Doanh nghiệp khốn đốn vì yêu cầu “một mình một kiểu” của Cần Thơ
Xe bồn LPG bị chặn trước cửa ngõ vào thành phố, Cần Thơ đang gây khó cho doanh nghiệp và người dân Cần Thơ: Từ ngày 23/8 phương tiện chở hàng ở địa phương khác đến phải đăng ký trước |
Quy định cục bộ, gây khó khăn cho vận tải
Thời gian qua, tại một số địa phương ở phía Nam còn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông đường bộ tại chốt kiểm soát dịch gây khó khăn trong lưu thông hàng hóa hoặc gây bức xúc cho lái xe, doanh nghiệp. Nguyên nhân do quy định còn chưa thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công thương.
Đơn cử, tại TP Cần Thơ, địa phương này đã lập đội lái xe hỗ trợ để trung chuyển trong nội đô. Ngoài ra, các xe từ địa phương khác muốn vào thành phố phải đăng ký trước; tất cả các phương tiện đều phải tập trung tại điểm tập kết theo quy định của địa phương để trung chuyển giao nhận hàng hóa.
Từ ngày 23/8 đến nay, hàng chục chiếc xe bồn chở các loại khí hóa lỏng (LPG) đã bị chặn lại trước cửa ngõ vào TP Cần Thơ, gây ùn tắc nghiêm trọng nhưng chính quyền thành phố vẫn chưa có phương án giải quyết dứt điểm.
Hiện các xe tải, xe bồn bị dồn ứ, rất khó khăn mới được cho phép lưu thông hoặc buộc phải trung chuyển hàng qua xe của Cần Thơ rồi mới được vào thành phố.
Đặc biệt số lượng xe bồn chuyên dụng chở LPG hoàn toàn không được cấp phép vận chuyển vào Cần Thơ nếu không chấp nhận đổi lái xe người địa phương hoặc sang mạn (chuyển từ xe này qua xe khác).
Trước khi vào làm thủ tục giao hàng tại Cần Thơ, toàn bộ các lái xe bồn LPG đều thực hiện xét nghiệm Covid-19 có hiệu lực 72h, trang bị các thiết bị trang phục bảo hộ, khai báo y tế, đăng ký và dán mã QR luồng xanh cho xe bồn, thực hiện khử khuẩn xe và luôn cung cấp đủ các giấy tờ hợp lệ cùng cam kết của nhà vận chuyển.
Đặc biệt, theo yêu cầu riêng của TP Cần Thơ, Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm Khí Quốc tế - Gas Shipping (GSP) còn thực hiện đầy đủ chuỗi thủ tục đăng ký tiếp nhận với Sở Công thương, làm việc với Sở Giao thông vận tải và các chốt kiểm soát để hỗ trợ các xe bồn chứa LPG sớm được vào thành phố, thực hiện cung cấp theo nhu cầu của doanh nghiệp và người dân.
Xe bồn LPG ùn ứ hàng dài vì yêu cầu "một mình một kiểu" của TP Cần Thơ. (Ảnh: PV GAS) |
Mặc dù tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Y tế, tuy nhiên, đến sáng 26/8, các xe bồn LPG vẫn chưa được lưu thông vì các yêu cầu riêng của Cần Thơ như bắt buộc phải đổi lái xe phải là người địa phương cho tất cả các xe tại điểm trung chuyển, hoặc khó khăn hơn phải sang mạn LPG ngay tại cửa ngõ thành phố.
Trong khi đó, theo các nghị định, hướng dẫn quy định về kinh doanh khí, Chính phủ luôn nghiêm cấm mọi hành vi sang mạn, sang chiết LPG không đúng nơi quy định, với điều kiện không đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn nhà nước và quốc tế.
Xe bồn chứa LPG là xe chuyên dụng, lái xe vận hành phải được đào tạo bài bản cùng với nhiều năm kinh nghiệm. Hệ thống công nghệ của xe bồn LPG có nhiều đặc tính chuyên biệt, đòi hỏi người lái xe phải có thời gian dài làm quen và được thẩm định năng lực điều khiển.
Hiện nay, lực lượng lái xe tại chỗ của Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh thành khác không thể đáp ứng, do không có đơn vị vận tải xe bồn LPG của Cần Thơ, nên việc thuê hay điều động để thực hiện trung chuyển như yêu cầu của Sở Công thương Cần Thơ là không thể.
Đại diện Công ty GSP cho biết, trong tình trạng không được phép lưu thông với những lý do không thể giải quyết được, đoàn xe bồn LPG và rất nhiều các xe tải, xe bồn khác đang kéo dài chuỗi ùn ứ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Mặt khác, lực lượng lái xe bồn LPG liên tỉnh dù đã phải lái xe trên chặng dài nhưng vì quy định này của Cần Thơ nên tất cả các lái xe buộc phải ở trên cabin, không có đồ ăn thức uống cũng như vệ sinh. Xe đậu trong bãi tập kết, trung chuyển rất chật chội và hỗn loạn.
Không chỉ các xe vận chuyển LPG, mà nhiều xe vận chuyển nông sản, hàng hóa khác cũng phải bất lực với quy định của TP Cần Thơ.
Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh nông sản cũng cho biết, nhiều ngày qua, các tài xế của công ty bị kẹt nhiều giờ liền để hoàn tất các thủ tục đăng ký với ngành chức năng, cũng như tìm người thay thế lái xe vào TP Cần Thơ để giao, nhận hàng.
Theo vị ngày, việc TP Cần Thơ quy định "phải xuống hàng, sang xe, đổi tài xế" để vào địa bàn là bất khả thi và gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí họ có thể bị thiệt hại nặng nề vì không kịp giao hàng cho đối tác.
"Việc siết chặt phòng chống dịch bệnh là cần thiết nhưng quy định của chính quyền cần sát thực tế và dễ hiểu hơn để người dân khỏi chạy lòng vòng, tốn nhiều thời gian, phát sinh chi phí, thiệt hại đối với doanh nghiệp là rất lớn", vị này nói.
Bỏ ngay quy định trung chuyển hàng hóa
Trước tình trạng các địa phương áp dụng các quy định cứng nhắc, cục bộ khiến hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn, chiều tối 25/8, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì hội nghị trực tuyến với đại diện các ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để tháo gỡ vướng mắc.
Tại hội nghị, theo báo cáo của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền, hiện nay một số địa phương yêu cầu thêm giấy đi đường, không chấp nhận giấy đi đường của các tỉnh khác hoặc yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR như: TP HCM ; Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang, Cần Thơ, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Hải Phòng, Quảng Ninh… gây cản trở hoạt động lưu thông hàng hoá.
Nhiều địa phương ban hành những văn bản cục bộ, phủ định, đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, dẫn đến ùn tắc giao thông. (Ảnh: MOIT) |
Cũng tại hội nghị, đại diện ngành Công thương, Nông nghiệp đề xuất không cần cấp giấy đi đường cho phương tiện đã được cấp "luồng xanh", mã QR code, thay vào đó thực hiện nghiêm công tác tiền kiểm, hậu kiểm và xử lý nghiêm khi có sai phạm. Đồng thời, thống nhất chấp nhận kết quả xét nghiệm âm tính test nhanh hoặc PCR theo đúng quy định của Bộ Y tế và cần có giải pháp để giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân...
Sau khi nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay, có tình trạng một số địa phương ban hành những văn bản cục bộ, phủ định, đi ngược lại những chỉ đạo của Chính phủ, gây khó khăn cho hoạt động vận tải, dẫn đến ùn tắc giao thông.
Trên cơ sở đó, ông Thể đề nghị các địa phương cần thống nhất tất cả hàng hóa lưu thông hiện nay đều là hàng hóa thiết yếu, không phân biệt, trừ hàng cấm theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại Văn bản số 5187/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, các địa phương phải thống nhất tổ chức tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy là "luồng xanh", cố gắng tạo điều kiện thuận lợi để bà con vận chuyển, cung cấp hàng hóa, đảm bảo an sinh xã hội.
Người đứng đầu ngành Giao thông đề nghị các địa phương cần rà soát lại toàn bộ các văn bản của địa phương mình, không đi ngược lại với chỉ đạo của Chính phủ hoặc phát sinh thêm thủ tục, kinh phí, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, để hàng hóa đi nhanh, lưu hành thông thoáng.
"Tất cả địa phương rà soát lại văn bản, không được chỉ đạo trái với các văn bản của Chính phủ. Mệnh lệnh cao nhất là từ Thủ tướng. Cái gì không trái nhưng phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ. Không thể đưa ra văn bản mà gây thêm chi phí, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Lúc đó sự hỗ trợ của Chính phủ không còn ý nghĩa nữa", ông Thể lưu ý.
Đặc biệt, riêng về Cần Thơ, ông Thể gay gắt: “Đề nghị không có trung chuyển gì hết. Hải Phòng, TP HCM mỗi ngày hàng chục ngàn xe tải hoạt động đến các cảng, nếu làm trung chuyển như Cần Thơ thì chết luôn. Đề nghị bỏ ngay, để vậy gây bức xúc, các tỉnh khác không làm vậy sao Cần Thơ lại làm”.
Bộ trưởng Thể cũng yêu cầu dứt khoát không để ùn tắc giao thông ở bất cứ một vị trí, con đường nào. Nếu để xảy ra ùn tắc lưu thông hàng hóa, Giám đốc Sở Giao thông vận tải địa phương phải chịu trách nhiệm.
Ngay trong tối 25/8, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19.
Theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải, các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần chỉ kiểm tra tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng chống dịch; bãi bỏ ngay các quy định không phù hợp...”, các văn bản Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Công thương đã hướng dẫn triển khai tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19
Trước đó, ngày 24/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ đã ký Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải nhằm đảm bảo tính chủ động, thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện các giải pháp về phòng chống dịch Covid-19 tại các địa phương khi áp dụng các cấp độ phòng chống dịch khác nhau theo quy định của pháp luật và Chỉ thị số 16/CT-TTg, các văn bản chỉ đạo khác của cấp có thẩm quyền.
Phạm vi của hướng dẫn áp dụng đối với hoạt động vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, người đi ra, vào hoặc đi qua vùng có dịch. Đối với hoạt động vận chuyển thi hài trong vùng có dịch hoặc từ vùng có dịch ra các địa phương khác và ngược lại để hỏa táng hoặc an táng đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Xem chi tiết hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải tại đây!