Doanh nghiệp cùng công nhân “vượt bão” đại dịch
Hà Nội đưa công nghệ thông tin thành “Mũi giáp công” đẩy lùi dịch bệnh Hà Nội kịp thời quan tâm, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống sau dịch bệnh Sáng 7/10, Hà Nội ghi nhận 2 ca mắc Covid-19 |
Vượt khó khăn chung, bảo đảm sản xuất
Trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thực hiện yêu cầu của chính quyền huyện Đông Anh, từ ngày 12/8 đến nay, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn (thôn Ấp Tó, xã Uy Nỗ) đã triển khai phương án sản xuất "3 tại chỗ" cho công nhân vừa duy trì sản xuất, vừa phòng chống dịch.
Anh Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn |
Trong xưởng sản xuất của công ty, dây chuyền sản xuất gỗ, ván ép với gần 50 công nhân vẫn chưa ngày nào ngừng làm việc. Để công nhân an tâm thực hiện "3 tại chỗ", công ty chủ động trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt cá nhân cho mỗi người cũng như đầu tư khu nhà ăn, nghỉ ngơi, sinh hoạt. Từ đó, công ty bảo đảm việc sản xuất được diễn ra đều đặn và đạt hiệu quả cao.
Anh Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn chia sẻ: “Khi tình hình diễn biến phức tạp, chúng tôi chủ động chuyển hình thức kinh doanh sang mô hình “3 tại chỗ”. Công ty động viên tinh thần người lao động phải chiến đấu lâu dài đến lúc hết dịch bệnh. Tạm gác lại việc nhà, sự lo lắng dịch bệnh xâm nhập, tất cả mọi người cần phải quyết tâm cao hơn mỗi ngày.
Công ty cũng cố gắng chăm lo cho đời sống anh chị em công nhân. Khi mọi người yên tâm ở tại xưởng tập trung sản xuất, công ty vừa không lo sản xuất đứt gãy mà ngược lại còn tăng năng suất lao động”.
Tinh thần là sức mạnh lớn nhất
Trong đợt tiêm chủng mở rộng vaccin ngừa Covid-19 vừa qua, lãnh đạo công ty cũng đã tổ chức tiêm chủng 100% vaccine mũi 1. Hiện tại, công ty đang chờ và tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 cho người lao động của công ty.
Một góc nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn |
Đặc biệt, với nhận thức dù chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho sinh hoạt tại chỗ tốt đến đâu thì việc người lao động chấp nhận ở lại làm việc trong bối cảnh dịch bệnh liên tục có những diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường cũng đã là sự hy sinh không nhỏ. Họ phải xa gia đình trong một thời gian dài trong khi con cái lại đang rất cần mình, phải thay đổi nếp sinh hoạt sang một không gian khác lạ hoàn toàn… Ban Chấp hành Công đoàn đã luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp.
Các công nhân trong dây chuyển sản xuất gỗ ép |
Cụ thể, ngoài chăm lo ngày 3 bữa ăn chính theo thực đơn hàng tuần với nguồn thực phẩm đủ dinh dưỡng... thứ 7 hàng tuần Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn còn cải thiện khẩu phần cho công nhân. Bên cạnh đó, công ty cũng tổ chức các chương trình văn nghệ “cây nhà, lá vườn” giúp người lao động giảm stress, tăng cường chất lượng công việc.
Có việc làm là hạnh phúc
Để duy trì sản xuất trong điều kiện giãn cách xã hội, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn thực hiện phương án "3 tại chỗ". Được biết, để thực hiện "3 tại chỗ", công ty đầu tư một khoản khá lớn cho chi phí hạ tầng ban đầu, ăn uống, sinh hoạt cho người lao động.
Thời điểm này, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng cả công nhân và công ty vẫn luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng. Đây cũng là cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Chị Thuyên đã 2 tháng không về nhà nhưng rất vui vì vẫn được đi làm |
Chị Nguyễn Thị Thuyên, công nhân xưởng sản xuất gỗ của công ty chia sẻ: “Công ty luôn bảo đảm đời sống cho chúng tôi. Lãnh đạo công ty cũng thường xuyên quan tâm. Bản thân công nhân cũng muốn bảo đảm sức khỏe của gia đình và cộng đồng nên đến công ty thực hiện "3 tại chỗ" để yên tâm làm việc. Thời điểm khó khăn do dịch bệnh, được làm việc cũng là niềm hạnh phúc”.
Anh Lê Quang Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gỗ ván ép Khánh Toàn cho biết thêm: "Chúng tôi tăng cường tuyên truyền để người lao động hiểu và cố gắng duy trì sản xuất ổn định, cùng cộng đồng nỗ lực bảo đảm phòng dịch để sản xuất an toàn, từ đó ổn định thu nhập. Công ty luôn duy trì đầy đủ các chế độ đãi ngộ về tiền ăn, tiền thưởng... và bảo đảm mức thu nhập bình quân cho người lao động để không ai lo lắng, bất an, tập trung sản xuất".
Ngoài kinh doanh, phát triển kinh tế, anh Lê Quang Khánh hiện đang tham gia nhiều chương trình thiện nguyện, đóng góp nhiều hoạt động có ích cho xã hội.
Tháng 4 năm 2020, anh tham gia CLB xe bán tải Đông Anh - DAPC (CLB trực thuộc Hội LHTN huyện Đông Anh). Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, anh cùng các tài xế trong CLB đã có những chuyến đi dài về các địa phương tâm dịch như Bắc Giang, Bắc Ninh để vận chuyển nhu yếu phẩm, hỗ trợ bà con đang gặp khó khăn do dịch bệnh.
Trong đợt dịch thứ 4 lần này, nhận được sự kêu gọi từ phía Huyện đoàn Đông Anh, anh Lê Quang Khánh cùng CLB đã dành toàn bộ thời gian cho các chuyến vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực, đồ dùng cho toàn địa bàn huyện Đông Anh.
Sản xuất trong bối cảnh đảm bảo quy tắc 5K phòng chống dịch |
Anh Lê Quang Khánh chia sẻ: "Khi tham gia vào DAPC, tôi gặp được rất nhiều anh em cùng chung chí hướng, thích làm thiện nguyện. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy rất nhiều người nghèo khổ, nên muốn góp sức nhỏ cho những người khó khăn hơn mình”.
Anh Khánh cũng rất tự hào vì hậu phương vững chắc, luôn ủng hộ trong tất cả các chuyến đi. “Vợ tôi luôn ủng hộ việc thiện nguyện. Đặc biệt chuyến đi lên Bắc Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch, khi có sự kêu gọi, hai vợ chồng mặc quần áo đi luôn”.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, ngoài kế hoạch phát triển công ty, anh Khánh vẫn muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng. Chiếc xe bán tải vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng di chuyển, cùng anh đến những nơi khó khăn, cần sự giúp đỡ của cộng đồng.