Dự án XHH bến xe Thượng Lý - Bài 3: DN đứng trước nguy cơ phá sản
TTTĐ - Trước những "lùm xùm" tại dự án bến xe khách Thượng Lý, năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu UBND TP Hải Phòng báo cáo sự việc. Sau đó, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng sẽ bổ sung xe vào bến Thượng Lý nhưng đến nay mọi việc vẫn "giậm chân tại chỗ"…
>> Dự án xã hội hóa bến xe Thượng Lý (Hải Phòng): "Miếng pho mát" đặt trên "bẫy chuột"
Bài 1: Bài 1: Nhà đầu tư “dính bẫy”
Bài 2: Sở GTVT Hải Phòng “lật kèo”?
Bức xúc trước việc Sở GTVT Hải Phòng cho phép các doanh nghiệp chuyển xe từ bến xe Tam Bạc sang bến xe Niệm Nghĩa mà không về bến Thượng Lý như phương án ban đầu, ngày 9/6/2015, Cty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng đã gửi đơn kiến nghị lên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng Chính Phủ). Ngày 24/6/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 4794 "về việc kiểm tra phản ánh việc đóng của bến xe Tam Bạc và điều chuyển doanh nghiệp về các bến xe khác". Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP Hải Phòng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, làm rõ đúng sai, có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo quyên và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/6/2015.
Bến xe khách Thượng Lý
Trước đó, ngày 17/6/2015, Bộ GTVT cũng có văn bản số 7744 đề nghị UBND TP Hải Phòng trong phạm vi, thẩm quyền của mình sớm quan tâm, giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp để ổn định tình hình trật tự vận tải trên địa bàn địa phương. Trong quá trình giải quyết kiến nghị của các đơn vị, đề nghị UBND TP Hải Phòng cần căn cứ vào quy hoạch hệ thống bến xe của địa phương, đảm bảo tốt chủ trương của Chính phủ trong việc thu hút xã hội hóa đầu tư và khai thác bến xe; xây dựng và đưa vào khai thác các bến xe theo quy chuẩn hiện hành, nâng cao chất lượng dịch vụ tại bến, tổ chức giao thông hợp lý để tạo thuận lợi cho việc đi lại của hành khách và hiệu quả kinh doanh của các đơn vị vận tải, bến xe liên quan trên địa bàn địa phương.
"Đề nghị UBND TP Hải Phòng giao Sở GTVT tham mưu thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến tại các bến xe nhằm tổ chức tốt hoạt động vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Việc sắp xếp cần có lộ trình phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động của bến xe xã hội hóa và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị vận tải đang hoạt động", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
Ngày 29/6/2015, UBND TP Hải Phòng có văn báo số 126 báo cáo Thủ tướng Chính phủ "về việc kiểm tra phản ánh việc đóng cửa bến xe Tam Bạc và điều chuyển doanh nghiệp về bến xe khác. Tại văn bản này, UBND TP Hải Phòng nêu rõ, việc đầu tư bến xe Thượng Lý nhằm thay thế cho bến xe Tam Bạc. Ngày 19/5/2015, đơn vị này đã có công văn chấp thuận phương án điều chuyển các tuyến vận tải khách đang hoạt động tại bến xe Tam Bạc do Sở GTVT xây dựng. Theo đó, bến xe Tam Bạc có 106/143 chyến xe đi TP Hà Nội sẽ được điều chuyển về bến xe Thượng Lý tiếp tục hoạt động. Số chuyến còn lại đi các tỉnh, thành phố khác cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn bến xe để điều chuyển tuyến.
Tuy nhiên, theo UBND TP Hải Phòng, việc thay đổi phương án điều chuyển các xe không về bến Thượng Lý mà về bến Niệm Nghĩa là do: Thời gian gấp, các doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị nên sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh của đơn vị. Vì vậy UBND TP Hải Phòng đã giao Sở GTVT cho phép các doanh nghiệp được tự lựa chọn bến sau khi đóng cửa bến xe Tam Bạc đến hết năm 2015.
"UBND TP Hải Phòng đã giao Sở GTVT bố trí điều tiết các luồng, tuyến vận tải theo quy hoạch sẽ được Bộ GTVT phê duyệt trong tháng 6/2015, trong đó định hướng phát triển, bổ sung phương tiện, luồng tuyến hoạt động tại bến xe Thượng Lý để bến xe sớm đi vào ổn định và phát triển thực hiện hiệu quả chủ trương khuyến khích, xã hội hóa bến xe của Chính phủ đặt ra... Hiện tại, đến thời điểm này (tháng 6/2015) bến xe Thượng Lý có 60 chuyến xe hoạt động. Thời gian tới, UBND TP Hải Phòng sẽ chỉ đạo Sở GTVT tiếp tục vận động các doanh nghiệp để điều chuyển thêm một số tuyến vận tải khách về bến xe Thượng Lý, đảm bảo bến xe này hoạt động ổn định, đồng thời giảm lưu lượng xe khách ra vào khu vực trung tâm thành phố", văn bảo của UBND TP Hải Phòng nêu rõ.
Điều đáng nói, sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ xong, đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, số lượng xe khách tại bến Thượng Lý vẫn dừng lại ở con số trên. UBND TP Hải Phòng và Sở GTVT không có bất kỳ động thái gì điều chuyển hoạt động của các nhà xe đã về bến Thượng Lý. Những nhà xe được UBND TP Hải Phòng chấp thuận cho về bến xe Niệm Nghĩa sau khi đóng cửa bến xe Tam Bạc đến hết năm 2015 đến nay vẫn hoạt động bình thường khiến cho khu vực nội đô thêm ách tắc, chật chội. Như vậy, rõ ràng việc UBND TP Hải Phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ chỉ đạo vận động điều chuyển một số xe khác về bến Thượng Lý đến nay vẫn không thực hiện.
Trong khi đó, phía Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam chi nhánh Lê Chân liên tục có văn bản thông báo đôn đốc nợ quá hạn đối với Cty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng liên quan đến việc vay tiền đầu tư bến xe Thượng Lý. "Thời gian qua, công ty liên tục để phát sinh nợ quá hạn tại chi nhánh Lê Chân. Đồng thời, dự án bến xe Thượng Lý vẫn tiếp tục đình trệ, doanh thu không về chi nhánh Lê Chân như đã cam kết, chi nhánh buộc phải tính đến phương án giải quyết nợ xấu bằng việc phát mại và thanh lý các tài sản cá nhân (bên thứ 2) đang thế chấp tại chi nhánh Lê Chân. Đến ngày 30/9/2016, nếu tình hình triển khai dự án bến xe Thượng Lý tiếp tục gặp nhiều khó khăn, không có doanh thu về chi nhánh Lê Chân, ngân hàng sẽ xử lý các tài sản đảm bảo thế chấp của bên thứ ba để thu hồi nợ vay theo đúng quy định của pháp luật", văn bản mới nhất ngày 29/7/2016, của ngân hàng ghi rõ.
Nếu UBND TP Hải Phòng không có biện pháp quyết liệt điều chuyển xe về bến Thượng Lý như phương án ban đầu thì việc Cty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng bị phá sản sẽ sớm thành hiện thực…
Thanh Hà