Đồng chí Lê Đức Vân kể về những ngày tháng Tám lịch sử
Tiếp bước bản hùng ca lịch sử phong trào Ba sẵn sàng |
Cháy mãi ngọn lửa cách mạng kiên trung
“Đồng bào theo tôi” - sau tiếng hô đó, lá cờ đỏ sao vàng vẫy lên, kéo theo một biển người tuần hành qua các phố, hô to khẩu hiệu đòi “Việt Nam độc lập”. Đây là khung cảnh hùng tráng, rừng rực ngọn lửa cách mạng diễn ra tại Hà Nội vào ngày 17/8/1945.
Cuộc tuần hành nói trên là tiếng trống lệnh vang rền để bắt đầu khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, thúc đẩy Tổng khởi nghĩa thắng lợi trên phạm vi cả nước. Những hình ảnh và không khí sục sôi như vậy vẫn sống vẹn nguyên trong ký ức của đồng chí Lê Đức Vân, Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, nhân chứng của những ngày cả nước vùng lên tròn 79 năm trước.
Chiều 15/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong thăm, tặng quà đồng chí Lê Đức Vân - Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. |
"Những đóng góp của đồng chí Lê Đức Vân luôn là tấm gương mẫu mực trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng với các thế hệ đoàn viên, thanh niên Thủ đô..." - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. |
Đồng chí Lê Đức Vân là cựu học sinh trường Bưởi. Khi đương thời học sinh, đồng chí Vân được người bạn học Vũ Oanh (tên thật là Vũ Duy Trương) giác ngộ cách mạng. Đồng chí tham gia tổ chức “Tu Thân” (sau này đổi tên thành Đội Ngô Quyền) của người bạn Vũ Oanh để rèn luyện sức khỏe, học tập và tìm hiểu về con đường của những vị lãnh đạo yêu nước… “Một bầu trời sáng mở ra trong trí tôi”, đồng chí Vân cảm khái.
Không bao lâu sau đó, Vũ Oanh, Lê Đức Vân cùng gần 40 thành viên của đội được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc và ít lâu sau đứng vào hàng ngũ Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi trường Bưởi phải sơ tán đến khu an toàn, đồng chí Lê Đức Vân cùng đồng đội bỏ học, ở lại Hà Nội chiến đấu.
Trong trí nhớ mẫn tiệp của tiền bối cách mạng lão thành, kể từ khoảng đầu năm 1945, người dân Hà Nội đã cảm nhận rất rõ làn gió của sự thay đổi. Làn gió mới mẻ Mặt trận Việt Minh đang chuẩn bị nổi lên cuốn sạch những tàn dư mục nát.
Những chứng nhân của tháng 8 lịch sử (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Đồng chí Lê Đức Vân kể, từ tháng 6/1945, tiếng vang của Mặt trận Việt Minh đã đến với quần chúng Nhân dân Thủ đô, tạo được thanh thế uy hiếp Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và các thế lực thân phát xít Nhật.
Nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Việt Minh, đồng thời, xoa dịu sự phẫn nộ trong dân chúng, Tổng Hội viên chức Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Nhà hát Lớn vào chiều 17/8/1945.
Nhận định thời cơ đã chín muồi, tối 17/8/1945, khi những cuộc tuần hành nhỏ vẫn đang diễn ra khắp phố phường Hà Nội, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội và Thành ủy mở rộng được tổ chức tại thôn Dịch Vọng.
Đồng chí Lê Đức Vân nhớ lại: “Cuộc họp tổ chức tại nhà bà Hai Nhã, tôi được trực tiếp tham gia với vai trò ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. 9 người tham gia trong đó có đồng chí Nguyễn Quyết (Bí thư Thành ủy), Lê Trọng Nghĩa, Trần Quang Huy (cán bộ xứ ủy).
Sau khi phân tích tình hình, cuộc họp thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào 11h ngày 19/8/1945, sau đó biến thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy, có lực lượng vũ trang yểm trợ, dùng áp lực quần chúng chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng. Công tác tổ chức đấu tranh được phân công cho từng người phụ trách”.
Cuộc mít tinh do Nhật tổ chức biến thành cuộc diễn thuyết tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh (Ảnh tư liệu) |
Cuộc họp cũng phân công đồng chí Vân đảm trách việc tổ chức khởi nghĩa ở ngoại thành Hà Nội, sau khi hoàn tất sẽ về dự mít tinh tổng khởi nghĩa trong nội thành. Việc này rất quan trọng bởi trước đây, hoạt động cách mạng có thể đứng được là nhờ khu vực ngoại thành.
Đồng chí Nguyễn Quyết sẽ cùng với đội tuyên truyền thành Hoàng Diệu chiếm trại Bảo an binh, đồng chí Nguyễn Khang (Chủ tịch Mặt trận khởi nghĩa) chiếm phủ Khâm sai...
Sáng sớm 19/8/1945, lực lượng cách mạng ở ngoại thành tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa sổ chính quyền cũ, thành lập chính quyền Nhân dân cách mạng lâm thời, tổ chức thu con dấu, sổ sách, tuyên truyền phổ biến chính sách của Mặt trận Việt Minh và chống đói, chống lụt cho Nhân dân.
Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã làm chủ được tình hình và chiếm Đại lý Hoàn Long (khu vực ven đô trước đây thuộc địa bàn một số quận như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay). Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở ngoại thành hoàn toàn thắng lợi và Nhân dân ở đây cũng kéo về khu vực nội đô để ủng hộ cách mạng.
Tri ân đóng góp của đồng chí Lê Đức Vân
Sau năm 1945, đồng chí Lê Đức Vân tiếp tục tham gia cách mạng, xây dựng Thủ đô và giữ các cương vị: Bí thư Đảng đoàn thanh niên Hà Nội, Hiệu trưởng Trường múa Việt Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, Vụ phó Vụ Tổ chức - Bộ Văn hóa.
Với những đóng góp trên, đồng chí Lê Đức Vân đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Năm 2023, đồng chí được tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”.
Đồng chí Lê Đức Vân nói chuyện với giới trẻ Thủ đô vào năm 2020 (Ảnh tư liệu) |
Chiều 15/8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã đến thăm, tặng quà đồng chí Lê Đức Vân nhân kỷ niệm 79 năm ngày Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh 2/9 (2/9/1945 - 2/9/2024).
Xúc động nắm tay người chiến sỹ cách mạng gần 100 tuổi, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, dù ở trên các cương vị công tác cũng như khi đã nghỉ hưu, đồng chí Lê Đức Vân cũng tích cực phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô và đất nước. Đặc biệt những đóng góp của đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng với các thế hệ đoàn viên, thanh niên Thủ đô.
Kính chúc đồng chí Lê Đức Vân luôn mạnh khỏe, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Hà Nội đang kế thừa truyền thống vẻ vang của các đồng chí lão thành cách mạng, vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong trân trọng đánh giá đồng chí Lê Đức Vân là vốn quý của gia đình nói riêng và TP nói chung, một nhân chứng lịch sử sinh động, có ý nghĩa biểu tượng, ý nghĩa giáo dục rất cao cho thế hệ hiện tại.
Phó Bí thư Thành ủy mong muốn, bằng kinh nghiệm và trí tuệ, đồng chí Lê Đức Vân sẽ tiếp tục quan tâm, động viên và hỗ trợ Đảng bộ, chính quyền TP trong công cuộc xây dựng và phát triển.