Dự án xe đạp công cộng ở Hà Nội tiếp tục “lỡ hẹn” với người dân
Trong hơn hai năm qua, thành phố Hà Nội đã nhất trí để các sở, ngành triển khai đề án cho xe đạp công cộng xanh, thân thiện môi trường theo hình thức xã hội hóa lăn bánh tại Hà Nội. Tuy nhiên, đến nay, các mốc đề án đều bị lỡ hẹn.
Với mục tiêu sử dụng phương tiện xanh, thân thiện môi trường, đa dạng hóa loại hình vận tải hành khách công cộng, đầu năm 2021, UBND thành phố Hà Nội đã họp với các sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai mô hình xe đạp công cộng.
Cuộc họp này diễn ra sau khi Thành phố Hồ Chí Minh triển khai rộng rãi loại hình xe đạp này để phục vụ người dân. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thống nhất giao Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư xây dựng kế hoạch, nội dung triển khai.
Theo kế hoạch, dự án xe đạp công cộng ở Hà Nội bắt đầu trước ngày 15/12/2022, tuy nhiên, đến nay, dự án này lại tiếp tục bị lùi tiến độ |
Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ tháng 3/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và nhà đầu tư đã lập đề án và có báo cáo cụ thể nội dung, lộ trình triển khai. Theo đề án đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và nhà đầu tư lập, trong giai đoạn 2021 - 2022, thành phố Hà Nội sẽ triển khai dự án “Xe đạp đô thị”. Dự án nhằm đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan...
Trong quá trình đi xe đạp, người dân chủ động dừng, đỗ, đi vào các con phố nhỏ, ngõ nhỏ tùy thích. Hơn nữa, hệ thống điều hành, quản lý xe đạp công cộng là công nghệ số, thông qua điện thoại thông minh người dân có thể cài ứng dụng của trang (app) “Xe đạp đô thị” để nắm bắt các thông tin về xe, các điểm bố trí xe, tình trạng xe khi hành khách muốn đi, chi phí liên quan. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỡ hẹn, đến nay dự án vẫn không thể thực hiện.
Trước Tết Nguyên đán Quý Mão (2023), sau khi các quận đã bàn giao đầy đủ mặt bằng, chủ đầu tư thực hiện công đoạn lắp đặt, sơn kẻ các trạm xe. Thế nhưng, dự án bị hoãn lại vì một số lý do phát sinh.
Anh Trần Thanh Tùng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi biết đến dự án xe đạp công cộng từ năm 2022, tôi đã từng bỏ khá nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu về loại hình vận tải công cộng mới này. Việc triển khai thí điểm sử dụng xe đạp công cộng sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân Thủ đô trong việc di chuyển, ngoài ra nó còn rất thân thiện với môi trường. Tôi mong chờ dịch vụ xe đạp công cộng sẽ được triển khai sớm nhất có thể. Hi vọng loại phương tiện này sẽ giúp Hà Nội trong tương lai giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Nhiều người dân Thủ đô cũng tỏ ra tiếc nuối khi dự án xe đạp công cộng đến nay vẫn chưa được triển khai |
Đồng tình ủng hộ việc thí điểm dự án xe đạp công cộng tại Thủ đô, song nhiều người cũng tỏ ra tiếc nuối khi dự án xe đạp công cộng đến nay vẫn chưa được triển khai.
Chị Vũ Thu Trà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Trong tương lai, hi vọng Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển xe đạp công cộng để tôi có cơ hội sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường và tạo nên những chuyến du lịch trong ngày vô cùng tiện lợi”.
Sau khi UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương triển khai thí điểm xe đạp công cộng, dự án đã nhận được sự quan tâm của người dân, đặc biệt là người trẻ và những du khách đến Thủ đô tham quan.
Đa phần, người dân đều ủng hộ với loại phương tiện công cộng này. Riêng đối với nhiều người trẻ, họ coi đây là một trải nghiệm ngoài trời, có thể dễ dàng đến những địa điểm mà mình mong muốn.
Tuy nhiên, việc phải chờ đợi trong thời gian dài ít nhiều sẽ khiến người dân cảm thấy hụt hẫng. Và có thể sẽ không còn mặn mà khi dự án xe đạp công cộng chính thức được thực hiện.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận với thời gian thí điểm 12 tháng, trong thời gian thí điểm, không thu phí vỉa hè và có thu phí sử dụng dịch vụ.
Trong quá trình thí điểm, Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng. Giai đoạn thí điểm sẽ thực hiện tại 6 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân.