Tag

Dựng tượng Trịnh Công Sơn để lưu dấu sáng tạo một bậc tài danh

Xã hội 21/11/2020 11:00
aa
TTTĐ - Công trình “Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” vừa được tỉnh Bình Định khánh thành tại bờ biển Quy Nhơn, không chỉ có giá trị một cảnh quan, mà còn góp phần khơi dậy hoài niệm về một mảnh đất giao hòa thi ca và âm nhạc từng níu chân nhiều gương mặt lừng lẫy như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Xuân Diệu, Yến Lan…
Ra mắt băng cối "Lênh đênh nhớ phố" và triển lãm ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Biển nhớ" kỉ niệm 19 năm Trịnh Công Sơn rời xa "cõi tạm"
Tượng nhạc sĩ Trinh Công Sơn
Tượng nhạc sĩ Trinh Công Sơn

Trịnh Công Sơn (1939-2001) là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Trịnh Công Sơn cùng với Văn Cao và Phạm Duy, là ba nhân vật có tầm vóc vượt trội so với những nhạc sĩ khác. Dựng tượng Trịnh Công Sơn ở đâu cũng là một nghĩa cử tôn vinh bậc tài hoa của đất nước. Thế nhưng, dựng tượng Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn có nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Dự án xây dựng “Tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn” được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định phê duyệt từ tháng 1/2019. Tác phẩm “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm Biển Nhớ” của nhà điêu khắc Lâm Quang Nới đã được chọn để thi công.

Bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được thực hiện với thời gian 20 tháng là tác phẩm cao 2,4m được làm bằng chất liệu đá granite xám trắng. Phần bệ tượng gồm có 2 vòng tròn đồng tâm, ở tâm là khối bát giác giật 3 cấp đều. Vòng tròn 1 có bán kính 5m trồng hoa, bó vỉa bằng chất liệu đá granite. Vòng tròn 2 có bán kính 3,6m trồng cỏ, bó vỉa bằng chất liệu đá granite.Khối bát giác ở tâm hình tròn có cạnh là 1,4m, giật đều lên 3 cấp; cốt đỉnh của khối bát giác cao 0,75m. Bên cạnh bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi ôm đàn ghi ta là bản nhạc “Biển nhớ”. Nếu tìm một mối liên hệ giữa bức tượng và bản nhạc thì hơi khó. Bởi lẽ, bức tượng thể hiện nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ tuổi trung niên, còn bản nhạc “Biển nhớ” được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thời thanh niên.

Công trình “Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm Biển Nhớ” có kinh phí hơn 3 tỷ đồng, cũng có nhiều nhận định khác nhau về mặt thẩm mỹ. Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đang sinh sống tại Bình Định đã đánh giá: “Cái yếu của bức tượng trước tiên là do lựa chọn một hình thức bố cục quá đỗi bình thường quen mắt không có gì sáng tạo. Cái tư thế ngồi bắt chéo chân chơi đàn gợi lên một người tập đánh đàn hơn là một nghệ sĩ viết nhạc. Một người nghệ sĩ khi viết nhạc cầm đàn- chơi đàn thoải mái- tung tẩy không cứng đơ như vậy. Thậm chí cầm đàn đó nhưng không cần đàn.

Tinh thần của một nhạc sĩ không phải ở cây đàn mà là tư tưởng âm nhạc nó phải được hiện lên trong chuyển động của hình khối, chất liệu và không gian. Bức tượng chỉ xoay quanh cây đàn hiện thực đến ngây ngô và cố tập trung đặc tả chân dung để tìm cái sự giống khuôn mặt Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên việc đặc tả lại quá xoáy sâu vào đôi mắt. Làm người xem bị hút vào đôi mắt. Phải chăng ý tác giả muốn nhấn mạnh rằng Trịnh Công Sơn có đôi mắt ru hồn.

Bản nhạc “Biển nhớ” được khắc bên cạnh tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Bản nhạc “Biển nhớ” được khắc bên cạnh tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Các bộ phận còn lại trên khuôn mặt thì nhạt nhòa thiếu linh hồn. Các phần còn lại của thân hình rất chung chung. Các mảng khối nếp gấp áo quần không gợi lên một điều gì về nhịp điệu chuyển động ngôn ngữ, tiếng nói mỹ cảm. Thử cắt bỏ cái phần chân dung ở trên thì phần còn lại ở dưới rất quê mùa cục mịch. Cách xử lí hình và khối nhiều chỗ lúng túng, tù mù tựa như bài học thực hành tạo hình điêu khắc . Không có gì sáng tạo để làm nên một cái gì đó mang tinh thần một nghệ sĩ”.

Không chỉ tạo điểm nhấn cho cảnh quan bờ biển Quy Nhơn, thì bức tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn có giá trị văn hóa khi nhắc nhở công chúng về một dấu vết sáng tạo nghệ thuật. Bởi lẽ, ngoài quê nhà Huế, thì có hai vùng đất mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã lưu trú và có cảm hứng viết nên những ca khúc nổi tiếng là Quy Nhơn- Bình Định và Bảo Lộc- Lâm Đồng. Cụ thể hơn, Quy Nhơn là nơi Trịnh Công Sơn đi học, còn Bảo Lộc là nơi Trịnh Công Sơn đi dạy.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn từ năm 1962 đến năm 1964. Ca khúc “Biển nhớ” là tác phẩm đầu tiên Trịnh Công Sơn viết ở Quy Nhơn, khi vừa bước chân vào giảng đường đã phải lòng cô bạn học Tôn Nữ Bích Khê. Thiếu nữ quê Nha Trang kia đã được Trịnh Công Sơn khéo léo lồng ghép trong lời ca “trời cao níu bước Sơn – Khê”.

Sau mối tình vô vọng “ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn”, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn những ngày ở Quy Nhơn đã viết tiếp một loạt ca khúc khác, như “Dấu chân địa đàng” (1962), “Hành hương trên đồi cao” (1962), “Gọi tên bốn mùa” (1963), “Nắng thủy tinh” (1963) “Lời của dòng sông” (1964), “Lời mẹ ru” (1964) “Mưa hồng” (1964), “Còn tuổi nào cho em” (1964), “Gọi đời lên mau” (1964), “Xin mặt trời ngủ yên” (1964)…

Ngày rời khỏi Quy Nhơn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc “Tạ ơn” tha thiết: “Dù đến rồi đi, tôi cũng xin tạ ơn người, tạ ơn đời, tạ ơn ai đã cho tôi còn những ngày ngồi mơ ước cùng người. Ôi, mênh mông tháng ngày vắng em, tình như lá bỗng vàng bỗng xanh. Em ra đi như thoáng gió thầm, để lại đây thành phố không hồn”. Cũng vì ân tình với Quy Nhơn mà sau này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết ca khúc “Biển nghìn thu ở lại” làm nền tảng khởi nghiệp cho ca sĩ Quang Dũng quê gốc Bình Định. Đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thành phố Quy Nhơn là nguồn cảm hứng và cũng là chốn ân tình.

Cần nhớ rằng, chính phong trào học sinh – sinh viên ở Quy Nhơn đã ươm mầm ý thức phản chiến cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “ôi chinh chiến đã mang đi bè bạn, ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương”. Để khi lên Bảo Lộc dạy học từ năm 1964 đến năm 1967, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bùng nổ dòng ca khúc Da Vàng với “Du mục”, “Đại bác ru đêm”, “Chờ nhìn quê hương sáng chói”… mà chính ông thổ lộ: “Tiếng hát đã có thể cất lên để nuôi lớn ước mơ. Ta đã có sẵn hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm, để còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai. Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niềm tin và lời hứa hẹn của những người đã nằm xuống. Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt, vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn. Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản”.

Tuy nhiên, một dấu ấn sáng tạo của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn rất ít người nhắc đến là ca khúc “Dã tràng ca” viết cuối năm 1962. Đây là bài hát dài nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gồm 13 đoản khúc. Khi trình diễn trước sinh viên sư phạm Quy Nhơn, “Dã tràng ca” còn được giới thiệu với một tên gọi khác là “Trường ca tiếng hát Dã Tràng”. Ca khúc “Dã tràng ca” từng được ca sĩ Ánh Tuyết và ca sĩ Đức Tuấn thể hiện, nhưng vẫn chưa mấy phổ cập công chúng: “Trùng dương ơi, đã mấy ngàn năm/ gọi miên man cho sóng triều lên/ quên dã tràng đêm ngày xe cát/ Trùng ơi ơi, sao nỡ bỏ quên/ gọi cơn đau khi sóng triều lên/ công dã tràng muôn đời vỡ tan”.

Đọc thêm

Báo chí Hà Nội cần tăng cường định hướng dư luận, củng cố niềm tin trong Nhân dân Xã hội

Báo chí Hà Nội cần tăng cường định hướng dư luận, củng cố niềm tin trong Nhân dân

TTTĐ - Tại Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí thành phố tháng 5/2025do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội tổ chức, các nội dung thông tin quan trọng đã được cung cấp nhằm định hướng tuyên truyền sát với yêu cầu thực tiễn.
Báo chí Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp Xã hội

Báo chí Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp

Chiều 6/5, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Huy Cường chủ trì Hội nghị thông tin chuyên đề và giao ban triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác báo chí TP tháng 5/2025.
Đảm bảo cung ứng đủ nước sạch phục vụ Nhân dân trong dịp hè Xã hội

Đảm bảo cung ứng đủ nước sạch phục vụ Nhân dân trong dịp hè

TTTĐ -Theo dự báo, trong những tháng cao điểm của mùa hè, nhu cầu tiêu thụ nước sạch của người dân Thủ đô tăng cao. Để đảm bảo cung cấp nước sạch ổn định, an toàn và ứng phó với các tình huống thiếu nước cục bộ có thể xảy ra, UBND thành phố Hà Nội có các giải pháp đảm bảo nước sạch phục vụ Nhân dân.
Tạm dừng công tác điều hành đối với 3 Chủ tịch UBND xã Xã hội

Tạm dừng công tác điều hành đối với 3 Chủ tịch UBND xã

TTTĐ - Sáng 6/5, huyện Quốc Oai đã ra thông báo về việc tạm dừng công tác điều hành đối với Chủ tịch UBND các xã Hưng Đạo, Hòa Thạch và Ngọc Mỹ để tập trung xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.
Hà Nội siết chặt các phương án ứng phó thiên tai từ cơ sở Môi trường

Hà Nội siết chặt các phương án ứng phó thiên tai từ cơ sở

TTTĐ - Thời gian qua, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận đầy thách thức, thiên tai diễn biến bất thường, các sự cố xảy ra với tần suất cao, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Thủ đô.
Bà Rịa - Vũng Tàu vào top 5 chỉ số PCI 2024 Đô thị

Bà Rịa - Vũng Tàu vào top 5 chỉ số PCI 2024

TTTĐ - Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lọt vào top các địa phương dẫn đầu Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024.
Hải Phòng dẫn đầu cả nước 3 chỉ số PCI, PAR Index và SIPAS Đô thị

Hải Phòng dẫn đầu cả nước 3 chỉ số PCI, PAR Index và SIPAS

TTTĐ - Đây là lần đầu tiên Hải Phòng đạt vị trí số 1 ở cả 3 chỉ số cải cách lớn nhất cấp quốc gia, tạo dấu ấn mang tính lịch sử, thể hiện rõ nét những chuyển biến mạnh mẽ trong quản trị và điều hành của chính quyền thành phố .
Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 Muôn mặt cuộc sống

Khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025

TTTĐ - Sáng nay, Lễ khai mạc Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025 đã diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh).
Bắc Bộ có nơi nắng nóng gay gắt Môi trường

Bắc Bộ có nơi nắng nóng gay gắt

TTTĐ - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 6 và 7/5, khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Sơn La và Hòa Bình được dự báo có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.
68 cán bộ Công an Lâm Đồng xin nghỉ hưu trước tuổi Xã hội

68 cán bộ Công an Lâm Đồng xin nghỉ hưu trước tuổi

68 cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng vừa tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, trong đó có 2 trưởng phòng, 35 phó trưởng phòng và nhiều chỉ huy cấp đội, xã.
Xem thêm