“Dính bẫy” lừa đảo quỹ phúc lợi, một phụ nữ mất hơn 17 tỷ đồng
Cẩn trọng quỹ đầu tư lợi nhuận cao
Công an TP Hà Nội thông tin, lợi dụng nhu cầu tìm kiếm hợp tác kinh doanh trên không gian mạng, nhiều đối tượng đã mạo danh các tập đoàn, doanh nghiệp tên tuổi để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án. Để “con mồi sập bẫy”, các đối tượng xây dựng lòng tin, mối quan hệ tình cảm với nạn nhân, mời đầu tư hứa hẹn lợi nhuận cao rồi chiếm đoạt tài sản.
Ngày 22/8 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận trình báo của chị Nguyễn T.T (trú tại Long Biên) về việc bị chiếm đoạt số tiền hơn 17 tỷ đồng với thủ đoạn như trên.
Một bị hại của tội phạm lừa đảo công nghệ cao đến cơ quan công an trình báo |
Theo đó, chị T được “người quen” trên mạng xã hội giới thiệu đầu tư vào quỹ phúc lợi của một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở chính tại Việt Nam. Người này cung cấp đường dẫn website có logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu giống của tập đoàn có tên tuổi này nên chị T đã tin tưởng.
Theo lời giới thiệu, quỹ đầu tư có quy mô hàng nghìn tỷ đồng, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%. Chị T đã chuyển khoản thử 2 triệu đồng và thu về lợi nhuận 1,32%. Ngày hôm sau, chị chuyển 60 triệu đồng và hưởng lợi 3.12% sau khi tham gia 15 phút.
Thấy số tiền giao dịch và tiền lãi được đẩy ngay về tài khoản của mình, chị T tiếp tục đầu tư 17,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thực hiện lệnh rút tiền về tài khoản cá nhân thì hệ thống báo lỗi và không cho rút tiền. Các đối tượng liên tiếp yêu cầu chị chuyển thêm tiền với các lý do xác minh, bảo hiểm rủi ro… Nghi ngờ mình bị lừa, chị T đã đến cơ quan công an trình báo.
Theo cơ quan chức năng, cùng với thủ đoạn mạo danh các tập đoàn lớn có uy tín để lừa đảo kêu gọi đầu tư, gần đây, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh các doanh nghiệp lớn, uy tín tuyển dụng qua mạng xã hội khiến nhiều người nhẹ dạ, mắc bẫy…
Cụ thể, các đối tượng tạo lập các website (có tên miền gần giống), trang mạng xã hội giả mạo (sử dụng logo, hình ảnh, mã số thuế, địa chỉ…) các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để dẫn dụ nạn nhân sập bẫy.
Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng hình ảnh giả mạo, cắt ghép chỉnh sửa thành các “hợp đồng tuyển dụng, bản cam kết việc làm” và hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn. Các nạn nhân lầm tưởng đang xin việc, thỏa thuận việc làm với doanh nghiệp thật, công việc thật.
Dễ thấy nhất, các đối tượng dụ dỗ nạn nhân chuyển khoản, đóng tiền ký quỹ để được nhận việc tại doanh nghiệp, tập đoàn; được làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua việc nhiệm vụ và nhận tiền công (like, share, giật đơn hàng ảo, đánh giá ảo, xem phim, nghe nhạc…). Nhiều bị hại khi phát hiện bị lừa vẫn lầm tưởng đang bị chính công ty, doanh nghiệp bị mạo danh lừa đảo.
Ngoài ra, các nhóm tội phạm không chỉ lừa tiền giữ chỗ của nạn nhân mà còn thu thập trái phép dữ liệu cá nhân như: Căn cước công dân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng…
Nhóm tội phạm dùng dữ liệu cá nhân của các nạn nhân để thực hiện các hình thức lừa đảo tiếp theo. Trong quá trình này, các đối tượng có thể sử dụng thông tin này để đi vay tiền trên app và dụ dỗ nạn nhân xác thực khoản vay.
Cảnh giác trước “bẫy” đầu tư, tuyển dụng
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã tiếp nhận nhiều đơn trình báo của bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn việc nhẹ, lương cao, thanh toán đơn hàng hưởng hoa hồng…
Mới đây, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tiếp nhận trình báo và tiến hành điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên. Theo điều tra bước đầu, ngày 6/5, anh Đ (sinh năm 1989; ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận được lời mời đầu tư online. Anh được hướng dẫn làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Trước lời mời quá hấp dẫn, anh Đ đã nạp tiền để tham gia.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua mạng |
Ở đơn hàng đầu tiên, anh Đ nạp 12,5 triệu đồng và được nhận lại ngay 14 triệu đồng. Thấy công việc dễ dàng, anh Đ đã nạp thêm 50 triệu đồng để làm đơn hàng VIP 2. Tuy nhiên anh Đ không rút được tiền ra. Các đối tượng yêu cầu anh phải nạp thêm mới cho rút tiền hoa hồng và tiền gốc.
Do tiếc tiền, anh Đ đã chuyển gần 2,5 tỷ đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này anh Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Tương tự vụ việc của anh Đ, vợ chồng chị Tuyết M (sinh năm 1983, ở quận Long Biên, Hà Nội) đã đến cơ quan công an trình báo là bị hại trong vụ lừa đảo tuyển công tác viên online khiến họ mất số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Để phòng tránh trường hợp bị lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân: Cẩn trọng trước những lời mời kết bạn trên mạng xã hội; cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ; cân nhắc kỹ khi tham gia vào các nhóm đầu tư tài chính; lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội.
Người dân cần xác minh danh tính của đối tượng như: Họ tên, địa chỉ, người thân, số điện thoại công ty hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể; không nên vội vàng làm theo những yêu cầu, hướng dẫn của đối tượng.
Bên cạnh đó, người dân cần cảnh giác với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc; không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ cơ quan công an để kịp thời giải quyết vụ việc theo quy định.
Cùng với cơ quan công an, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đưa ra những dấu hiệu nhận diện hình thức lừa đảo “việc nhẹ, lương cao”. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các thủ đoạn như đăng tin tuyển dụng giả mạo: Kẻ lừa đảo tạo tin tuyển dụng giả mạo trên các trang việc làm trực tuyến, nền tảng mạng xã hội hoặc thậm chí là trang web do kẻ lừa đảo tự tạo ra. Những tin tuyển dụng này trông có vẻ hợp lệ và đưa ra những vị trí hấp dẫn với mức lương cao và giờ làm việc linh hoạt.
Kẻ lừa đảo chủ động gửi cho nạn nhân các email trông như được gửi từ các công ty hoặc tổ chức tuyển dụng có uy tín. Dưới vỏ bọc là làm theo quy trình ứng tuyển, những kẻ này có thể yêu cầu nạn nhân nhấn vào đường dẫn, tải tệp đính kèm xuống hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Đối tượng lừa đảo sắp xếp các cuộc phỏng vấn việc làm giả mạo để yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tuyên bố rằng thông tin đó được dùng để kiểm tra lý lịch hoặc phục vụ việc chuyển khoản điện tử.
Một số kẻ lừa đảo có thể yêu cầu nạn nhân trả trước phí hành chính trước khi có thể bắt đầu làm việc. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo sẽ biến mất và công việc đó không bao giờ trở thành hiện thực.
Theo Cục An toàn thông tin, lừa đảo việc làm hứa hẹn mức lương và phúc lợi cao nhưng sự thật là không có việc làm nào cả và nạn nhân sẽ bị chiếm đoạt tiền. Kẻ lừa đảo có thể yêu cầu đóng phí trả trước, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng hoặc chia sẻ thông tin nhạy cảm. Do đó, người dùng cần thận trọng trước các thông tin và thủ đoạn như trên để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao.