Để văn hóa Hà Nội kết tinh và tỏa sáng…
Trải nghiệm văn hóa truyền thống trong Gala Chào Xuân 2024 Những nét đẹp văn hóa trong phong tục cúng ông Công, ông Táo Đưa lịch sử, văn hóa đến gần với người trẻ |
Chính bởi vậy, Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh” và Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa luôn được các đồng chí chú trọng triển khai và kiểm tra sát sao.
Cùng với sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân, cùng với sự nghiêm túc, nỗ lực của chính quyền, văn hóa Hà Nội đang có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để kết tinh và tỏa sáng rạng rỡ.
Chi tiết, cụ thể, có trọng tâm
Thực hiện khẳng định của đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Ban Chỉ đạo Chương trình đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện, thị xã.
Hoạt động này nhằm thống nhất lại nhận thức và đề ra quyết tâm cao hơn để tập trung xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chuyên đề, kế hoạch theo nội dung Chương trình số 06; Gắn với thực hiện nghiêm các Nghị quyết, kết luận, quy định, hướng dẫn của Trung ương và Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cùng đoàn đại biểu thăm chùa Hưng Long (Thanh Trì, Hà Nội) |
Với các hoạt động kiểm tra việc thực hiện chương trình 06 và Nghị quyết 09, đồng chí Nguyễn Văn Phong bao giờ cũng chi tiết, cụ thể và rất có trọng tâm. Khi kiểm tra tại huyện Thanh Trì, đồng chí và đoàn công tác đến dâng hương tại nơi yên nghỉ cố Tổng Bí thư Đỗ Mười và thăm, khảo sát di tích chùa Hưng Long - di tích Cách mạng kháng chiến, nơi thành lập chi bộ đầu tiên tại ngoại thành Hà Nội. Đoàn cũng khảo sát nhà truyền thống xã Yên Mỹ, tổ hợp kè ao hồ, thăm nhà văn hóa thôn 1 và điểm du lịch trải nghiệm Vạn An.
Khi đến làm việc tại huyện Hoài Đức, đoàn dâng hương tại Đền Giang Xá, Thị trấn Trạm Trôi - nơi thờ Đức Vua Lý Nam Đế; thăm, tặng quà các cháu học sinh trường Mầm non Hoa Sen; thăm, kiểm tra Trạm y tế Thị trấn Trạm Trôi.
Đây không chỉ là những di tích lịch sử văn hóa thể hiện truyền thống, bản sắc của Hà Nội mà còn là nơi ghi dấu, tưởng nhớ công đức của tiền nhân với Tổ quốc, với mảnh đất này. Điều này cũng thể hiện sự nêu gương văn hóa ứng xử có trước có sau, biết ơn công lao của thế hệ đi trước, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc của lãnh đạo thành phố với Nhân dân Thủ đô.
Bên cạnh đó, các điểm đoàn ghé thăm đều là những công trình an sinh xã hội, có ý nghĩa với giáo dục, giáo dục thể chất và quan trọng với sức khỏe, bồi dưỡng tinh thần người dân. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng lưu tâm đến việc phát triển kinh tế địa phương từ những điểm du lịch để có thể tham gia vào công nghiệp văn hóa, thu hút du khách, tạo ra nguồn lực kinh tế.
Tại mỗi đơn vị, đồng chí Nguyễn Văn Phong luôn nhấn mạnh vào việc khai thác các thế mạnh đặc trưng của địa phương. Với huyện Thanh Trì, đồng chí đặc biệt lưu ý cần phải giữ những nét văn hóa truyền thống, giàu bản sắc mà nơi đây đã tạo dựng được qua hàng ngàn năm.
Đó là, trước tốc độ đô thị hóa mãnh liệt như ngày nay, truyền thống gia đình, tình làng nghĩa xóm, văn hóa lễ hội liệu có bị biến đổi theo thời gian hay không? Cán bộ địa phương phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề này bởi nó liên quan đến bộ mặt đô thị, đặc trưng của văn hóa người Hà Nội.
Hà Nội ta phát triển qua hàng ngàn năm, là chốn buôn bán, là kinh đô lâu đời, là nơi hội tụ của rất nhiều nền văn hóa khác nhau nhưng cho đến ngày nay chúng ta vẫn giữ và tạo dựng được nét văn hóa đặc trưng nên không vì lí do gì mà vài chục, vài trăm năm sau, vì những tòa cao ốc mọc lên san sát, vì ngõ xóm làng quê bị phá vỡ mà Thanh Trì không duy trì được văn hóa của mảnh đất giàu truyền thống như xưa nữa.
Hà Nội bứt phá từ phát huy bề dày lịch sử, đa dạng văn hóa |
Tại quận Đống Đa, khi giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Quận ủy về việc thực hiện Chương trình 06 và Nghị quyết 09, đồng chí Nguyễn Văn Phong chỉ đạo, để phát triển công nghiệp văn hóa thông qua di tích trên địa bàn, quận cần xác định một số sản phẩm du lịch cụ thể và có kế hoạch rõ ràng, gắn với nhu cầu thực tế của người dân.
"Bích Câu đạo quán là nơi độc đáo, không đâu có ngoài Đống Đa của Hà Nội, vậy mà quận chưa phát huy được hết giá trị của nơi này", đồng chí Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và đề nghị Đống Đa lưu ý phát huy thêm những điểm nhấn của địa phương mình.
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo quận Đống Đa mạnh dạn chỉnh trang đô thị, tạo thêm cảnh quan đẹp hơn nữa.
Như vậy, những điểm nhấn, chi tiết và hết sức cụ thể ấy cũng chính là thế mạnh, là đặc trưng tạo nên giá trị riêng biệt của mỗi địa phương để hòa chung trong bài ca phát triển văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh của chúng ta. Phải nhìn ra những điểm riêng, những thế mạnh ấy thì sẽ tạo nên những nốt thanh, nốt trầm, những gam màu đa dạng cho bài ca, bức tranh tổng thể của văn hóa Thủ đô. Có như thế sự độc đáo, đa dạng của văn hóa Thủ đô mới phát huy được hết giá trị trong thời đại mới.
Những bông hoa thành công
Nhờ sự quyết liệt, nỗ lực tập trung triển khai, trên khắp các lĩnh vực của văn hóa Thủ đô suốt năm qua chúng ta đã có những “bông hoa thành công” nở rộ đầy sắc hương. Riêng với lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, bứt phá từ phát huy bề dày lịch sử, đa dạng văn hóa, với các mục tiêu được xác định cụ thể cho từng giai đoạn và xác định các lĩnh vực có lợi thế của Thủ đô để tập trung triển khai; trước mắt tập trung một số ngành: Du lịch văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; quảng cáo; ẩm thực; phần mềm và các trò chơi giải trí, Hà Nội đã có nhiều thành tựu đáng kể.
Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đổi với các ngành công nghiệp văn hóa được thực hiện bài bản.
Cụ thể, Hà Nội đề xuất điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, chế độ khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Ngoài ra, thành phố xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, đặc biệt quan tâm tới đối tượng thành phần dân tộc thiểu số. Các quy hoạch, đề án về văn hóa, văn học nghệ thuật phát triển dài hạn trên địa bàn Thủ đô được chú trọng.
Việc vinh danh cho những nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều cống hiến thực hiện theo đúng quy định: Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng “Nghệ nhân Nhân dân”, “nghệ nhân ưu tú” cao nhất cả nước.
Nguồn lực chi thường xuyên cho sự nghiệp văn hóa của toàn thành phố từ năm 2017 đến nay là 5.207.995 triệu đồng, bình quân chiếm tỷ trọng 1,9% trong tổng chi thường xuyên ngân sách địa phương.
Các lĩnh vực thuộc CNVH cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021. Về lĩnh vực điện ảnh, UBND thành phố triển khai xây dựng Quy hoạch hệ thống rạp hát, rạp chiếu phim trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; bố trí rạp chiếu phim theo hình thức xã hội hóa, tổ chức Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội vào tháng 11 các năm 2016, 2018, 2020 và 2022. Đây là sự kiện văn hóa lớn 2 năm một lần diễn ra tại Thủ đô Hà Nội thu hút sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên xuất sắc đến từ 50 quốc gia và vùng lãnh thố trên toàn thế giới.
Về lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Hà Nội thực hiện có hiệu quả chương trình nghệ thuật có yếu tố xã hội hóa như: “Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert”; lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”; cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2016, 2018, 2020, 2022”...
Thành phố cũng tiến hành bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca kịch truyền thống Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình ca kịch truyền thống; trong đó tập trung vàp 4 loại hình chính là: Nghệ thuật chèo, cải lương, múa rối và kịch.
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 1.400 điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Từ năm 2016 - 2021, doanh thu của các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn là 270,9 tỷ đồng.
Trong năm 2023, Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội là một điểm nhấn để Hà Nội “đánh thức” các di sản, đưa di sản trở thành nguồn lực, hòa nhịp vào đời sống đương đại. Sau 12 ngày tổ chức (từ ngày 17 - 28/11), lễ hội thu hút 230.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Trong đó, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm đón khoảng 200.000 lượt khách tham quan; Tháp nước Hàng Đậu (Bốt Hàng Đậu) thu hút 30.000 lượt khách. Điều đó cho thấy những hoạt động này đã mang lại hiệu quả thực chất.
Từ những kết quả tốt đẹp đó, UBND Hà Nội đề ra những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 là: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO...
Tin rằng, với tầm quan trọng và ý nghĩa của Chương trình 06 và Nghị quyết 09, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, với sự đồng lòng nhất trí của lãnh đạo, cán bộ và Nhân dân, thời gian tới chúng ta tiếp tục gặt hái thêm những bông hoa thành công mới, đóng góp cho mùa xuân của Hà Nội thêm rạng rỡ.