Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh trong cuộc đua đổi mới, sáng tạo
Những con số ấn tượng
Theo số liệu từ Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2023, doanh số mua hàng thương mại điện tử của TP Hồ Chí Minh đứng cao nhất nước, đạt 6,2 tỷ USD; doanh số bán hàng thương mại điện tử (được tính theo vị trí đặt kho hàng) đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, tăng trưởng 37% so cùng kỳ, sản lượng đạt 440 triệu sản phẩm, tăng gần 45,2% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cũng là nơi đặt trụ sở làm việc của hầu hết các doanh nghiệp và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử lớn của cả nước, là địa phương luôn dẫn đầu các xu thế mới về thương mại điện tử.
Đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, TP Hồ Chí Minh cũng được đánh giá là năng động nhất cả nước, trong đó chiếm 50% số lượng startups; 40% cơ sở ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 44% lượng vốn đầu tư và 60% số thương vụ của cả nước.
Theo thống kê của Crunchbase (nền tảng tìm kiếm thông tin về kinh doanh và startup), trong năm qua, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động tại TP Hồ Chí Minh là 502,7 triệu USD.
Nước ta, hiện có 4 kỳ lân công nghệ là VNG, VNLIFE, Sky Mavis và MoMo, và 3/4 doanh nghiệp này là của TP Hồ Chí Minh.
3/4 kỳ lân công nghệ có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh |
Hay tại ngành Điện, Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh vẫn đang hoàn thiện quá trình xây dựng và phát triển lưới điện thông minh, qua đó cung cấp điện đảm bảo nhu cầu cho phát triển kinh tế của thành phố, đồng thời mang đến nhiều sự tiện lợi cho người dân.
Mạng lưới điện thông minh của EVNHCMC |
Về lĩnh vực nông nghiệp, theo đánh giá, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, thành phố là địa phương đầu tiên xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình đa chức năng, gắn nghiên cứu, trình diễn, chuyển giao công nghệ với việc tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái, đồng thời thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.
Hướng đi bền vững cho tương lai
Nhìn nhận thực tế, để có được sự phát triển hiệu quả và bền vững cho các doanh nghiệp thì vẫn cần có những giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Theo đó, trong tất cả các ngành nghề, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt cho sự phát triển chung của cả doanh nghiệp, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhiều yêu cầu khác nhau.
Do đó, việc giáo dục, đào tạo, huy động nguồn nhân lực, tạo động lực phát triển cho thành phố cũng được nhiều chuyên gia nhận định là giải pháp mang tính lâu dài và bền vững.
Để sự phát triển mang tính đồng bộ, các doanh nghiệp cũng rất cần tới sự thông thoáng về mặt chính sách, hỗ trợ từ chính quyền.
Tại chương trình gặp gỡ cộng đồng đổi mới sáng tạo diễn ra vào tháng 3 năm nay, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều cơ chế chính sách có liên quan đến phát triển khoa học công nghệ và dẫn dắt đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này liên quan đến việc đầu tư “mồi” của ngân sách TP Hồ Chí Minh cho các dự án đầu tư khởi nghiệp; cùng với đó là cần có các chính sách có liên quan đến nhà khởi nghiệp như: Thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, các vấn đề xuất nhập cảnh, sở hữu trí tuệ…
Đồng thời, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, hệ thống hạ tầng phải chuẩn bị, phải có quy hoạch, kế hoạch, thậm chí có khu đặc biệt công nghệ cao để thu hút các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý đến việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, lành mạnh; có cơ chế hợp tác, phối hợp tạo mối quan hệ gắn bó giữa các bên cùng nhà nghiên cứu, nhà đào tạo, doanh nghiệp, nhà quản lý...
Phát biểu tại sự kiện InnoEx 2024 - Diễn đàn và Triển lãm về Đổi mới Sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo thành phố khẳng định cam kết đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hướng đến sự thành công và phát triển bền vững.
TP Hồ Chí Minh đặt kỳ vọng cao vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Innoex) |
Trong khi đó, đầu tháng 9 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn đến năm 2025. Theo đó, kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động trên địa bàn được cập nhật thông tin nâng cao nhận thức và được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số; tỷ lệ sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 60%.
Để hiện thực hóa mục tiêu, TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo; tổ chức đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tư vấn kế hoạch chuyển đổi số hay đào tạo chuyên sâu cho các doanh nghiệp trên địa bàn…
Đặc biệt, trong giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ kinh phí tư vấn, giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Đồng thời, thành phố cũng tổ chức tư vấn và hỗ trợ cho hơn 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ ươm tạo 20 đến 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao...
TP Hồ Chí Minh chú trọng đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp |
Bên cạnh đó, trong kế hoạch, TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối hơn 50 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.