Hà Nội đưa công nghệ thông tin thành “Mũi giáp công” đẩy lùi dịch bệnh
"Vũ khí" công nghệ trong phòng dịch Covid-19 ở Phú Xuyên Ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch giúp tiết kiệm thời gian, dập dịch kịp thời |
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và gây ảnh hưởng nhất định trong công tác quản lý, vận hành xã hội bằng phương thức truyền thống. Các cuộc họp, hội nghị trực tiếp đã không còn phù hợp trong điều kiện giãn cách xã hội. Việc ghi nhận thông tin và truyền tải cơ sở dữ liệu phục vụ điều tra, quản lý dịch tễ của người dân gặp khó khăn trước yêu cầu cần phải “đi trước một bước” trong công tác truy vết, phòng, chống dịch.
Chính vì vậy, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã chủ động triển khai các ứng dụng công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch. Trong đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với tập đoàn công nghệ BKAV triển khai ứng dụng Bluezone để người dân khai báo về các triệu chứng cũng như phản ánh về công tác phòng, chống dịch tại địa phương.
Người dân quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh |
Đặc biệt, từ khi bùng phát đợt thứ tư, thành phố đã đẩy mạnh tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluezone và Tokhaiyte. Từ hệ thống cơ sở dữ liệu này, bộ phận chuyên trách của Sở TT&TT đã phân tích, bóc tách hàng trăm người khai báo có biểu hiện ho, sốt, khó thở mỗi ngày để gửi về Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã kịp thời xét nghiệm.
Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ trong quản lý, giám sát, truy vết, kịp thời phát hiện các trường hợp F0 để xử lý, cách ly; Góp phần từng bước hạn chế lây lan, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh như: Hòm thư phản ánh nguy cơ dịch Covid-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN và tài khoản Zalo "Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội", chuyên mục "Phản ánh Covid".
Từ ngày 19/8, Sở Thông tin và Truyền thông được UBND thành phố giao vận hành Tổng đài 1022, với 4 nhánh kết nối đến Trung tâm cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Mạng lưới thầy thuốc đồng hành và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để phản ánh về vi phạm phòng, chống dịch.
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, đây là một kênh tiếp nhận rất hiệu quả, qua đó, nhiều sai phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý. Không chỉ có vậy, không ít băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến điều kiện ra đường trong thời gian giãn cách xã hội; Các triệu chứng ho, sốt; Địa điểm, chính sách và thời gian, cách thức triển khai tiêm vắc xin …đã được cán bộ tiếp nhận, xử lý và chuyển các cơ quan xử lý kịp thời, giúp người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
"Qua việc triển khai các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình phòng, chống dịch, Hà Nội đã phát huy vai trò giám sát của người dân; Giúp các cơ quan chức năng của thành phố kịp thời xử lý tình huống phát sinh trong thời gian ngắn nhất, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm an toàn cho người dân", Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Thanh Liêm khẳng định..
Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, đảm bảo việc truy vết được nhanh chóng, khoanh vùng chính xác, đúng đối tượng, kịp thời ngăn chặn lây lan bằng ứng dụng công nghệ trong trạng thái bình thường mới, Sở TT&TT Hà Nội đã ban hành văn bản gửi các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, Thành đoàn Hà Nội về việc triển khai nền tảng khai báo y tế điện tử, quản lý thông tin người ra, vào địa điểm bằng mã QR code.
Qua thống kê cho thấy, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các địa phương đã vào cuộc tích cực, vì vậy, số xã/phường/thị trấn không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày đã giảm rõ rệt (ngày 1/10 chỉ có 5 xã không có lượt quét mã QR phát sinh trong ngày: Sóc Sơn (2 xã: Tân Hưng, Việt Long), Mê Linh (3 xã: Tiến Thắng, Tự Lập, Hoàng Kim).
Đến nay, việc thực hiện quét mã QR code đang được doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm, từng bước tạo nền nếp nhằm thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới.
Song song với triển khai nhiều giải pháp công nghệ, Hà Nội cũng tăng cường vai trò quản lý nhà nước với lĩnh vực thông tin, tuyên truyền, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội nhằm truyền thông, lan tỏa những thông điệp tích cực của thành phố.
Cùng với xét nghiệm chủ động và tiêm vắc xin, ứng dụng công nghệ thông tin được Chính phủ xác định là một trong ba mũi tấn công nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch Covid-19. Trong giai đoạn bình thường mới, vai trò của công nghệ thông tin càng trở nên quan trọng nhằm duy trì kết quả chống dịch để khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đó, Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng bằng cách cài đặt, sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ như một thói quen nền nếp.