Đoàn ĐBQH làm việc với các cơ quan thành phố trước kỳ họp thứ 8
Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc
Bài liên quan
Vì sao ÐBQH chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Giao thông vận tải?
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp xúc cử tri thị xã Sơn Tây
Thành phố luôn quan tâm tới chất lượng cuộc sống người dân
Quốc hội không bổ sung quy định cấm người đã uống rượu bia thì không được lái xe
Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; đại biểu lãnh đạo các cơ quan có liên quan của thành phố.
Tăng tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng còn lại năm 2019 và một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết: GRDP của thành phố tăng 7,35% (cùng kỳ tăng 7,01%). Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 186.589 tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm đạt 6,23 tỷ USD, với 620 dự án mới (vốn đăng ký gần 500 triệu USD), 131 dự án tăng thêm vốn (gần 510 triệu USD).
Các lĩnh vực quản lý đô thị có chuyển biến tích cực; các quy hoạch xây dựng và phát triển nhà ở được đẩy nhanh tiến độ. Thành phố cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của thành phố đã đạt 72%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo; xây dựng NTM được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn thành phố có 6 huyện và 325/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 84,2%). Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng...
Báo cáo của UBND TP cũng nêu rõ kết quả 6 năm thực hiện Luật Thủ đô, nhiều quy định của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, có tác dụng tích cực trong việc xây dựng và phát triển của thành phố.
Dù vậy, một số quy định của Luật như mục tiêu hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại; phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hệ thống giao thông đường bộ hiện đại; thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành… còn mang tính nguyên tắc, định hướng chung, chưa đảm bảo tính khả thi…Đặc biệt, Luật Thủ đô còn thiếu những quy định nhằm đảm bảo cho Hà Nội trong việc xây dựng chính quyền đô thị, quản lý các đô thị vệ tinh, cơ chế chỉ định thầu đối với một số dự án quan trọng…
Vì thế, UBND TP Hà Nội đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chủ trương về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi của các cơ chế đặc thù trong việc xây dựng và phát triển Thủ đô; đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, chủ trương phân cấp, ủy quyền cho thành phố Hà Nội được phép quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Cùng đó, UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm Đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Ùn tắc giao thông không chỉ bởi xây nhà cao tầng
Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội và đại diện các cơ quan đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề đang được cử tri và nhân dân Thủ đô quan tâm. Điển hình như vấn đề ô nhiễm không khí, nguồn nước, ùn tắc giao thông do mật độ các nhà cao tầng tăng cao; các vấn đề về cấp đất dịch vụ, cấp sổ đỏ cho người dân…
Thay mặt UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã tiếp thu và trả lời, làm rõ từng vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu ra.
Về vấn đề nhà cao tầng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, thành phố thực hiện theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 259 năm 2011 về vấn đề phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các khu vực xây dựng các khu đô thị hay các tòa nhà cao tầng riêng lẻ, vấn đề về mật độ, chiều cao, dân số… đều được thực hiện nghiêm túc.
Dù vậy, vừa qua cũng xảy ra một số sai phạm của các chủ đầu tư, các cá nhân sống trong các khu đô thị. Những sai phạm đều được thành phố khắc phục một cách nghiêm túc, tuy nhiên việc khắc phục cũng chưa được đầy đủ và chưa đáp ứng được hết sự kỳ vọng của người dân.
Đặc biệt có thực trạng nhìn vào hiện tượng ùn tắc giao thông để cho rằng nguyên nhân là xây nhà cao tầng. “Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ đổ lỗi cho nhà cao tầng. Vì thế, mong các ĐBQH trong quá trình nghiên cứu, có các theo dõi, đánh giá, giám sát vấn đề này toàn diện hơn để thông cảm cho các cấp chính quyền” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp thu và trả lời các vấn đề được ĐBQH nêu ra tại buổi làm việc |
Về vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung, ô nhiễm không khí nói riêng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, muốn giải quyết được vấn đề này cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống, từ cơ chế chính sách, sự giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đến các địa phương và toàn thể nhân dân.
Về vấn đề nước sạch, cụ thể là liên quan đến vụ nước sạch sinh hoạt của công ty nước sạch sông Đà có mùi lạ do dầu thải tràn vào, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng đều đang tích cực vào cuộc. Việc xét nghiệm nước sạch đang được triển khai với các thiết bị, máy móc hiện đại nhất của Bộ Y tế.
Hiện thành phố đang cố gắng khắc phục sự cố này với tiến độ nhanh nhất để làm sao đến hết ngày 20/10 phải đảm bảo súc xả sạch sẽ được hết hệ thống, người dân thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa…
“Sau ngày 20/10, chúng tôi sẽ tiến hành giám định liên tục chất lượng nước. Khi đảm bảo được rồi thì chúng tôi sẽ thông báo để người dân yên tâm sử dụng lại nguồn nước bình thường” – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói.
Tăng cường phối hợp trong xử lý các vụ việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp thu các ý kiến của UBND, Viện kiểm soát, Tòa án nhân dân thành phố về những nội dung còn đang vướng mắc, khẳng định sẽ truyền đạt tới các cơ quan Quốc hội để có giải pháp xử lý quyết liệt.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị ,UBND TP rà soát các cơ chế quản lý nhà nước để kiểm soát tốt hơn các sự cố, bao gồm cả sự cố hóa chất, môi trường không khí, nguồn nước; củng cố nâng cao thêm chất lượng công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hiệu lực và tính kịp thời trong hoạt động giải trình và thông tin tới người dân; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong xử lý các vụ việc...
Nhắc lại các sự cố về môi trường của Hà Nội trong thời gian gần đây, đồng chí Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND TP khi ra một cảnh báo phải có giải pháp đi kèm, tránh gây hoang mang trong người dân. Các giải pháp cần có quy định kỹ hơn, cụ thể hơn...
Trưởng đoàn ĐBQH TP cũng đề nghị các ĐBQH tiếp tục có trao đổi, nắm kỹ hơn các sự việc. Tại kỳ họp, các đại biểu cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tích cực trao đổi với các ĐBQH về mô hình chính quyền đô thị để các tỉnh, thành tham gia với Hà Nội một cách hiệu quả.