Doanh nghiệp “thiếu máu”, cạn kiệt sức lực
Từ 12/8 đến 22/8, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát online hơn 21.500 doanh nghiệp, hộ kinh doanh về tình hình sức khỏe tài chính của họ trong bối cảnh Covid-19.
Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 69% doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch (phần lớn đây là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ); trong khi đó, 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và còn lại đã giải thể.
Đáng chú ý, số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là những địa phương đang là tâm dịch của cả nước và thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.
Ngoài ra, có hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Điều này góp phần làm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất trong nước trầm trọng hơn.
Cũng theo khảo sát, gần một nửa doanh nghiệp không ước tính được phải tạm đóng trong thời gian bao lâu, cho thấy họ khá bị động, không thể dự tính được các kế hoạch sử dụng lao động, đặt nguyên vật liệu sản xuất...
Trong khi đó, trong số các đơn vị được khảo sát thì số đóng cửa trong 1-3 tháng là 28,5% và khoảng 2,5% cho biết phải đóng cửa đến nửa năm và còn lại là những doanh nghiệp sẽ phải tạm ngừng kinh doanh 3-6 tháng.
Các doanh nghiệp thực hiện phương án "3 tại chỗ" đang chịu áp lực lớn về chi phí, trong khi dòng tiền đang cạn kiệt |
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng tạm thời đóng cửa nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép hàng thiết yếu được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.
Cũng theo kết quả khảo sát, có tới 40% doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 cho biết chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng; tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần so với doanh nghiệp đang cố duy trì hoạt động.
Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%.
Kết quả khảo sát cho thấy các doanh nghiệp phải đóng cửa dài hơn 1 tháng mà không có hỗ trợ từ bên ngoài, thì khả năng giải thể là rất cao.
Hơn nữa, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết còn đủ lực để duy trì hoạt động trong 1-3 tháng chỉ khoảng 46%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài.
Do đó, Ban IV cho rằng, tháng 9 là thời điểm có tính chất quyết định để cứu nguy cho số doanh nghiệp này thông qua hỗ trợ từ chính quyền hoặc tự lực của doanh nghiệp.
Tổng công ty Đức Giang (Hà Nội) triển khai mô hình sản xuất "3 tại chỗ" |
Chia sẻ với phóng viên, bà Chu Thị Tiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Tiến Hà (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, doanh nghiệp đang gặp phải rất nhiều khó khăn ngoài việc thiếu lao động thì vấn đề dòng tiền đang là thách thức rất lớn với công ty.
"Việc giãn cách xã hội khiến lao động khó có thể tới nhà máy, trong khi đó công ty nhiều tháng nay cũng không ghi nhận doanh thu, các đơn hàng bị cắt nên cũng không còn tiền để chi trả các kinh phí, gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất", bà Tiến cho biết.
Theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, trong 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, 8 tháng năm nay còn có 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%.
Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Đặc biệt, riêng TP HCM có 24 nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong 8 tháng năm nay, (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%.