Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều năm 2018
Tham dự diễn đàn có ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, một số địa phương trong nước, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, lãnh đạo Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), hàng trăm DN, HTX của Việt Nam và Trung Quốc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn
Báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các mặt hàng nông sản 2018, ông Dương Văn Thái - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, năm 2017 tốc đọ tăng trưởng tổng sản phẩm của tỉnh đạt 13,3%. Hiện, Bắc Giang có 22 sản phẩm chủ lực, đặc trưng được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nổi bật là sản phẩm vải thiều với diện tích 28 nghìn ha đã có mặt ở hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sản lượng vải thiều năm 2018 ước đạt từ 150 – 180 nghìn tấn. Bên cạnh những thuận lợi, việc tiêu thụ vải thiều còn gặp nhiều khó khăn, tiêu thụ tự phát chiếm tỉ lệ lớn, chưa mang tính bền vững. Qua diễn đàn này, chúng tôi kiến nghị, Bộ NN&PTNN tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu vải thiều chính ngạch sang Trung Quốc; đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu vải thiều sang các thị trường mới; đề nghị Chính phủ Trung Quốc sớm phê chuẩn dịch vụ Visa tại chỗ của cửa khẩu Hữu Nghị và triển khai mô hình thông quan “Hai quốc gia một kiểm tra”; đồng thời chỉ đạo rà soát về quy trình chứng nhận VietGAP theo hướng đơn giản hóa, dễ thực hiện với chi phí hợp lý.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại diễn đàn
Tiếp thu các ý kiến, kiến nghị liên quan đến những rào cản trong hoạt động xuất khẩu qua các cửa khẩu, ông Nguyễn Công Trưởng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét, giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều nói riêng và xuất nhập khẩu nói chung qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Về phía các đơn vị tiêu thụ vải thiều, ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cam kết tiêu thụ 400 tấn vải thiều. Ngoài ra, doanh nghiệp này sẽ đưa sản phẩm vải thiều vào chương trình hưởng ứng tiêu dùng xanh đồng thời đăng kí đưa vải và những sản phẩm nông sản khác của Bắc Giang tham gia vào Lễ hội trái cây của 45 tỉnh thành để bà con hiểu hơn về các sản phẩm của Bắc Giang. Saigon Co.op kiến nghị từ vụ mùa sau sẽ được tham gia sâu hơn nữa để định hướng bà con về phương thức sản xuất, đóng gói, bảo quản và chế biến để nông sản có giá trị cao hơn. Saigon Co.op mong muốn là đầu mối đưa nông sản Bắc Giang đến các thị trường khác và xuất khẩu.
Cắt băng xuất hành chuyến vải thiều Lục Ngạn đi thành phố Hồ Chí Minh
Đại diện Hiệp hội Xuất nhập khẩu hoa quả Bằng Tường, Sở Thương mại Quảng Tây đều đánh giá cao chất lượng và hương vị quả vải Bắc Giang phù hợp với sở thích của người Trung Quốc. Phía tỉnh Quảng Tây cũng đầu tư, nâng cấp các tuyến đường kết nối biên mậu với Việt Nam để xuất nhập khẩu thuận lợi nông sản từ phía Việt Nam.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc cho biết các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm tới nhập khẩu vải và nông sản Việt Nam và có thể đầu tư công nghệ chế biến nông sản tại Bắc Giang. Tháng 11/2018, Trung Quốc sẽ tổ chức hội chợ về các sản phẩm nhập khẩu tại Thượng Hải. Chúng tôi mong muốn thông qua các diễn đàn, hội chợ, việc giao dịch hàng nông sản hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho hay, ngay từ khi ra hoa, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang tập trung chỉ đạo chăm sóc mùa vải năm nay. Trước khi mùa vải bước vào chính vụ, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại kết nối giao thương, xây dựng kế hoạch triển khai để mùa vải năm nay vừa được mùa vừa được giá.
Đoàn xe container xuất hàng đưa vải thiều Lục Ngạn vào TP Hồ chí Minh
Sau khi nghe các ý kiến tham luận tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính Phủ Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ ngành và địa phương có cửa khẩu lắng nghe, triển khai đề xuất của tỉnh Bắc Giang. Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nói chung, những sản phẩm chủ lực của tỉnh Bắc Giang nói riêng, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cần quan tâm quy hoạch vùng, tránh phát triển theo phong trào, thiếu kiểm soát; đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, phát triển thương hiệu, tem nhãn theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn; coi trọng hơn nữa việc bảo quản và chế biến.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, nhiều địa phương chưa được thưởng thức các loại vải ngon. Tỉnh cần tạo ra các sàn giao dịch nông sản, xác định thị trường trọng tâm, trọng điểm, tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Năm nay, vải được mùa được cả giá là do chúng ta làm tốt công tác thị trường và quảng bá ngay từ đầu. Vì vậy, tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về sản phẩm, để thông tin được thông suốt.
Chia lẻ bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: “Để có được những kết quả khả quan trong việc tiêu thụ nông sản cần sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và sự gắn kết với các doanh nghiệp tiêu thụ. Ngay sau diễn đàn này, Saigon Co.op tổ chức một đoàn xe tải chở vải thiều vào TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Hôm nay các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đến rất đông và đã có kế hoạch tiêu thụ vải cho Bắc Giang. Sau diễn đàn này, nhiều hợp đồng sẽ được kí kết, không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ vải tại thị trường phía Nam mà còn phát triển xuất khẩu sang các thị trường khó tính khác trên thế giới. |