, không phải đi lại nhiều nơi, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Ngoài ra, quy định của Nghị định 28/2015/NĐ-CP về việc xác định lý do chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm đã được mở rộng.
Đặc biệt là kể từ khi ban hành Nghị định 61/NĐ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 28/NĐ-CP đã tạo nhiều thuận lợi cho người lao động trong việc nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp và hạn chế được việc thu hồi tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp sai quy định do có việc làm mới.
Học viên hỗ trợ học nghề nấu ăn |
Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang nỗ lực sửa đổi bổ sung các chính sách.
Trong đó có đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan và đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” đã được phê duyệt là cơ hội để đánh giá lại hiện trạng tổ chức thực hiện, những khó khăn vướng mắc.
Trên cơ sở đó, ngành đưa ra các giải pháp và đề xuất với các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật cũng như tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp.