Du lịch Đà Nẵng: Kịch bản định sẵn hay “chuyện thần kỳ”?
Bài liên quan
Giấc mộng tỷ USD cho ngành du lịch giải trí: 10 năm sau Bà Nà Hills
Đoan Trang, ST Sơn Thạch, John Huy Trần làm giáo khảo chung kết Flashmob 2019 – “Sóng tuổi trẻ”
Viên gạch nền cho ngành công nghiệp giải trí Việt Nam
Lớp doanh nhân đi trước nói gì về Bà Nà?
Đà Nẵng cuồng nhiệt trong Carnival đường phố DIFF 2019 tối 16/6
Khán giả hát sung, nhảy tưng bừng đêm Carnival Đà Nẵng
Nhưng để mô tả được sự lột xác của đô thị ven biển này, thì động từ “tăng trưởng” không chứa đủ các sắc thái.
Sự tăng trưởng đến từ đâu?
Khi Sun Group quyết định xây dựng một tuyến cáp treo nắm giữ tới 2 kỷ lục Guinness, và sau đó là một công viên chủ đề lớn trên đỉnh núi Bà Nà, đã có rất nhiều sự ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên đến từ các nhà quản lý, khi “lựa chọn địa điểm khá xa so với thành phố mà không lựa chọn biển” - như phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng. Sự ngạc nhiên đến từ cả các tổ chức du lịch quốc tế, khi Hiệp hội các công viên giải trí và du lịch quốc tế (IAAPA) tuyên bố “rất bất ngờ vì chất lượng hoàn thiện dịch vụ” trên đỉnh núi Bà Nà.
Năm 2009, năm Bà Nà Hills đi vào hoạt động trở thành dấu mốc quan trọng của các biểu đồ. Trước đây Đà Nẵng được xem là một điểm trung chuyển cho du khách tới để sau đó đi Huế hoặc Hội An - các vùng du lịch nổi tiếng. Hiện tại, Đà Nẵng trở thành điểm du lịch trung tâm, và cứ 3 khách tới Đà Nẵng thì một người ghé Bà Nà. Tốc độ tăng trưởng của khu du lịch này có năm lên tới hơn 50%, như giai đoạn 2014-2016. Cùng với Bà Nà Hills, việc cải tạo hạ tầng thành phố, đặc biệt là con đường ven biển và tạo điều kiện cho các dự án đầu tư lớn liên quan đến du lịch khiến Đà Nẵng thay đổi. Hiện tại, Đà Nẵng chiếm đến gần 12% số phòng 3-5 sao trong cả nước, chỉ đứng sau Hà Nội và TP HCM.
Lễ hội pháo hoa, cùng với các hoạt động lễ hội trên đỉnh Bà Nà, khiến Đà Nẵng được World Travel Awards trao giải “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á” năm 2016. Cho đến năm 2007, cả thành phố chỉ có hơn 1.000 phòng 3-5 sao, không bằng một phần mười so với hiện nay, trong đó chỉ có một resort 5 sao hoạt động từ năm 1997. Một thập niên sau đó, thành phố đã có khả năng đón tiếp các nguyên thủ hàng đầu thế giới tại APEC 2017.
Những dấu mốc mới vẫn đang được tạo ra: năm 2018, kể từ sau "hiện tượng Cầu Vàng", số chuyến bay quốc tế tới Đà Nẵng từ các thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… tăng đột biến. Chỉ riêng tháng đầu năm 2019, số chuyến bay từ Thái Lan tới Đà Nẵng đã tăng tới 56 chuyến/tuần.
Nếu không có sản phẩm…
Trong một nghiên cứu về “tính cách của thương hiệu quốc gia Việt Nam” được Đại học Khon Kaen, Thái Lan thực hiện năm 2017, thì sự hấp dẫn của du lịch là yếu tố đứng thứ 2 trong đặc tính của Việt Nam, sau điều quan trọng nhất là đội ngũ lao động tay nghề cao.
Năm 2007, khi Đà Nẵng chỉ là một điểm trung chuyển, mỗi khách du lịch quốc tế đến thành phố này chỉ tiêu 50 USD – số tiền cho phép người ta ăn 2 bữa bình dân và ngủ 1 đêm tại khách sạn 2 sao theo thời giá hiện tại tại Đà Nẵng.
Thời điểm đó, chị Đinh Thị Anh đang bán nước mía và ốc hút trên đường Phạm Văn Đồng. Chị kinh doanh trên một mảnh đất “nhảy dù”, không trả tiền thuê đất, được đâu hay đó. Trước đó, chị là nhân viên bóc vỏ tại nhà máy tôm đông lạnh xuất khẩu. Hiện tại, chị Anh là chủ của hai nhà hàng hải sản thuộc hàng đồ sộ nhất trung tâm thành phố, phải “bỏ chân trần chạy mới kịp phục vụ”. Bước ngoặt đã diễn ra năm 2008, năm đầu tiên thành phố tổ chức Lễ hội pháo hoa, khi chị quyết định mở cửa hàng hải sản.
Rất nhiều người Đà Nẵng đã thay đổi cuộc đời nhờ du lịch như thế. Từ một nơi nổi tiếng với những nhà chồ ven biển và không có đời sống ban đêm, thành phố này trở thành “một trong những thành phố thành công nhất Việt Nam nhờ phát triển du lịch”, theo nhận định của Kenneth M. Atkinson, Chủ tịch Grant Thornton Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB).
Tuy nhiên, những thành công quá khứ không đảm bảo cho thành công tương lai. Bản thân ông Kenneth Atkinson đang liên tục khuyến cáo Việt Nam về việc phát triển thêm điểm đến, sản phẩm du lịch chất lượng để thu hút thêm lượng khách có chi trả lớn. Trên thực tế, so với Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản, Việt Nam vẫn là một điểm đến “tiềm ẩn”. Trong bảng xếp hạng các thương hiệu quốc gia có giá trị cao của Brand Finance, phải tới năm 2017, Việt Nam mới ngoi lên nửa trên. Hiện tại, Việt Nam đang được xếp là thương hiệu quốc gia lớn thứ 43 trên thế giới, với tín nhiệm A+. Để so sánh: Singapore, Philippines, Malaysia và Thái Lan, lần lượt đứng từ vị trí thứ 28 đến 31, hơn Việt Nam cả chục bậc.
Trên chuyên trang du lịch TripAdvisor, từ “ngạc nhiên” là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất để mô tả Bà Nà Hills. Đó cũng là từ được báo chí thế giới dùng nhiều nhất khi mô tả hiện tượng Cầu Vàng tại khu du lịch này năm 2018. Sự ngạc nhiên này có 2 mặt: sự thú vị tích cực; sau nó, ẩn chứa tín hiệu Việt Nam chưa được đánh giá đúng trong tư cách một điểm đến.
“Cần nhiều hơn những cơ sở như Bà Nà Hills hay Fansipan Legends”, Kenneth M. Atkinson nói, khi bàn tới việc du khách không quay trở lại Việt Nam.