Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá
Theo đó, để hạn chế thanh thiếu niên tiếp cận với thuốc lá và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Tài chính đã đề xuất 2 phương án: Phương án 1: Áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp (kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối). Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 1.500 đồng/một điếu xì gà. Quy định này áp dụng từ ngày 01/01/2020.
Phương án 2 là từ ngày 01/01/2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 01/01/2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới có 3 phương thức thu thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá: Theo mức tuyệt đối; thuế suất phần trăm và kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm. Phương thức kết hợp mức tuyệt đối và thuế suất theo tỷ lệ phần trăm là phương thức được nhiều nước phát triển áp dụng (khoảng 48 nước áp dụng).
Trong khu vực ASEAN cũng có một số quốc gia áp dụng phương thức hỗn hợp là Lào (áp dụng mức thuế suất 15 - 30%/giá xuất xưởng của nhà sản xuất và cộng thêm 500 kip Lào hoặc 0,07 USD/bao thuốc lá bán ra); Malaysia (áp dụng mức thuế tuyệt đối 0,19 Ringgit Malaysia/điếu và 20% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra); Thái Lan (áp dụng mức thuế suất 87% tính trên giá xuất xưởng của thuốc lá bán ra và 1 Bath hoặc 0,03 USD cho mỗi gam thuốc lá bán ra).
Trung Quốc cũng áp dụng phương pháp thuế hỗn hợp đối với một số loại thuốc lá (đối với thuốc lá nhóm A, mức thuế suất là 45% cộng với 0,003 NDT cho mỗi điếu). Do vậy, về phía Bộ Tài chính đề xuất theo phương án 1.
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2014 đã quy định lộ trình tăng thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá từ ngày 01/01/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%.
Đại diện Bộ Tài chính lý giải: Mục đích điều chỉnh thuế nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá; thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá; giảm tỷ lệ người hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng; phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau, như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch.
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam cao có nhiều nguyên nhân trong đó, giá bán lẻ thuốc lá còn thấp, thanh thiếu niên dễ tiếp cận với thuốc lá. Hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá thấp: 48,1 % (số liệu được tính theo mức thuế suất năm 2019 là 75%) trong khi đó tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ tại các nước trong khu vực là: Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%; Myanmar: 50% và các nước phát triển Đức: 75%, Pháp 80%.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã thu được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng thu ngân sách và bảo đảm an ninh, trật tự.
Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều đường dây ổ nhóm buôn lậu, nhưng tình hình buôn bán, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn diễn ra công khai, ngang nhiên. Buôn lậu thuốc lá làm thất thu ngân sách lớn, tác động xấu đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuốc lá, đến đời sống, công ăn việc làm của người lao động.
Bởi thực tế với lợi nhuận buôn lậu quá cao thì việc cấm thuốc lậu là rất khó. Thuốc lá cũng như các mặt hàng hạn chế tiêu dùng, nên chính sách giá là rất cần thiết. Còn về căn cơ lâu dài, để giảm tiêu thụ thuốc lá, cần làm giảm lượng cầu thuốc lá trong nước thông qua việc tuyên truyền tác hại, đồng thời có chính sách quản lý bán lẻ hữu hiệu, không chỉ với thuốc lá, mà đối với nhiều mặt hàng như rượu, bia.