Đổi mới giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng
Chiều 10/11, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung về thay đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế đất nước?
Đại biểu Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi chất vấn |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tinh thần chung là thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp và theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với Nhà nước, nhà trường và doanh ngiệp. Cùng với đó là phấn đấu thực hiện mục tiêu người dân, các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cháu đi học nghề.
“Làm sao để có chính sách; Vừa tuyên truyền các cơ chế, thương hiệu các trường nghề để học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề thì sinh viên được học liên thông khi có nhu cầu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, đối với trường nghề đào tạo làm sao để khi các cháu ra trường phải có việc làm, có thu nhập tốt.
Và một giải pháp được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra là sẽ xây dựng chương trình Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần Chỉ thị 14 của Chính phủ.
Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) về giải pháp giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động khi dịch Covid-19 tạo nên làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm trở về quê, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra các giải pháp, trong đó đề cập sâu đến việc giữ chân người lao động; Thu hút người lao động quay trở lại; Giải quyết việc làm cho người lao động ở những nơi họ đã trở; Điều tiết bổ sung trong những trường hợp đặc biệt, ở những địa bàn, đối tượng cấp thiết.
Trong đó có 2 việc quan trọng, một là lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập, an sinh (nhà trọ, nhà ở, sinh hoạt, nơi gửi con); Hai là phải tiêm vắc xin để đảm bảo an toàn tính mạng cho người lao động.
Để khắc phục những hạn chế an sinh xã hội về lâu dài, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Chủ trương Đại hội Nghị quyết XIII nêu rất rõ phấn đấu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội; Không đánh đổi, hy sinh tiến bộ công bằng xã hội để lấy phát triển kinh tế đơn thuần.
Vì vậy hiện nay, trong tổng số ngân sách Nhà nước mặc dù có khó khăn nhưng Việt Nam được đánh giá đứng đầu khối ASEAN về đầu tư ngân sách cho khối an sinh xã hội. Chúng ta có chính sách an sinh xã hội tương đối đồng bộ, toàn diện, kể cả cho người có công, người yếu thế, người già, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác.
Theo tinh thần này, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện và xây dựng đề án, để đầu năm 2023 sẽ trình Ban chấp hành Trung ương về củng cố nâng cao chất lượng an sinh của người dân Việt Nam. Đề án có nhiều vấn đề liên quan như đời sống, thu nhập cho người nghèo, người yếu thế, người có công, nước sạch, vệ sinh môi trường để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phân hóa xã hôi để mọi người ai cũng được tham gia, ai cũng được hưởng thành quả xã hội.