Đưa hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội vươn ra "biển lớn"
Khách quốc tế tham quan gian hàng Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội
Bài liên quan
Hà Nội không để hàng thủ công mỹ nghệ “núp bóng” doanh nghiệp ngoại
Khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô
Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao đời sống nông dân
170 gian hàng tham gia Hội chợ hàng nông sản và sản phẩm OCOP
Hàng thủ công Hà Nội được bạn bè quốc tế ưa thích
Đầu năm 2019, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Hiệp hội xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, tổ chức đoàn công tác tham gia Hội chợ hàng trang trí nội thất và quà tặng Ambiente 2019 tại Frankfurt (Đức).
Ambiente Frankfurt là Hội chợ thương mại hàng gia dụng hàng đầu và lớn nhất thế giới về các sản phẩm như: Bàn ăn, bếp và đồ gia dụng trong nhà, quà tặng, nữ trang và vật dụng thời trang, các giải pháp thiết kế nội thất - sản phẩm trang trí nội thất, thiết bị nhà bếp, thiết bị phòng tắm... Hội chợ được đánh giá là sự kiện “không có đối thủ” trên phạm vi toàn cầu nhờ tính đa dạng sản phẩm có một không hai cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu.
Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp gặp gỡ, học hỏi, trao đổi và đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất, đối tác mua hàng, đơn vị cung cấp công nghệ tiên tiến chuyên ngành thủ công mỹ nghệ hàng đầu thế giới, Hội chợ cũng thúc đẩy tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, nắm bắt thông tin về thị trường, thị hiếu khách hàng, xu hướng thiết kế mẫu mã sản phẩm mới của thế giới.
Sự kiện cũng là một trong những yếu tố giúp cho các doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh, phát triển ổn định và bên vững, đặc biệt trong xu thế hội nhập hiện nay.
Năm nay cũng là năm thứ 2 liên tiếp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức đoàn tham gia Hội chợ. Khu gian hàng với quy mô 45m2 tại khu vực dành riêng cho các nhà sản xuất toàn cầu với thiết kế không gian mở, được đánh giá là đẹp mắt, ấn tượng. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ trưng bày là những sản phẩm tiêu biểu, độc đáo, chất lượng cao, được đầu tư, thiết kế mới, phong phú và đa dạng.
Qua 5 ngày tham dự Hội chợ, Khu gian hàng Thủ Công mỹ nghệ thành phố Hà Nội đã thu hút được một lượng lớn khách đến giao dịch và đàm phán. Bên cạnh việc đón tiếp và giao dịch trực tiếp với khách hàng, các doanh nghiệp trong đoàn đã chủ động mang sản phẩm mẫu và tài liệu đến từng Khu gian hàng các quốc gia để giới thiệu năng lực và chào hàng, thu được nhiều kết quả khả quan.
Cầu nối đưa hàng Việt ra thị trường quốc tế
Tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ luôn được các cơ quan chức năng ưu tiên với nhiều giải pháp khác nhau. Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian tới cùng với sự phát triển và hoàn thiện cơ cấu của thị trường thương mại điện tử, thị phần hàng thủ công mỹ nghệ sẽ là kênh hỗ trợ đắc lực giúp hàng Việt có thể vươn xa ra thị trường quốc tế.
Trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội và Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, du lịch Hà Nội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động nhằm hỗ trợ và hướng tới phát triển bền vững các làng nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Các làng nghề không chỉ mang lại giá trị kinh tế, là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của Thủ đô Hà Nội mà còn tạo việc làm cho gần 1 triệu lao động, với thu nhập bình quân đầu người đạt từ 35-50 triệu đồng/ người/ năm.
Trong đó, nhiều làng nghề có mức thu nhập cao từ 70-100 triệu đồng/người/năm. Cụ thể, những năm qua, hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần và thị trường vẫn còn gặp không ít khó khăn...Nguyên nhân là do các làng nghề, doanh nghiệp hiện nay chủ yếu sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như số lượng của nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhiều khi, doanh nghiệp nhận được các đơn hàng lớn mà không dám làm. Bởi nếu huy động cả làng cùng sản xuất vẫn không đáp ứng được yêu cầu về số lượng và thời hạn giao hàng.
Với mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhằm góp phần cải thiện đời sống người dân làng nghề và phát triển kinh tế, thời gian vừa qua Thành phố đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề như: Vay vốn, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại...
Đặc biệt, Thành phố đã thuê các chuyên gia nước ngoài, mở lớp tập huấn về thiết kế; đồng thời, mong muốn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động, nhanh nhạy tiếp cận thị trường, đổi mới quản lý và sản xuất để ngành nghề thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn.
Một trong những biện pháp xúc tiến thương mại hiệu quả, được Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, du lịch Hà Nội áp dụng trong những năm qua chính là việc tham gia các Hội chợ thủ công mỹ nghệ quốc tế.
Các sự kiện này không chỉ giúp các doanh nghiệp, nhà sản xuất có cơ hội giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng quốc tế mà còn là dịp tìm kiếm cơ hội hợp tác quốc tế, qua đó thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nhiều tiềm năng này.