Đưa di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào danh sách các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp
5 tháng đầu năm 2017, các sở, ngành đã có sự cố gắng bám sát nhiệm vụ kế hoạch đề ra, tập trung và đảm bảo tiến độ về việc xây dựng đề án lựa chọn chương trình di sản Mo Mường vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Các thành viên BCĐ đã phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với Bộ trưởng Bộ VH TT&DL, Cục Di sản văn hoá về việc hỗ trợ tỉnh Hoà Bình về việc mời tư vấn xây dựng hồ sơ Di sản Mo Mường và tiến trình đưa hồ sơ Mo Mường trình các cấp công nhận. Các địa phương đã tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền ở cơ sở, tổ chức được một số mô hình bảo tồn di sản như tổ chức diễn xướng, trình diễn trong các dịp Lễ hội đầu năm 2017 đạt hiệu quả tốt.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đưa ra kế hoạch và giải pháp cụ thể để xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa di sản Mo Mường vào danh mục di sản thế giới trong thời gian sớm nhất. Đồng thời xem xét, phân công nhiệm vụ lập hội đồng khoa học thực hiện đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước. Trong đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần phải triển khai nhanh việc xây dựng bộ gõ chữ Mường và biên tập sách Mo Mường theo bộ chữ mới trình các cấp thẩm định.
Trong thời gian tới, Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ và tiến hành các bước trình Bộ VHTTDL, Hội đồng Di sản quốc gia và Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đưa di sản văn hoá phi vật thể Mo Mường Hoà Bình vào danh sách trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Hòa Bình là trung tâm sinh sống của đồng bào dân tộc Mường cả nước. Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, dân tộc Mường nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Trong đó, Mo Mường là một hiện tượng văn hóa đặc sắc của người Mường đã được bồi đắp, gìn giữ từ lâu đời. Mo Mường được truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của dân tộc.