Du lịch Bình Dương qua những ngôi chùa độc đáo
Bình Dương đã đạt và vượt 29/34 chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 |
Chùa Bà Thiên Hậu
Chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương được người dân bản xứ gọi Chùa Bà Bình Dương linh thiêng, có tên chữ là Thiên Hậu Cung hiện nay tọa lạc tại số 4 đường Nguyễn Du, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Dương do hội người Việt gốc Hoa đóng góp và xây dựng nên để thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Chùa Bà Thiên Hậu |
Ngôi chùa này bao gồm ba dãy nhà, ở giữa là chính điện đề ba chữ “Thiên Hậu Cung”, hai dãy nhà bên thì được xem như là Đông lang, Tây lang của ngôi chùa. Ở trên hai cánh cửa chính có đề bốn chữ “Quốc Thái Dân An”, còn ở hai bên là cặp câu đối ca ngợi công đức của Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Khi bước vào sân chùa, trước cửa điện có đặt một cái đỉnh lớn để cho người dân đến cúng và cắm nhang.
Mái trước của chính điện được lợp ngói âm dương theo phong cách truyền thống với những đường vân đắp nổi và trang trí hình tượng “cá chép hóa rồng”, “lưỡng long tranh châu”. Còn ở hai bên đường viền của mái là tượng “bà mặt trăng”, tượng quan võ, quan văn… được điêu khắc theo lối kiến trúc của người Hoa.
Tại chánh cung thì được người dân thờ vị chánh thần là Thiên Hậu Thánh Mẫu, bức tượng được trang trí áo mão nghiêm trang và luôn được thay mới. Bên phải thì thờ Ông Bổn, tức Bổn Đầu Công. Bên trái của bà là nơi thờ năm vị nữ thần Ngũ Hành Nương Nương tượng trương cho: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.
Hai bên tường chính điện có giá treo tấm biển đề Túc Tĩnh - Hồi Tị với mục đích kêu gọi mọi người nghiêm trang mỗi khi có rước kiệu Bà đi trên đường. Cặp biển thứ hai có đề Thiên Hậu Nguyên Quân, còn được hiểu là Vị thần chủ việc tiền tài. Những cặp biển được sắp theo thứ tự trong thờ tự cũng như trong diễu hành lễ rước bà.
Lễ hội Chùa Bà là một trong những lễ hội văn hóa lớn nhất của tỉnh Bình Dương và được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng Âm lịch với nhiều chương trình đặc sắc. Thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch và hành hương tới nơi này.
Vào ngày này, ngôi chùa sẽ được trang hoàng lộng lẫy với cờ và đèn lồng kéo dài từ cửa tam quan vào đến điện thờ. Lễ hội là cách tạo sự kết nối giữa thánh thần với đời thường, đưa sự linh thiêng vào cuộc sống. Ngoài ra cũng là dịp để người dân vui chơi, giải trí trong không khí tín ngưỡng đậm chất truyền thống văn hóa.
Chùa Tây Tạng
Chùa Tây Tạng nằm tại 46B Thích Quảng Đức, phường Chánh Nghĩa, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ngôi chùa này được sách kỷ lục guinness Việt Nam xác lập là “Ngôi chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng tóc lớn nhất”.
Bức tượng này mô tả hình tướng của Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma đang bước đi, ở trên vai ông là một đòn gánh. Đầu đòn gánh bên trái là hòm kinh Lăng Già và bên tay phải là túi càn khôn. Đặc biệt, trên đòn gánh còn treo một chiếc nón lá mang đậm chất văn hóa Việt Nam.
Tượng bao gồm 3 phần rời nhau và được gắn lại bằng keo dán. Chỉ trừ phần khung được làm bằng sắt thì còn chất liệu chủ yếu được làm bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử. Chiều cao của bức tượng là 2,83 m, chiều ngang được tính từ túi Càn khôn đến kinh Lăng già dài 1,74m.
Ngôi chùa Tây Tạng Bình Dương do Hòa thượng Chơn Phổ - Nhẫn Tế (Thiền sư Minh Tịnh) sáng lập vào năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Bửu Hương Tự, thuộc hệ phái Bắc tông. Vào thời điểm đó, chùa chỉ là một am nhỏ thờ Phật cất và cũng là nơi để các thiền sư tu tập và phổ độ chúng sanh. Mãi đến năm 1937, sau khi thiền sư Minh Tịnh vân du đất Phật trở về thì mới được đổi tên thành chùa Tây Tạng Tự.
Tượng Phật tổ được đặt trong khuôn viên chùa Tây Tạng |
Ngoài ra, đến thăm ngôi chùa Tây Tạng, khách hành hương còn được các sư thầy kể lại câu chuyện nhà sư Minh Tịnh đi tham bái Ấn Độ, Tây Tạng vào những năm 1935 - 1937.
“Sau khi đã đi viếng hết những thắng tích nổi tiếng của Phật giáo ở Ấn Độ, ông bất kể hiểm nguy, khó nhọc đã vượt núi rừng Hi Mã Lạp Sơn để đến được kinh đô Lhasa của Tây Tạng thời đó. Ông được tiếp đón niềm nở và thọ truyền pháp tu của Phật giáo Tây Tạng.”
Nhà sư Minh Tịnh được xem là nhà sư Việt Nam đầu tiên đặt chân đến với miền xứ tuyết khi có một ý chí bền bỉ hiếm có. Cuộc hành trình của ông được ghi lại trong quyển Nhật ký tham bái Ấn Độ - Tây Tạng khá dày và hiện còn được lưu giữ trong chùa.
Chùa Châu Thới
Tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, với độ cao cách mặt nước biển 82m, Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia chùa Châu Thới là một quần thể bao gồm chánh điện, các điện thờ Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, có tượng Phật Bà Quan Âm cao 25m, có Đại Hồng Chung nặng 5 tấn và có 9 con rồng ngoảnh về muôn hướng như ban phước cho muôn dân bá tánh…
Chùa Châu Thới |
Nét nổi bật nhất trong trang trí kiến trúc của chùa đó là gắn kết nhiều mảnh gốm sứ màu sắc khác nhau tạo thành hình con rồng dài hơn 1m đặt ở đầu đao của mái chùa. Điểm nhấn của chùa chính là tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên đài hoa sen, trên tay cầm dương liễu vẩy nước cam lồ trong bình thanh tịnh. Chùa Châu Thới chính là nơi hội tụ linh khí của đất trời.
Vào những ngày mùng 1, rằm hay lễ tết rất đông du khách khắp nơi về đây để chiêm bái, cầu an. Dạo bước dưới những tán lá xanh, ngắm nhìn mặt hồ yên ả, chắp tay dưới tượng Phật Bà Quan Âm và thả hồn vào những tiếng chuông chùa vô định… mọi phiền muộn như chợt tan biến.
Chùa Hội Khánh
Chùa Hội Khánh được xây dựng vào năm 1741, là một công trình tôn giáo mang tính chất lịch sử và mỹ thuật cao, được tổ chức Kỷ lục châu Á tại Ấn Độ công nhận có tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á (cao 12m, dài 52m và nằm cách mặt đất 24m).
Là một trong những ngôi chùa có công trình kiến trúc tôn giáo, nghệ thuật lớn nhất tại Bình Dương, ngày 7/1/1993 chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Chùa không chỉ thu hút đông đảo phật tử, du khách đến tham quan, thờ cúng mà còn là nơi tu học Phật giáo trong vùng.
Với giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc, chùa Hội Khánh là nơi lưu giữ những di tích, cổ vật được bảo tồn hàng mấy trăm năm. Đây còn là ngôi chùa tiêu biểu cho đặc điểm chung của các ngôi chùa cổ ở Bình Dương.