Đồ chơi Trung thu truyền thống vẫn "lên ngôi" ở thời đại 4.0
Người phụ nữ giữ lửa nghề làm đèn Trung thu Kinh doanh bánh Trung thu handmade: Giới trẻ bội thu từ nghề tay trái Đồ chơi Trung thu truyền thống "hút" trẻ con |
Thấm đẫm văn hóa Việt
Đến phố Hàng Mã vào những ngày này, ai cũng không khỏi choáng ngợp bởi màu sắc bắt mắt của những món đồ chơi, nét rạng rỡ của người qua, lại. Ngày nghỉ cũng như các ngày trong tuần, phố Hàng Mã dường như “không ngủ”.
Trẻ em mê mẩn với đồ chơi Trung thu truyền thống |
Người lớn, trẻ nhỏ tụ tập đến con phố này mong muốn thưởng thức không khí vui nhộn của Tết Trung thu, chụp cho mình những tấm hình kỷ niệm và mua về những món đồ chơi truyền thống.
Năm nay, các mặt hàng đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, đèn cù, đầu sư tử, trống, mặt nạ giấy bồi, đèn kéo quân… được bày bán rộng rãi. Các đồ chơi truyền thống này cũng được cải tiến, trang trí bắt mắt hơn song vẫn giữ được nét vốn có.
Đồ chơi Trung thu truyền thống lên ngôi |
Trong các cửa hàng lớn, nhỏ trên phố Hàng Mã, các tiểu thương luôn dành vị trí bày biện ưu tiên nhất cho các mặt hàng truyền thống. Chủ cửa hàng Trâm Thu (số 26 Hàng Mã) chia sẻ: “Người dân càng ngày càng chuộng những đồ chơi Trung thu truyền thống. Họ coi đó như một món ăn tinh thần vào dịp này. Do dịch Covid-19 nên những mặt hàng đồ chơi hiện đại của Trung Quốc cũng ít hơn”.
Trẻ em say sưa với đồ chơi |
Có mặt trên phố Hàng Mã để cùng con gái chọn đồ chơi Trung thu, chị Thảo Nguyên (ở quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Những đồ chơi hiện đại tôi sẽ dành các dịp khác để tặng con. Vào Tết Trung thu, tôi muốn mua cho con những món đồ chơi truyền thống, dạy con về văn hóa xưa Việt Nam. Đó là nét đẹp cần phải gìn giữ”.
Bố mẹ hướng dẫn con cách chơi đồ chơi dân gian |
Anh Văn Thắng còn cho rằng: “Đồ chơi truyền thống được làm từ chất liệu thiên nhiên như tre, nứa, giấy... an toàn cho trẻ nhỏ. Đôi khi rời xa những thứ hiện đại, trẻ nhỏ sẽ được phát triển toàn diện hơn”.
Không chỉ các bậc phụ huynh, nhiều thanh niên cũng đang có xu hướng lựa chọn đồ chơi Trung thu truyền thống. Họ tìm đến chúng vừa để ôn lại những ký ức tuổi thơ, vừa làm phụ kiện để “check-in” rất ấn tượng.
Nhiều bạn trẻ chọn mua đồ chơi trên phố Hàng Mã |
“Mình còn nhớ rõ những đêm rước đèn, ngắm trăng, phá cỗ nơi quê nhà. Đón Trung thu ở Hà Nội, xa gia đình nên mình tìm đến những món đồ chơi tuổi thơ này. Ký ức ùa về khiến mình thực sự rất xúc động”, Cẩm Nhung (sinh viên đang tạm trú ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ.
Quà "trăng rằm"...
Không chỉ bắt mắt, rực rỡ, đồ chơi Trung thu truyền thống còn có giá thành rẻ, có tính cạnh tranh với đồ chơi hiện đại. Đèn ông sao có giá từ 15.000 - 70.000 đồng, đầu sư tử có giá từ 50.000 - 200.000 đồng, mặt nạ giấy bồi được bán với giá từ 15.000 đồng... Các mặt hàng khác như trống, đèn rước... cũng đều được bán với giá cả phải chăng.
Những món hàng sắc màu rực rỡ với giả cả phải chăng |
Một số tiểu thương phố Hàng Mã cũng cho biết, họ nhận được các đơn hàng lớn từ các khu vui chơi giải trí, các trung tâm giáo dục. “Xu hướng trang trí Trung thu theo kiểu truyền thống dần quay trở lại; Giá thành vừa rẻ, lại tạo ra không gian ấm cúng, truyền thống nên được rất nhiều nơi lựa chọn”, chị Thu Bích chia sẻ.
Phố Hàng Mã vào mùa Trung thu |
Người mua, kẻ bán đều yêu thích các món đồ chơi truyền thống bởi đó là kí ức, là nét đẹp văn hóa không đâu có được. Mặc dù những đồ chơi hiện đại ngày càng trở nên phong phú, đặc sắc; Song cứ đến dịp Trung thu là đèn ông sao, đầu sư tử, trống... lại là món đồ được người dân yêu thích nhất.
Bảo tồn và duy trì nét đẹp truyền thống là nhiệm vụ không của riêng ai. Những đồ chơi trung thu truyền thống cũng là món ăn tinh thần quý báu của tất cả mọi người.
Đồ chơi truyền thống lấy lại chỗ đứng trên phố Hàng Mã mùa Trung thu |