Đổ xô đi mua bảo hiểm, người trẻ nghiêm chỉnh chấp hành hay đối phó tạm thời?
Từ ngày 15/5 - 14/6, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc ra quân tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ
Bài liên quan
Phấn đấu có thêm 300.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong năm 2020
Generali Việt Nam khai trương Văn phòng Chi nhánh mới GenTower tại Đà Nẵng
Bị phạt nếu không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi lưu thông
Xem như giấy tờ tùy thân
Cách chỗ làm hơn 6 cây số, hằng ngày, chị Phạm Thị Châu (ở Ngọc Hồi, Hà Nội) di chuyển bằng phương tiện xe máy để đi làm. Chia sẻ về vấn đề người dân “đổ xô” đi mua bảo hiểm, chị Châu cho biết: “Mấy ngày qua, tôi thấy Cảnh sát giao thông ra quân tổng kiểm tra các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, tôi không lo lắng vì bản thân luôn mang đầy đủ các giấy tờ xe và bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người điểu khiển xe máy… như thói quen luôn mang các giấy tờ tùy thân vậy”.
Theo chị Châu, mọi người nên mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và bảo hiểm tự nguyện cho mình để phòng rủi ro, tự tin hơn khi bị cảnh sát giao thông "tuýt còi" kiểm tra đột xuất. Bên cạnh đó, chúng ta không nên có thói quen “nước đến chân mới nhảy”, bị phạt mới đi mua.
Cùng quan điểm như chị Châu, luôn kiểm tra đầy đủ giấy tờ trước khi tham gia giao thông là thói quen của chị Trần Thị Trâm (ở quận Ba Đình, Hà Nội) khi điều khiển xe máy trên đường. Vì vậy, chị Trâm luôn tự tin điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
“Tôi thường mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và tự nguyện ở bưu điện. Tôi nghĩ, các lực lượng chức năng nên siết chặt kiểm tra để việc mua bảo hiểm trở thành thói quen đối với mỗi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bên cạnh đó, việc mua bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự dành cho người điều khiển mô tô, xe máy cũng nên quy hoạch vào các địa điểm cụ thể để tránh tình trạng bày bán tràn lan tại lòng lề đường. Người dân khi dừng lại mua vừa cản trở giao thông lại vừa không được tư vấn đầy đủ”.
Chỉ để ứng phó tạm thời
Trong khi rất nhiều người nghiêm chỉnh chấp hành thì cũng nhiều ý kiến cho rằng việc “đổ xô” đi mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự dành cho chủ xe máy chỉ là để ứng phó tạm thời với việc kiểm tra của Cảnh sát giao thông.
Nói về việc đi xe đã lâu nhưng hôm qua mới đi mua bảo hiểm bắt buộc, anh Lê Văn Hướng (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Bình thường tôi chỉ đi xe trong thành phố, cứ đi đúng luật là không sợ bị Cảnh sát giao thông tuýt còi. Tuy nhiên, những ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, nhiều người bị phạt vì vi phạm nên tôi cũng đi mua cho đỡ phiền phức”.
Anh Hướng cho rằng tác dụng của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người điểu khiển mô tô, xe máy chưa đủ lớn để tác động lên ý thức của mỗi người trong việc cần thiết để mua nó. Đặc biệt, một vấn đề khác là do việc mua bảo hiểm quá dễ dàng, giá lại khá rẻ khiến nhiều người nghi hoặc về tính khả thi của gói bảo hiểm này khi thực sự xảy ra sự cố.
Anh Đỗ Hoàng Hiếu (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự dành cho chủ xe máy bán đầy ở ngoài đường, giá chỉ bằng một bữa ăn sáng nên cảm thấy không an tâm. Tiện lúc nào cần đối phó với cảnh sát giao thông thì chạy xe ra mua một cái là xong. Tôi nghĩ nhiều người họ thấy bảo hiểm không quan trọng để mua chứ không phải không chấp hành. Bây giờ, Cảnh sát giao thông kiểm tra nghiêm ngặt thì mới “đổ xô” đi mua để ứng phó”.
Bên cạnh đó, anh Hiếu cho rằng: “Lúc xảy ra sự cố thì người ta sẽ quan tâm đến tính mạng và sức khỏe bản thân mình hơn. Họ ít quan tâm đến được bảo hiểm đền bù vì sợ thủ tục phức tạp và làm hồ sơ mất thời gian. Nếu điều kiện không quá ngặt nghèo, khâu xác minh nhanh gọn thì tôi nghĩ mọi người sẽ chủ động mua hơn. Tôi chưa nghe trực tiếp trường hợp nào được đền bù về gói bảo hiểm này nên không biết các khâu bảo hiểm như thế nào. Tôi chỉ mua để cho đủ giấy tờ thôi”, anh Hiếu tâm sự.
Dù nghiêm chỉnh chấp hành hay để ứng phó tạm thời thì nhiều bạn trẻ mong rằng, các công ty bảo hiểm, nhân viên bán hàng nên tư vấn rõ hơn về mức phí bảo hiểm, các khâu xác minh trong trường hợp xảy ra tai nạn không mong muốn và gặp trực tiếp ai để giải quyết thủ tục...
Hiện nay, phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người điều khiển xe máy được quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BTC.
Theo đó, mức phí cụ thể như sau:
Số TT
Loại xe
Phí bảo hiểm năm (đồng)
1
Xe máy từ 50 cc trở xuống
55.000
2
Xe máy trên 50 cc
60.000
- Phí bảo hiểm trên chưa bao gồm 10% thuế Giá trị gia tăng
- Thời hạn bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm là 1 năm. Trong một số trường hợp, thời hạn bảo hiểm có thể dưới 1 năm, gồm:
- Xe máy nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam dưới 1 năm.
- Niên hạn sử dụng của xe nhỏ hơn 1 năm.
- Xe máy thuộc đối tượng đăng ký tạm thời theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ mô tô, xe máy được phép mua bảo hiểm có thời hạn dưới 1 năm, mức phí bảo hiểm sẽ được tính dựa trên mức phí bảo hiểm 1 năm và tương ứng với thời hạn được bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm. Cách tính cụ thể như sau:
Phí bảo hiểm phải nộp = Phí bảo hiểm năm theo loại xe cơ giới : 365 (ngày) x Thời hạn được bảo hiểm (ngày).