“Điểm tựa" của đồng bào dân tộc thiểu số
“Cánh tay nối dài” của chính quyền
Đội ngũ người có uy tín của thành phố Hà Nội là những nhân tố tích cực, luôn đi đầu, chủ động trong việc tuyên truyền người dân, cộng đồng hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình tại cơ sở. Chính vì vậy, những năm qua, các cấp ủy Đảng thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các chính sách cho người có uy tín, qua đó phát huy vai trò người uy tín trên các lĩnh vực đời sống xã hội của địa phương.
Thống kê của Ban Dân tộc thành phố Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có gần 108 nghìn người thuộc 50/53 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.
Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các dân tộc thiểu số khác.
Đồng bào các dân tộc thiểu số sống quần cư thành thôn ở 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, với tổng diện tích tự nhiên trên 30.000ha (chiếm 10% diện tích toàn thành phố).
Bác Nguyễn Xuân Chằm, người có uy tín tại thôn Bưởi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội |
Đến hết tháng 11/2023, đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn thành phố có 129 người. Từ tháng 12/2023, thực hiện bầu chọn người có uy tín giai đoạn 2023 - 2028, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn thành phố có 119 người.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là lực lượng nòng cốt, “cầu nối” quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân.
Phát huy vai trò của mình, những năm qua, người có uy tín đã tích cực vận động, tuyên truyền Nhân dân, người thân tham gia các hoạt động để xây dựng Nông thôn mới ở khu dân cư, xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường sinh thái, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trong đó, nổi bật là các phong trào vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”; tổ chức tổng vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật hàng tuần; thực hiện phát quang bụi rậm, cỏ dại ven đường, triển khai trồng hoa, trồng cây xanh các khu vực công cộng; tập trung dọn dẹp, thu gom rác thải, xây dựng đoạn đường nở hoa, vẽ tranh tường bích họa...
Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân (thứ ba bên trái) tặng quà người có uy tín trên địa bàn hai xã Đông Xuân và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) |
Đội ngũ người có uy tín cũng tích cực vận động các tầng lớp Nhân dân, người con xa quê ủng hộ vật chất, vận động hiến đất xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội góp phần làm cho người dân thay đổi dần thói quen, nếp nghĩ từ đó thay đổi ý thức, hành vi và trách nhiệm của mình trong gia đình và trong mối quan hệ cộng đồng làng xóm.
Nhờ vậy, đến nay đã có 13/13 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn Nông thôn mới. Hiện các địa phương đang tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới thực hiện đồng bộ xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và xã Nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới, người có uy tín còn tích cực vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Nhờ vậy, người dân đã thực hiện tốt phong trào, chấp hành các quy định trong quy ước, hương ước thôn, việc cưới, việc tang không còn tổ chức dài ngày. Hầu hết gia đình người có uy tín đều đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình có con, cháu không mắc tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, người có uy tín còn phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội như: Tết nhảy của dân tộc Dao, hội sắc bùa, trò ném còn, bắn nỏ, múa, bóng chuyền (nam, nữ), đẩy gậy, chạy việt dã, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thành lập các câu lạc bộ cồng chiêng của dân tộc Mường, hát dân ca Mường….
Ngoài ra, trong phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu động viên các thế hệ con cháu trong thôn, xóm chăm lo học tập, thành lập quỹ khuyến học... nâng cao nhận thức, vận động con em trong đồng bào dân tộc thiểu số học tiếng nói, chữ viết, sử dụng trang phục của dân tộc mình góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín
Là một trong số những người có uy tín của huyện Thạch Thất (Hà Nội), bác Hoàng Văn Sáng (83 tuổi) ở xã Tiên Xuân cho biết: “Chúng tôi luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi được bà con Nhân dân yêu quý, tín nhiệm. Trọng trách mà chúng tôi đang mang trên vai mặc dù không to lớn nhưng cũng góp phần vào việc giữ vững mối đoàn kết toàn dân; giúp người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thêm yêu thương, gắn bó với cộng đồng và xã hội”.
Người có uy tín luôn phát huy vai trò của mình trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các phong tục tập quán |
Cùng quan điểm, bác Nguyễn Xuân Chằm, người có uy tín tại thôn Bưởi, xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ: Người có uy tín phải là tấm gương sáng, mẫu mực, luôn thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước để làm gương cho cộng đồng dân cư.
Không những thế, người có uy tín cần không ngừng học tập để nâng cao nhận thức của mình, từ đó có thể phát huy tốt vai trò của mình trong xã hội.
Xác định vai trò quan trọng của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, để tiếp tục phát huy vai trò của họ, Trưởng ban Dân tộc thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết: "Thời gian tới, Ban Dân tộc thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Trung ương và Hà Nội đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, đúng theo quy định".
Đồng thời, Ban Dân tộc sẽ đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức đối với người có uy tín; thực hiện tốt công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Thủ đô.
Thành phố Hà Nội luôn xác định lực lượng người có uy tín còn là “cánh tay nối dài” của chính quyền trong phát triển kinh tế, xã hội |
Thành phố Hà Nội luôn xác định lực lượng người có uy tín còn là “cánh tay nối dài” của chính quyền và ngành chức năng trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong tình hình mới, Ban Dân tộc đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 100% người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với một số chuyên đề thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.
Thời gian tới, Ban Dân tộc thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Cùng với đó, Ban sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín. Đây là nguồn động viên to lớn để người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, tích cực, trách nhiệm đối với cộng đồng, với cấp ủy, chính quyền địa phương.