Đồng bộ cơ chế, ưu tiên xử lý các vấn đề môi trường
Bố trí gần 32,3 tỷ đồng hỗ trợ sản phẩm xử lý môi trường Chung tay hành động vì một Hà Nội xanh Hà Nội: Xây dựng giao thông xanh, phương tiện thân thiện với môi trường |
Xác định bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp bách
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ: “Xác định vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường các sông, hồ, không khí..., quy hoạch các khu xử lý rác thải, chất thải rắn bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả là yêu cầu cấp bách, cần tập trung, ưu tiên thực hiện".
Thời gian qua, TP Hà Nội luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Nổi bật là thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao đổi với đại diện nhà thầu thi công, tư vấn giám sát Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá |
Thành phố cũng triển khai nhiều dự án xử lý nước thải làng nghề quy mô lớn như: Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), công suất 4.000m3/ngày - đêm; hệ thống xử lý nước thải làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy (huyện Thanh Oai) công suất 1.000m3/ngày - đêm…
Ngoài ra, thành phố kêu gọi đầu tư nhiều dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín…
Đáng chú ý, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, tập trung giải quyết các vướng mắc. Dự kiến đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu của dự án sẽ đi vào hoạt động, qua đó góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường ở Thủ đô cả về trước mắt và lâu dài.
Hà Nội cũng đã triển khai thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí...
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn đang là vấn đề cấp bách của thành phố. Các kết quả quan trắc gần đây cho thấy, số ngày chỉ số chất lượng không khí ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm. Nồng độ bụi PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội vượt khoảng gần 2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM2.5 lớn nhất (chiếm 50-70%), tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp (14-23%), còn lại là từ các nguồn sản xuất nông nghiệp và dân sinh.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi, có nhiều nguyên nhân tác động đến chất lượng không khí của thành phố. Theo thống kê, số dân cư sống tại Hà Nội đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó, dân số đô thị chiếm trên 40%. Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy, hơn 600.000 ô tô...
Các bạn trẻ tham gia dọn rác, nhặt túi nilông tại khu vực sông Tô Lịch |
Không chỉ ô nhiễm không khí, tình trạng ô nhiễm từ những con sông trong nội thành cũng là vấn đề được thành phố quan tâm. Trong những năm qua, Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực để hồi sinh các dòng sông chết trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong đó là sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét. Tuy nhiên, những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các dòng sông vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thêm quyền hạn và trách nhiệm cho Hà Nội
Với định hướng tại Kết luận số 80-KL/TƯ, thời gian tới, ngoài hệ thống các giải pháp đang triển khai, Hà Nội sẽ thực hiện hoàn thiện quy hoạch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, trong đó chú trọng đến việc phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại, góp phần tạo diện mạo mới cho Thủ đô.
Trong những giải pháp dài hạn, thành phố tập trung phát triển, mở rộng hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh. Đồng thời, thành phố sẽ giải quyết căn bản vấn đề về nước sạch, xử lý nước thải, xử lý dứt điểm vấn đề úng, ngập.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng không khí trên địa bàn, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.
Một trong những mục tiêu quan trọng của kế hoạch này là Hà Nội sẽ giảm thiểu tối đa ô nhiễm không khí, bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm; giảm phát thải PM2.5 từ các nguồn thải chính, tổng phát thải bụi PM2.5 trên toàn thành phố giảm khoảng 20% so với năm cơ sở (năm 2019), tương đương tổng lượng phát thải giảm 6.200 tấn PM2.5.
Các bạn trẻ tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường |
Đáng chú ý, tại Điều 28 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định về vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỷ lệ không gian xanh theo quy hoạch. Trên địa bàn thành phố, nghiêm cấm lấn, chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Việc san, lấp, cải tạo, phục hồi sông, hồ, ao, suối, đầm bị suy thoái, ô nhiễm môi trường phải phù hợp với quy hoạch đô thị, các quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô.
Đồng thời, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội trong vấn đề bảo vệ môi trường.
Qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Khải (ĐBQH tỉnh Hà Nam) nhận thấy, vấn đề nổi cộm trong chính sách đặc thù hiện nay là chưa có chế tài đủ mạnh xử phạt nghiêm khắc hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường và những phạm vi từ đạo luật khác tác động đến môi trường như quy hoạch, giao thông, chất thải. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cho phép Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có thể ra quy định về chế tài đủ mạnh để khắc phục tình trạng xâm hại môi trường ở mọi nơi, mọi lúc, kéo dài, thiếu ý thức, xem nhẹ vấn đề môi trường, nhất là ở Thủ đô.
“Nếu không có chế tài nghiêm khắc, kịp thời thì khó thực hiện được việc dịch chuyển cơ sở sản xuất lớn, nhỏ gây ô nhiễm môi trường ra ngoại vi trung tâm thành phố", đại biểu Trần Văn Khải nhấn mạnh.
Những cơ chế đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được thông qua, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng môi trường, đầu tư xây dựng nhiều dự án xử lý chất thải, nước thải, chất lượng môi trường ở Thủ đô chắc chắn sẽ được cải thiện theo hướng bền vững, xanh, sạch đẹp.