Đề xuất miễn phí xét nghiệm Covid-19 để giảm chi phí cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp “đuối sức” vì khó chồng khó, phí chồng phí Hơn 300 doanh nghiệp đề nghị vay vốn trả lương cho trên 50.000 lượt lao động |
Cấp thiết giảm chi phí cho doanh nghiệp
Trong văn bản kiến nghị Chính phủ, UBND TP HCM cho biết, các doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn để tổ chức phương án sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” hoặc “2 địa điểm, 1 cung đường” nhưng không thể kéo dài.
Do vậy, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” xét nghiệm Covid-19 cho công nhân miễn phí, phun thuốc khử khuẩn, tiêm vắc xin cùng với giảm chi phí, như giảm giá điện sản xuất hoặc miễn giá điện sinh hoạt của công nhân như đối với các khu cách ly.
Thực tế, hiện nay chi phí xét nghiệm đang là áp lực tài chính với các doanh nghiệp thực hiện theo các phương án “3 tại chỗ” hoặc “2 địa điểm, 1 cung đường”. Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã phải ngưng hoạt động từ tháng 7/2021 vì không đủ kinh phí hỗ trợ công nhân ăn ở tại chỗ và xét nghiệm.
Đại diện một lãnh đạo công ty thủy sản cho biết, việc doanh nghiệp đảm bảo “3 tại chỗ” chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Nếu phải kéo dài thì khó duy trì vì chi phí rất cao, hiện trung bình mỗi doanh nghiệp trong phải chi cả tỷ đồng cho hoạt động ăn ở và xét nghiệm.
Do vậy, các doanh nghiệp chỉ duy trì lượng công nhân hạn chế để đảm bảo giải quyết các đơn hàng xuất khẩu đã định thời gian giao hàng. Với những đơn hàng mới, nhiều doanh nghiệp cho biết sẽ không tiếp nhận nếu mô hình sản xuất “3 tại chỗ” vẫn kéo dài.
Miễn phí xét nghiệm Covid-19 để giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp |
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chánh Phương - Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết, qua khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” với tổng số lao động 70.000 công nhân cũng đưa ra mức phí xét nghiệm tương đương.
“Như vậy trung bình khoảng 350 người tương đương 350 triệu đồng/tháng cho việc xét nghiệm. Đấy là chi phí trung bình, trong khi có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì cả nghìn lao động ở nhiều nhà máy thì phí xét nghiệm cả tỷ đồng/tháng”, ông Phương phân tích.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021 vừa được ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch Covid-19.
Giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp ngưng hoạt động
Trong văn bản gửi Chính phủ, UBND TP HCM cũng kiến nghị nhóm chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong đó, theo UBND TP HCM cần phân loại doanh nghiệp thành ba nhóm để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp tình trạng hoạt động gồm doanh nghiêp đã giải thể, phá sản; tạm ngừng hoạt động; đang còn hoạt động.
Cho phép doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh |
Theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về thu ngân sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, thời hạn áp dụng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng là hết tháng 12/2021.
Tuy nhiên, UBND TP HCM kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng ít nhất đến hết quý I/2022 và có thể đến hết tháng 6/2022.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như du lịch, dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, chiếu phim, hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí...) cần nâng mức giảm giá trị gia tăng lên 50% thay vì 30% như dự thảo.
Ngoài ra, UBND TP HCM kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người thuê đất gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 với mức giảm là 30% trong năm 2021, riêng các doanh nghiệp ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp và liên tục trong hai năm 2020-2021 thì mức giảm là 50%.
Đặc biệt, UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ chấp thuận việc dịch Covid-19 đang diễn ra là tai nạn bất khả kháng, vì vậy cho phép doanh nghiệp được giảm 50% tiền thuê đất trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ vừa ban hành, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định các giải pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... để tiếp tục hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại các khoản nợ, khuyến khích và tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động tại các địa bàn có dịch đang diễn biến phức tạp, quan tâm hỗ trợ các đối tượng khách hàng có khoản vay nhỏ đang rất khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cùng với đó, ngành ngân hàng phải đơn giản hóa quy trình, thủ tục, hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay; tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng.