Doanh nghiệp cần chuẩn bị đà tăng trưởng trở lại khi hết dịch Covid-19
Các doanh nghiệp, doanh nhân cần tỏ rõ bản lĩnh của mình, khắc phục khó khăn, đón cơ hội phục hồi sau dịch Covid-19
Bài liên quan
Hà Nội đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Cách ly xã hội: Siêu thị phục vụ người dân cả online và ofline
Hà Nội đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân
Hà Nội: Tạm dừng đóng BHXH với các doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19
Doanh nghiệp cùng nhau vượt “sóng cả”
Dịch Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động du lịch, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu; vận tải, bán lẻ, ngoại thương, đầu tư và cả tài chính - ngân hàng...
Theo đó, nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh và bị đứt gãy một số chuỗi cung ứng về nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, nông sản, dịch vụ du lịch và bán lẻ…
Nói về những thiệt hại của công ty do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Nguyễn Hoàng Trung, Bí thư Đảng ủy Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết: Cả 4 lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty như kinh doanh vận tải xe buýt, vận tải liên tỉnh, kinh doanh các điểm, bến, bãi đỗ xe, đại lý ô tô đều ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.
Đặc biệt, lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng 7.000 lao động bị ảnh hưởng, giảm tần suất trên 1.000 lượt xe. Tổng công ty đang thực hiện giãn công, giãn ca, cho nghỉ phép... để vẫn thực hiện trả lương cho người lao động.
Không chỉ hoạt động kinh doanh vận tải mà ngành du lịch cũng chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, do dịch bệnh bùng phát, đơn vị yêu cầu các khách sạn xây dựng và đưa vào các dịch vụ bán hàng online, tổ chức bữa ăn sạch cung cấp cho các đơn vị. Tổng công ty đang xây dựng các chương trình cụ thể, chuyển sang đào tạo online, thực hiện cải tạo, nâng cấp khách sạn... để chuẩn bị cho thời điểm hết dịch.
Dịch Covid-19 đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn |
Lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cũng đang chịu ảnh hưởng không nhỏ do dịch bệnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hapro Vũ Thanh Sơn cho biết, đơn vị hoạt động ở các lĩnh vực phân phối nội địa, hệ thống Hapro mart và xuất khẩu. Hiện tại, Hapro đã cân đối được các hoạt động kinh doanh trong nước. Riêng xuất khẩu, các thị trường trọng điểm của Hapro tại Mỹ, Châu Âu, ASEAN... đều bị ngừng trệ.
“Trong lúc này, doanh nghiệp đã có sáng kiến để vượt qua khó khăn, đó là đẩy mạnh bán hàng online, giao hàng tận nơi cho khách hàng và đang được phản hồi tốt.
Chúng tôi cũng chuyển một số mặt hàng xuất khẩu nước ngoài như gạo sang tiêu thụ tại thị trường nội địa; may mặc chuyển sang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn có thể cung cấp 1 triệu khẩu trang/tháng.
Hiện Hapro đang tiếp tục sản xuất kinh doanh để bảo đảm việc làm cho người lao động; tiếp tục dự trữ, cung ứng hàng hóa, thực hiện bình ổn giá theo nhiệm vụ được thành phố giao”, ông Vũ Thanh Sơn nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần thể hiện bản lĩnh
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tự tháo gỡ khó khăn; tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp phải đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và tăng giá trị sản phẩm.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản Việt vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn. Khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh cơ cấu một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.
Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, những hành động thiết thực gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp đang được tích cực triển khai. Nổi bật là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp huy động vốn, chủ động rà soát, thống kê dư nợ cho vay bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19; kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân theo quy định.
Đối với lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, nhằm khắc phục những tác động bất lợi của dịch Covid-19 đối với công tác thu ngân sách Nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp, ngành Thuế Hà Nội đã triển khai tốt các đề án cải cách hành chính và các đề án thuế điện tử.
Trong đó, Cục Thuế tập trung triển khai đề án hóa đơn điện tử đúng lộ trình, hoàn thành trước thời hạn; Triển khai thí điểm việc mở rộng và tổ chức hình thức thu điện tử, không dùng tiền mặt đối với các khoản thu từ các cá nhân.
Cục Thuế cũng chủ động thực hiện khảo sát, đánh giá về tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế để có biện pháp tháo gỡ phù hợp, đúng đối tượng.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bản thân cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực, chủ động tìm giải pháp tự tháo gỡ khó khăn; tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường |
Trong lĩnh vực Công thương, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, Sở đã và đang đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị của Bộ Công thương, 57 Thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới nhằm tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung bị ảnh hưởng của dịch bệnh (nhất là các nguyên liệu ngành dệt may, da giày, điện tử...).
Đồng thời, Sở Công thương Hà Nội cũng triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố nhằm hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.
Bên cạnh tìm kiếm nguồn cung, Sở rà soát, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu…
Về phía các doanh nghiệp, việc liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài cũng được đẩy mạnh.
Với hàng loạt các giải pháp được triển khai kịp thời nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong thời điểm phức tạp của dịch Covid-19, 109 doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối đã có nhiều cố gắng, quan tâm đến đời sống người lao động; có điều chỉnh, ứng phó kịp thời trước diễn biến của dịch bệnh, có giải pháp để thích ứng với điều kiện hiện tại.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng chỉ rõ, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân cần đi đầu trong thời điểm hiện tại để thể hiện tinh thần, trách nhiệm với xã hội. Đồng chí đề nghị Đảng bộ Khối doanh nghiệp trong thời gian tới cần tập trung công tác tổ chức Đại hội Đảng, bám sát các chỉ thị, kế hoạch của Thành ủy hướng dẫn về công tác tổ chức; bảo đảm chất lượng văn kiện đại hội, cập nhật đánh giá tình hình mới phát sinh, có tầm nhìn mới, đổi mới về tư duy.
Doanh nghiệp cần đổi mới, tái cơ cấu mạnh mẽ toàn diện; thay đổi về quản trị, tư duy, tầm nhìn, chiến lược phát triển. Doanh nghiệp nào không có tư duy vượt lên thì sẽ bị để lại phía sau.
Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản cao nhất để không bị động, bất ngờ; thực hiện theo tinh thần "An toàn là sức khỏe, sức khỏe là số một", nên việc bảo vệ sức khỏe cho người dân là đặc biệt quan trọng. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, công nhân, có giải pháp bảo đảm sức khỏe cho khách hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng...
Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị 109 doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp thành phố Hà Nội cần phấn đấu gấp đôi, gấp ba. Ở thời điểm khó khăn, doanh nghiệp, doanh nhân cần tỏ rõ bản lĩnh của mình, khắc phục khó khăn, đón cơ hội phục hồi sau dịch Covid-19.