Du lịch thực tế ảo, hướng đi mới trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Lo ngại dịch bệnh Covid-19, du khách có thể ngồi nhà và đi du lịch bằng công nghệ thực tế ảo
Bài liên quan
Samsung ra mắt thiết bị kính thực tế ảo Gear VR đầu tiên
Ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng khách tới Hà Nội mới đạt 13% kế hoạch
Quận Hoàn Kiếm cần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với sản phẩm đẳng cấp thế giới
Hà Nội: Đề nghị bố trí 3 khách sạn hạng sang cho tổ bay nước ngoài lưu trú
"Số hóa" di sản để vực dậy ngành du lịch thời 4.0
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều nước đã áp dụng công nghệ thực tế ảo để phát triển du lịch. Công nghệ thực tế ảo đã kích thích sự tò mò của khách du lịch nhờ hình thức mới mẻ, sinh động, hệ thống dữ liệu và hình ảnh trực quan. Công nghệ này vừa hỗ trợ công tác bảo tồn các vùng di sản, vừa giúp công nghệ thực tế ảo đạt tầm cao mới.
Công nghệ 3D xuất hiện như một biện pháp hữu hiệu trong việc bảo tồn, giữ được hình ảnh và giá trị của những di sản đang đối mặt với nguy cơ tồn vong. Công nghệ scanning 3D góp phần giúp các di sản có thể trường tồn được trong môi trường công nghệ số, bảo đảm giá trị di sản không bị mất đi.
Các dự án số hóa di sản cũng đang được nhiều nhà nghiên cứu tại nước ta thực hiện, hướng đến đối tượng là tất cả các di sản văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam cả vật thể và phi vật thể. Trong đó, các dự án này đều hướng sự ưu tiên dành cho những di sản đang có nguy cơ mai một nhằm mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn và phục dựng lại khi điều kiện cho phép. Tiếp đó là những di sản có giá trị lịch sử, du lịch nhằm mục tiêu quảng bá, giáo dục và thương mại.
Mặt khác, hiện nay, nhiều vùng di sản đã bị mất đi do ảnh hưởng của tự nhiên, địa chất cũng như con người cũng được tái hiện lại thông qua kho dữ liệu số, hình ảnh thực tế ảo giúp khách du lịch không quên đi những giá trị ý nghĩa của vùng.
Đồng thời, công nghệ hiện đại cũng góp phần quan trọng trong việc khảo sát, thực địa, nghiên cứu những vùng di sản có nguy cơ mai một, hư hỏng, giúp tìm kiếm và phát hiện những vết đứt gãy, lỗ hổng của di sản, từ đó giúp các nhà bảo tồn tìm ra phương hướng để bảo vệ di sản.
Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng loạt các khu du lịch, di sản, lễ hội, nhà hàng, khách sạn bị đóng cửa. Ngành Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đứng trước một cơn "đại hồng thủy".
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2020 sẽ giảm khoảng 20 - 30%; ước tính “ngành công nghiệp không khói” toàn cầu tổn thất từ 300 - 450 tỷ USD. Tại Việt Nam, theo Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mức thiệt hại của toàn ngành có thể lên tới hơn 7,7 tỷ USD. Riêng ở Hà Nội, trong tháng 4/2020, lượng khách du lịch quốc tế lưu trú đã giảm 98,1% so với cùng kỳ năm trước.
Để vượt "cơn đại hồng thủy" đòi hỏi ngành Du lịch phải phát triển các hình thức du lịch mới mẻ như du lịch thực tế ảo - một hình thức du lịch phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nhân lực lao động chất lượng cao, lên kế hoạch "sống chung với Covid-19", vừa đảm bảo phát triển du lịch vừa đảm bảo an toàn cho du khách.
Cơ hội lớn nhất mà công nghệ thực tế ảo mang lại cho ngành Du lịch, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường du lịch Phocuswright là cho phép người dùng trải nghiệm điểm đến trước khi quyết định “rút hầu bao” để đặt tour. Một khảo sát khác của cơ quan phụ trách kinh doanh hội nghị và du lịch Las Vegas (Mỹ) cũng cho thấy, cứ ba du khách Mỹ thì có hai người công nhận trải nghiệm bằng VR sẽ ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch của họ.
Nắm bắt cơ hội này, nhiều công ty du lịch trên thế giới đã nhanh chân khai thác thị trường du lịch ảo với kỳ vọng thực tế ảo sẽ kích thích ngành Du lịch. Mới đây, các công ty du lịch nổi tiếng thế giới như Thomas Cook, Qantas Airways và Destination BC đã quyết định chung tay đầu tư xây dựng một ứng dụng du lịch thế giới cho người đam mê cả thực tế ảo và du lịch.
Tiên phong trong ngành Du lịch đối với lĩnh vực này tại Việt Nam, Vietravel là đơn vị lữ hành tạo dấu ấn đột phá trong việc sáng tạo, đưa công nghệ VR 360 vào lĩnh vực du lịch thực tế ảo - xu hướng mới nhất trên thế giới để tạo nên những trải nghiệm mang đầy cảm xúc thăng hoa, đáp ứng kỳ vọng của du khách ngay từ giây phút đầu tiên của cuộc hành trình.
Với ứng dụng Hoàn Kiếm 360 độ, du khách có thể ngồi một chỗ tham quan trực tuyến các thắng cảnh tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) |
Một trong những yếu tố khác biệt giữa du lịch thực tế ảo và du lịch thật chính là chi phí khi du khách sẽ chỉ tốn khoảng 10% so với tour du lịch thông thường. Ngoài vấn đề chi phí, du khách cũng không phải chịu cảnh chen chúc, chờ đợi ở sân bay hoặc tránh nguy cơ gặp phải về sức khỏe, lây lan mầm bệnh giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang có ảnh hưởng lớn đến toàn cầu... Du lịch thực tế ảo cũng sẽ đem lại lượng khách du lịch "thật" khi dịch bệnh qua đi.
Bước đệm chuẩn bị cho thị trường du lịch "thật" vượt qua đại dịch
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ để thu hút người dân và du khách tìm hiểu các điểm đến bằng hình thức trực tuyến. Gần đây, các website du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor... đã tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, từ lâu trung tâm đã thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, di tích này đã phải tạm thời đóng cửa trong một thời gian dài để thực hiện cách ly xã hội nhưng các hoạt động quảng bá vẫn được thực hiện trên YouTube.
Ở nhiều điểm đến du lịch khác của Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ giờ đây là giải pháp ưu tiên để tiếp cận du khách. Trang thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm “Hoàn Kiếm 360 độ”, ứng dụng Myhanoi cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh hữu ích về Hà Nội, có thể giúp người dân, du khách tìm hiểu các điểm đến dù đang ở nhà.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết, Sở sẽ thực hiện số hóa các điểm đến trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Thủ đô.
Dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng phức tạp đến toàn cầu, gây thiệt hại lớn về kinh tế và chưa biết lúc nào sẽ kết thúc. Đó là thách thức lớn song cũng là cơ hội để ngành Du lịch nhìn lại nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp và định hướng phát triển. Trong đó, du lịch thực tế ảo là một hướng đi giúp các đơn vị củng cố thương hiệu, tạo sức bật phát triển khi dịch bệnh bị khống chế.