Đổi mới phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Phát huy hiệu quả từ phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”
"Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989.
Sau 35 năm chỉ đạo và triển khai của các cấp công đoàn, phong trào đã phát triển sâu rộng góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Có thể nói rằng, các nội dung về học tập, lao động và xây dựng gia đình hạnh phúc trong phong trào thi đua của Hội Phụ nữ đều đã được các cấp công đoàn thể hiện bằng những nội dung thiết thực gắn với các đối tượng nữ công chức, viên chức và người lao động một cách sâu sát, cụ thể.
Công đoàn các cấp đã linh hoạt, sáng tạo các hình thức, nội dung của phong trào phù hợp với từng ngành nghề.
Cụ thể như: “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của ngành Giáo dục, Công đoàn Viên chức Việt Nam với phong trào “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, xây dựng cơ quan văn hoá, “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả” và phong trào “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và , ngành Ngân hàng với phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”; Công đoàn ngành Y tế với phong trào “Thực hiện 12 điều y đức, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thông qua các phong trào thi đua này, các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng trong nữ CNVCLĐ được tăng cường, đẩy mạnh. Vì vậy, phong trào có ý nghĩa không chỉ đối với nữ CNVCLĐ mà còn có ý nghĩa rất tích cực đối với toàn xã hội.
Hàng năm, có trên 95% nữ CNVCLĐ đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và có trên 92% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu; nhiều nữ CNVCLĐ được Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn biểu dương, khen thưởng.
Quận Cầu Giấy trao thưởng cho các tập thể trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” |
Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy trực tiếp quản lý 408 công đoàn cơ sở với 23.860 đoàn viên, trong đó có 13.815 đoàn viên nữ.
Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động quận tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”, “Mẹ lao động giỏi, con học giỏi” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, gương “Điển hình tiên tiến”, “Người tốt, việc tốt”, phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu”…
Qua quá trình triển khai thực hiện, năm 2023 toàn quận có 10.368 nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp cơ sở và 64 tập thể, 273 nữ Công đoàn cơ sở đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp quận.
Phong trào nhiều nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, phong trào thi đua còn có những bất cập, hạn chế.
Phong trào phát triển chưa đồng đều, tập trung chủ yếu trong đội ngũ nữ CNVCLÐ khối hành chính sự nghiệp, khối giáo dục.
Tại các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước, DN tư nhân, DN 100% vốn nước ngoài, phong trào còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Tỷ lệ nữ sản xuất trực tiếp được khen thưởng còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng đông đảo.
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương |
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý Hướng dẫn triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết: Phong trào đã đi được chặng đường 35 năm, đã trở thành nét đẹp, phong trào truyền thống của các thế hệ nữ CNVCLĐ. Phong trào vừa là động lực để chị em phấn đấu, vừa là cơ hội để chị em phát huy tiềm năng, trí tuệ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện phong trào ở một số Công đoàn còn hình thức, chưa sâu rộng, chưa sát với thực tế. Phong trào tập trung chủ yếu trong nữ CNVCLĐ khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, chưa phát triển đồng đều tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước; công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phong trào có lúc, có nơi chưa thường xuyên, thiếu chủ động.
Hoạt động của Ban Nữ công Công đoàn quần chúng cơ sở một số đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, mục đích của phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế của phong trào, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng dự thảo Hướng dẫn với mong muốn giải quyết được tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phong trào hơn nữa và cụ thể hóa nội dung phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII; cũng như tập hợp đông đảo nữ CNVCLĐ trong mọi khu vực, đặc biệt khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia, thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Từ thực tiễn phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", các cấp công đoàn cần linh hoạt, sáng tạo, cụ thể hơn nữa để các phong trào phù hợp từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.