"Điện Biên Phủ" qua ngòi bút Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiến thắng Điện Biên Phủ - những dấu ấn đặc biệt Người Hà Nội và những âm hưởng Điện Biên vang mãi Kề vai, sát cánh lập nên những kỳ tích "Điện Biên Phủ mới" |
Những tư liệu quý
Năm 1958, nhân dịp kỷ niệm 4 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết bài “Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân dân và được Nhà xuất bản Sự thật (tiền thân của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) xuất bản vào các năm 1958, 1960 với nhan đề “Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trên cơ sở bài viết “Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân dân, Đại tướng đã bổ sung và viết thành cuốn sách cùng tên: “Điện Biên Phủ”. Từ năm 1964 đến nay, cuốn sách tiếp tục được bổ sung tư liệu, tái bản vào các năm 1969, 1979, 1994, 1998, 2004, 2009, 2013, 2016, 2018...
Cuốn sách “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ chín cuốn sách “Điện Biên Phủ”, có hiệu chỉnh, bổ sung một số bài viết và tư liệu, sự kiện lịch sử liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ, do ông Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) sưu tầm, tuyển chọn theo di huấn của Đại tướng.
Tại lễ ra mắt sách, ông Võ Hồng Nam cho biết, Đại tướng thường nói: “Lịch sử thì diễn ra một lần, nhưng phải viết nhiều lần”. Do vậy, trong lần tái bản này ông cùng ê-kíp đã bổ sung nhiều tư liệu mới liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cụ thể, lần đầu tiên cuốn sách có trích báo cáo kết luận tại Hội nghị Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ tổ chức ngày 28/7/1954. Theo ông Võ Hồng Nam, đó chính là những số liệu, những trang báo cáo vẫn còn vương khói súng.
Bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ
Ngoài phần phụ lục, nội dung cuốn sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất: Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi mặt trận Điện Biên Phủ, gồm 6 bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc… đã đoàn kết, dũng cảm phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta.
Phần thứ hai: Điện Biên Phủ, trình bày diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ và phân tích, luận giải sâu sắc của tác giả về sự kiện lịch sử vĩ đại này. Đó là: Hình thái chiến sự vào mùa hè năm 1953; Âm mưu mới của địch: Kế hoạch quân sự Nava; Chủ trương của ta trong Đông Xuân 1953 - 1954; Các cuộc tiến công lớn của quân ta trên các chiến trường phối hợp trước chiến dịch Điện Biên Phủ; Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ: Tình hình địch và chủ trương tác chiến của ta; Chiến dịch Điện Biên Phủ: Diễn biến của tình hình chiến sự; Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ và của các chiến thắng Đông Xuân nói chung.
Đại tướng chỉ rõ địch “luôn luôn chủ quan là vì chúng không nắm được quy luật của chiến tranh Nhân dân, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do”.
Trong khi đó, cuộc kháng chiến chính nghĩa, trường kỳ của toàn thể Nhân dân ta, cụ thể hơn là “chủ trương của ta trong Đông Xuân 1953 -1954”; “các cuộc tiến công lớn của quân ta trên các chiến trường phối hợp trước Chiến dịch Điện Biên Phủ” và toàn bộ “tình hình địch, chủ trương tác chiến của ta” cũng như diễn biến 3 đợt tiến công gian khổ trong chiến dịch Điện Biên Phủ lại được sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng.
Đại tướng khẳng định: “Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động”.
Đại tướng nêu rõ: “Bí quyết thắng lợi lớn nhất của dân tộc ta, của Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm là đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng với tinh thần quyết chiến, trí thông minh sáng tạo của quân và dân cả nước, giữa tinh thần cách mạng tiến công triệt để của giai cấp công nhân với truyền thống đoàn kết đấu tranh bất khuất của dân tộc.
Đó là sự phát triển ngày càng hoàn chỉnh của khoa học và nghệ thuật quân sự đánh giặc, cứu nước của Nhân dân ta, là sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của cả dân tộc được tổ chức lại ở trình độ ngày càng cao với sức mạnh to lớn của thời đại mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc”.
Ông Võ Hồng Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) phát biểu tại lễ ra mắt sách “Điện Biên Phủ” |
Phần thứ ba gồm các bài viết, bài trả lời phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ như: Nhận định về ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ; Bài học thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ; trả lời phỏng vấn tuần báo “Cách mạng châu Phi” nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5/1963)...
Phần Phụ lục của cuốn sách cung cấp cho bạn đọc một số tư liệu lịch sử như các nhật lệnh, thư, lệnh động viên, mệnh lệnh tiến công, báo cáo, lịch diễn biến những sự kiện chính của chiến dịch Điện Biên Phủ…
Song song với xuất bản sách giấy truyền thống, để thuận tiện cho bạn đọc nghiên cứu, tìm hiểu và tra cứu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản điện tử cuốn sách trên trang https://sachquocgia.vn.
Với những tư liệu lịch sử phong phú, trình bày khách quan, khoa học, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp biên soạn, cuốn sách “Điện Biên Phủ" là một tài liệu quý, có giá trị nhiều mặt, giúp bạn đọc hiểu một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống về diễn biến, tầm vóc, ý nghĩa to lớn của của sự kiện lịch sử vĩ đại này.