Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang phục vụ
Hỗ trợ 100% mức lương cho người trực tiếp xây dựng pháp luật Thay đổi tư duy, cách làm trong xây dựng pháp luật |
Chiều 17/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, các ĐBQH TP Hà Nội đã thảo luận tại tổ về các dự thảo Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
![]() |
Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 17/5 (Ảnh Như Ý) |
Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế đang là “điểm nghẽn” kìm hãm sự phát triển; đồng thời thể chế, pháp luật cũng được xác định rõ là động lực nền tảng cho phát triển.
Do đó, mấy kỳ họp gần đây, Quốc hội đều tập trung vào công tác lập pháp, nhất là Kỳ họp thứ 9 có khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, bước đầu mới nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định có vướng mắc trên thực tế, về lâu dài sẽ nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi căn bản, toàn diện.
Theo Tổng Bí thư, trước đây, việc xây dựng pháp luật chủ yếu tập trung cho quản lý xã hội, quản lý trật tự, quản lý hành vi... còn "cái gì không quản được thì cấm"; trong khi đó, yêu cầu rất cao về huy động sức dân, quy định có tính mở đường, khuyến khích, có tầm nhìn cho phát triển để kiến tạo thì ít được để ý. Chính vì vậy, một trong những luật được đặt vấn đề sửa đổi đầu tiên là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới ra đời với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xử lý triệt để những chồng chéo, mâu thuẫn.
“Giờ sửa hết thì không có đủ thời gian trong bối cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”. Hàng ngũ chưa được thẳng nhưng vẫn phải chạy, vì để thẳng mới chạy thì người ta xa mình nhiều rồi”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Vì vậy, theo Tổng Bí thư, trước hết, phải đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, kiến tạo cho phát triển; phải hình dung trước sự phát triển đòi hỏi thế nào để có quy định phù hợp. Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp thực tiễn và yêu cầu sự vận dụng nhanh chóng, phục vụ yêu cầu phát triển.
Cùng với đó, công tác thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng và thực chất; gắn liền với công khai, minh bạch, tạo thuận tiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đồng thời, các quy định phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin - cho; triệt tiêu lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.
Tổng Bí thư cho biết, ngày mai (18/5) sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt triển khai 2 Nghị quyết: Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời cũng sẽ bàn về 4 Nghị quyết hết sức quan trọng đã ban hành trước đó về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế... Tổng Bí thư Tô Lâm thông tin, bên cạnh các nghị quyết rất quan trọng trên thì sắp tới sẽ có thêm 2 nghị quyết rất quan trọng về giáo dục - đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. |
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ (Ảnh Như Ý) |
Sửa đổi các luật để đáp ứng thực tiễn
Tại phiên thảo luận tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đóng góp ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ. Nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà "nhiều năm có tiền không tiêu được hết". Hợp tác công - công cũng khó khăn, bởi "dù cùng là tiền Nhà nước mà hai bên không hợp tác được với nhau"... Chỉ rõ thực tế này, Tổng Bí thư lưu ý, các quy định phải làm sao khắc phục được những vấn đề nêu trên.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, với doanh nghiệp tư nhân, chúng ta "đôi khi đối xử chưa công bằng. Họ có vốn, sức lực, tâm huyết, lại tiêu thụ nguồn lực rất lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp qua các quỹ với số vốn vài chục nghìn tỷ USD... Chính vì nguồn lực vô cùng lớn như vậy, nhưng chúng ta chưa huy động, kêu gọi được, cho nên phải nghiên cứu sửa ngay một số điều của luật để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn, để giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hợp tác công - tư rành mạch.
Liên quan quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư lưu ý phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội, để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng.
Một vấn đề nữa, theo Tổng Bí thư, việc tiếp cận tín dụng còn khó, “tín dụng đỏ” không phát triển thì “tín dụng đen” lại có cơ hội... Do đó, hệ thống tín dụng phải thực sự huy động vốn của dân, phục vụ doanh nghiệp, đưa vào sản xuất kinh doanh.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, hệ thống tín dụng phải bảo đảm quyền lợi của dân bởi tiền dân gửi là hợp pháp, còn tổ chức tín dụng được Nhà nước cấp phép, xét duyệt điều lệ, kiểm soát.
Tin liên quan
Đọc thêm

Tư duy đổi mới tạo bước tiến trong quản trị quốc gia

100% đoàn viên, thanh niên góp ý sửa đổi Hiến pháp qua VneID

Việt Nam, Thái Lan chính thức nâng cấp quan hệ lên "Đối tác Chiến lược toàn diện"

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng

Tạo điều kiện cho công dân dự thính các phiên họp Quốc hội

Xử phạt hành chính dù lớn hay nhỏ cũng cần có biên bản

Đại hội Đảng bộ Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Bổ sung quyền lực để MTTQ là "bộ phận" của hệ thống chính trị

240 đảng viên huyện Gia Lâm được trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5
