Doanh nghiệp chủ động đổi mới sáng tạo để vươn tầm quốc tế
Tiềm năng nhiều nhưng thiếu "bà đỡ"
So với các tỉnh thành khác của cả nước, Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở. Hơn 70% tổ chức khoa học công nghệ, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu; 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, hơn 80% số phòng thí nghiệm, hơn 65% tổng số nhà khoa học của cả nước tập trung tại Hà Nội.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn của cả nước, năm 2019, TP đã ban hành “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025” (Đề án 4889). Đề án tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm...
![]() |
Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở (Ảnh minh hoạ) |
Với những ưu thế sẵn có cùng sự quyết tâm của chính quyền TP, trong hai năm 2022 và 2023, Hà Nội đều đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và triển khai đánh giá.
Cụ thể, Hà Nội đã đứng đầu cả nước ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo với việc dẫn đầu ở 14/52 chỉ số thành phần. Các chỉ số Hà Nội được đánh giá cao về đầu tư cho nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, tài sản trí tuệ, chỉ số phát triển con người...
Tuy vậy, Hà Nội cũng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, như: Nhiều tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Thủ đô chưa được khai thác hiệu quả; việc xây dựng các cơ chế, chính sách cụ thể về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên cơ sở các chủ trương, định hướng đã được ban hành về vấn đề này còn chậm chễ; thiếu nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của thị trường khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở đã từng bước được hình thành nhưng chưa phát huy được tiềm năng; thiếu sự liên kết giữa các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, dẫn tới việc các nhà đầu tư khó tìm được doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng chưa hiểu rõ các chính sách và đầu mối hỗ trợ. Tỷ lệ hỗ trợ còn thấp, chưa đủ sức hấp dẫn với các doanh nghiệp.
Hoạt động hợp tác, liên kết quốc tế, hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các tỉnh, TP trong khu vực, cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế...
Cùng với đó, các quỹ đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt thiếu quỹ sẵn sàng đầu tư ngay từ giai đoạn đầu hoặc với quy mô nhỏ. Trung bình, mỗi năm chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ này, trong khi nhu cầu vốn cho các startup là rất lớn…
Cầu nối cho doanh nghiệp vươn xa
Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 28/6/2024 đã bổ sung nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, tại Điều 25 Luật Thủ đô năm 2024 quy định về cơ chế cho phép việc thử nghiệm có kiểm soát. Quy định này đã cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo TS Nguyễn Từ - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, điều này là cơ sở để khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn dấn thân đầu tư nghiên cứu những sản phẩm, ứng dụng mới. Ngoài ra, trong Luật cũng có quy định về việc đầu tư mạo hiểm, điều này cho thấy sự thích ứng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
![]() |
Luật Thủ đô năm 2024 tạo ra những tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội |
PGS-TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, việc đưa quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách vào Luật Thủ đô năm 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo ra những tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội.
Tuy nhiên, đầu tư mạo hiểm luôn đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần có các cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả. Theo đó, cần tăng cường đào tạo và thu hút nhân tài. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh khởi nghiệp.
Việc xây dựng một quỹ đầu tư mạo hiểm thành công đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, bao gồm chính quyền TP các nhà đầu tư, các chuyên gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp. Với một cơ cấu tổ chức phù hợp và những hoạt động hiệu quả, quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup Lê Thị Dung cho biết, điểm mà bà tâm đắc nhất là theo Luật Thủ đô mới, Hà Nội sẽ có các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như trung tâm xúc tiến, vườn ươm, quỹ đầu tư (Điều 3). Đây là yếu tố rất quan trọng giúp startup dễ dàng tiếp cận vốn, công nghệ và mạng lưới cố vấn chất lượng cao, giúp họ không chỉ phát triển trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo bà Dung, để tận dụng tối đa những cơ hội mà Luật mới mang lại, mỗi doanh nghiệp cần chủ động thay đổi và thích nghi.
Cụ thể, doanh nghiệp cần nắm rõ các chính sách hỗ trợ mới, các doanh nghiệp khởi nghiệp nên tìm hiểu kỹ về những ưu đãi tài chính, thuế, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo để có thể tận dụng nguồn lực này một cách hiệu quả; đầu tư mạnh vào công nghệ và chuyển đổi số; kết nối với các tổ chức trung gian và hệ sinh thái khởi nghiệp... Đặc biệt, doanh nghiệp cần tư duy dài hạn và hướng đến thị trường quốc tế.
Đồng quan điểm, Luật sư Đoàn Thu Nga, Giám đốc Công ty Luật LAWPRO cho rằng, để Luật Thủ đô đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng, các doanh nghiệp cần cập nhật và hiểu rõ các quy định mới; chủ động trong việc cải cách nội bộ và tối ưu hóa quy trình (đầu tư vào công nghệ và tự động hóa)...; tận dụng các cơ hội đầu tư, phát triển ngành nghề mới; chú trọng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; chủ động tham gia vào các hoạt động cộng đồng và xã hội.
Tin liên quan
Đọc thêm

Phát triển công nghệ số cần nền tảng pháp lý nhất quán, dài hạn

Lan tỏa tình yêu đất nước với dự án "Yêu lắm Việt Nam"

Grab triển khai công nghệ agentic AI để hỗ trợ đối tác tài xế và đối tác thương nhân

LynkiD - Giải pháp loyalty đại diện công nghệ Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh P4G 2025

MobiFone hợp tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua sáng kiến GSMA Open Gateway

"Diễn đàn khoa học công nghệ mở" trên iHanoi chuẩn bị vận hành

Đưa Việt Nam tham gia đường đua khai phá nền kinh tế số nghìn tỷ đô của khu vực

Chuyển đổi số quốc gia, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc hàng hóa

Hà Nội hội tụ điều kiện tiên phong hiện thực hóa Nghị quyết 57
