Điều chỉnh quy hoạch, TP Vũng Tàu chia thành 7 khu vực
TP Vũng Tàu được xác định là TP có tính chất trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ cộng đồng
Bài liên quan
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội
Tham vọng tái định nghĩa khái niệm “nhà”
Xây dựng chiến lược phát triển du lịch Bình Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới
Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành một thành phố xanh
Theo đó, không gian của TP Vũng Tàu được chia làm 7 khu vực, gồm: Đảo Long Sơn, Gò Găng, Bắc Phước Thắng, Công nghiệp – cảng, Đô thị hiện hữu, Bắc Vũng Tàu, Ven biển Chí Linh – Cửa Lấp.
Trong đó, khu vực đảo Long Sơn là trung tâm công nghiệp dầu khí quốc gia, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp khác; hình thành khu đô thị mới phục vụ công nghiệp dầu khí và khu đô thị sinh thái mật độ thấp, đáp ứng nhu cầu ở đô thị; cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu và bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên vùng ngập mặn. Tổng diện tích đất khoảng 4.100 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 2.670 ha. Quy mô dân số tối đa khoảng 45.000 người.
Khu vực đô thị hiện hữu tập trung cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị theo hướng bảo tồn cấu trúc không gian đô thị truyền thống, bảo tồn công trình kiến trúc, cảnh quan và hệ sinh thái có giá trị; khai thác hiệu quả các quỹ đất công sở sau khi di dời, ưu tiên quỹ đất sau di dời cho các chức năng công cộng, cây xanh và hỗn hợp (văn phòng, thương mại, du lịch và nhà ở).
Khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ duy trì các khu công viên rừng kết hợp du lịch, vui chơi giải trí, tạo điểm nhấn cảnh quan trong thành phố. Tại khu vực Bãi Sau, duy trì quỹ đất du lịch hiện hữu, ưu tiên phát triển hỗn hợp với các loại hình dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, thương mại, nhà ở và các công trình dịch vụ đô thị, đảm bảo xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để đáp ứng nhu cầu du lịch và nâng cao chất lượng sống của người dân. Đối với khu dân cư hiện hữu, hạn chế gia tăng dân số; khai thác, phát triển dịch vụ du lịch.
Tại khu vực cù lao Bến Đình, cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu; hình thành khu đô thị mới hiện đại với chức năng hỗn hợp gồm nhà ở – dịch vụ thương mại – văn phòng và đảm bảo hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu dân cư.
Về định hướng tổ chức hệ thống trung tâm, Trung tâm khu đô thị hiện hữu được giữ nguyên vị trí và quy mô. Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời các công sở được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình hạ tầng xã hội, công viên cây xanh đô thị và sử dụng hỗn hợp (văn phòng, thương mại, nhà ở), đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị.
Với Trung tâm đô thị phát triển mới, xây dựng mới khu trung tâm hành chính thành phố tại khu vực Bắc Vũng Tàu, giáp đường 2/9, quy mô 14 ha theo hướng tập trung và hiện đại. Phát triển trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng, giải trí kết hợp khu đô thị tại khu vực sân bay hiện hữu, quy mô 170 – 180 ha.
Hình thành mạng lưới trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp và công cộng cấp đô thị tại khu trung tâm đô thị hiện hữu, trung tâm các khu vực phát triển mới trên dọc tuyến đường 3/2 và 2/9. Các trung tâm thương mại dịch vụ cấp khu vực bố trí dọc theo các tuyến đường chính và trung tâm các khu đô thị. Cải tạo, nâng cấp và phát triển chợ truyền thống tại các khu dân cư hiện hữu.
Xây dựng khu trung tâm giáo dục – đào tạo tại khu vực phát triển đô thị phía Bắc thành phố, trên các tuyến đường 3/2 và đường 2/9, quy mô diện tích khoảng 30 – 32 ha.
Xây dựng các trung tâm y tế cấp đô thị gồm: Bệnh viện đa khoa quy mô; bệnh viện quốc tế tại khu vực Gò Găng khoảng 10 ha; các trung tâm điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, các trung tâm y tế chăm sóc sức khỏe chuyên ngành kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch khám chữa bệnh.
Ngoài ra, quy hoạch cũng yêu cầu phải bảo tồn hệ thống sinh thái, cảnh quan rừng ngập mặn ven biển ở đảo Long Sơn, đảo Gò Găng, sông Cỏ May, sông Dinh, Cửa Lấp. Bên cạnh đó, để chống ngập nước, trong quy hoạch lần này Vũng Tàu được xây dựng hệ thống tuyến kênh thoát nước chính dọc thành phố, khai thông toàn bộ hệ thống kênh rạch.