Người Hà Nội và những âm hưởng Điện Biên vang mãi
Đến với “Điện Biên Phủ - Những trang vàng lịch sử” Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt Triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ |
Hướng về miền Tây Bắc
Đất nước ta ngày càng phát triển, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Bác Hồ nhưng đó đây trên dải đất hình chữ S vẫn còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là những vùng đất được nhiều người dân Hà Nội và Việt Nam luôn đau đáu muốn tương trợ.
Tây Bắc, nơi thời tiết khắc nghiệt, địa hình toàn dốc núi cao; nơi có Điện Biên ghi dấu mốc vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc với Chiến dịch Điện Biên Phủ đưa tầm vóc Việt Nam khắc sâu vào lịch sử thế giới. Mỗi năm vào dịp kỉ niệm đặc biệt này, người dân khắp đất nước, nhất là Thủ đô Hà Nội lại hướng về Điện Biên với tấm lòng thiết tha nhất.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham dự buổi gặp mặt tri ân |
Tròn 70 năm từ khi chúng ta bằng chân trần chí thép, bằng những đoàn xe thồ, bằng sức người kéo pháo, bằng tinh thần bất khuất, bằng sự mưu lược, dũng cảm, quyết đoán và chiến lược tuyệt vời đã đánh thắng quân đội tối tân, hiện đại, bảo vệ hòa bình cho dân tộc. Điên Biên - hai tiếng luôn khiến người dân Việt Nam xúc động, tự hào.
Những hoạt động hướng về Điện Biên được thành phố Hà Nội thực hiện từ rất sớm với các chương trình tri ân rất thiết thực. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ tỉnh Điện Biên 15 tỷ đồng xây dựng 300 ngôi nhà Đại đoàn kết; tặng chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên kinh phí 3 tỷ đồng; tặng quà đối với 70 gia đình chính sách, 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá các suất quà là 570 triệu đồng.
Hà Nội cũng đã tổ chức gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, dịp này, Hà Nội cũng tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà tại gia đình các thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến của 30 quận, huyện, thị xã. Lãnh đạo các cấp của Hà Nội trực tiếp đến từng nhà, gặp mặt tri ân từng người trực tiếp tham dự Chiến dịch Điện Biên Phủ khi xưa.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thăm, tặng quà đồng chí Nguyễn Thị Mai - chiến sĩ quân y tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ |
Những phần quà, những lời thăm hỏi của lãnh đạo, cán bộ, đoàn viên thanh niên, các đơn vị của Thủ đô chính là thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của người Hà Nội hôm nay gửi tới những cống hiến, đóng góp của cha ông. Ghi nhớ công lao to lớn ấy, người Hà Nội ngày nay càng cố gắng phấn đấu dựng xây Thủ đô và đất nước hơn, xứng đáng với thế hệ đi trước.
Bên cạnh đó, những hoạt động này góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, nhắc nhở thế hệ trẻ, nhân lên lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi người.
Điều này cũng thể hiện tình cảm sâu sắc của người Hà Nội, tri ân truyền thống để tiếp bước tương lai. Mốc son chói lọi của Chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ là động lực, là niềm tự hào, là nền tảng để người Hà Nội, người Việt Nam kiên cường, sáng tạo cùng nhau dựng xây Tổ quốc ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Những âm hưởng vang mãi
Đối với người Hà Nội, Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là niềm tự hào chung của cả đất nước mà còn có ý nghĩa to lớn. Bởi lẽ, từ chiến thắng này chúng ta mới tiến về Hà Nội, mang đến hòa bình lập lại, mang đến sự tự do, thống nhất cho toàn miền Bắc, trong đó có Hà Nội. Vì vậy, năm nay cũng là dịp Hà Nội kỉ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Hai sự kiện trọng đại này có liên hệ mật thiết với nhau trong tiến trình lịch sử dân tộc, đồng thời mang lại hạnh phúc to lớn cho người Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Âm hưởng Điện Biên còn vang mãi trong lòng người Hà Nội |
Những câu chuyện về những người lính, dân quân, các nhân chứng người Hà Nội từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là tấm gương sống động về sự cống hiến và hi sinh. Như trong cầu truyền hình trực tiếp "Dưới lá cờ Quyết Thắng" kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, công chúng cả nước được gặp một Thủ đô anh hùng có nhiều người đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ dưới cương vị là lính quân y hoặc chiến sĩ liên lạc cho các bác sĩ tuyến đầu. Hà Nội như một điểm cầu đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho kháng chiến, làm nên hậu phương miền Bắc vững chắc với chiến trường Điện Biên Phủ.
Tại đây, chương trình khắc họa những hình ảnh về phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, về sự hy sinh thầm lặng của những người dân hậu phương trong việc chi viện cho chiến trường. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của các nghệ sĩ, trí thức, những người đã có những đóng góp to lớn cho chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt, trong chương trình này câu chuyện hậu cần mặt quân y của cầu Hà Nội được khai thác sâu hơn. Từ đó, trả lời cho câu hỏi như "Năm ấy các sinh viên y khoa của Hà Nội đã rời lên chiến trường như thế nào? Những sáng kiến có một không hai của các bác sĩ tuyến đầu xuất phát từ Hà Nội cống hiến cho chiến trường Điện Biên là gì?...
Bà Ngô Thị Ngọc Diệp văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã cùng mọi người hát vang ca khúc “Qua cầu Tây Bắc” |
Tại điểm cầu Hà Nội, bà Ngô Thị Ngọc Diệp (88 tuổi) văn công Đại đoàn 308 quân Tiên phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã cùng mọi người hát vang ca khúc “Qua cầu Tây Bắc”. Với bà Diệp, ký ức lớn nhất đọng lại sau 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta và toàn thể chiến sĩ.
Theo đó, theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu và lời dặn dò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy chiến dịch, bà cùng các đồng động đoàn kết một lòng quyết chiến, quyết thắng, đóng góp công sức làm sao cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Đó là tiêu biểu cho sự đóng góp và tinh thần của người Hà Nội trước tất cả những sự kiện trọng đại của đất nước.
Những ngày này, tại Thủ đô Hà Nội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, triển lãm, các đêm ca nhạc cùng viết lên bản hùng ca Điện Biên vang dậy non sông. Bao đoàn công tác đến với Điện Biên cho thấy tinh thần Điện Biên luôn lan tỏa, khắc sâu, sống mãi trong lòng người Hà Nội và Việt Nam.